Tại LIMA 2017, Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng QCHQ đã có cuộc tiếp xúc với TGĐ Nhà máy Zelenodolsk, nơi đóng 4 chiến hạm Gepard 3.9 cho Việt Nam.
Tin chính thức đăng trên website của Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk cho biết ông Renat Mistahov - Tổng giám đốc đơn vị đóng 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard cho Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu cấp cao của Hải quân Việt Nam tham dự Triển lãm Hàng hải và Hàng không LIMA 2017.
Dẫn đầu đoàn đại biểu của Nhà máy tới LIMA 2017 là ông Renat Mistahov - Tổng giám đốc. Tại Triển lãm lần này Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk đặt rất nhiều kỳ vọng vào tiềm năng xuất khẩu của những mẫu tàu quân sự do Nhà máy chế tạo.
Ông đã trực tiếp giành nhiều thời gian trao đổi với đại diện các đoàn lãnh đạo cấp cao của Quân đội và Hải quân nhiều quốc gia, trong đó có buổi tiếp Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng QCHQ, Trưởng đoàn Hải quân Việt Nam tham dự Triển lãm Hàng hải và Hàng không LIMA 2017.
Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk mang tới Triển lãm LIMA 2017 (đang diễn ra ở Langkawi Malaysia từ ngày 21-25/03/2017) nhiều mẫu tàu quân sự hiện đại như tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, tàu tuần tra thuộc dự án 22160 cùng những tài liệu quan trọng khác nhằm giới thiệu với các khách hàng tiềm năng.
Ngoài tiềm năng tiếp tục ký hợp đồng đóng thêm cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 (chiếc thứ 5 và 6), ông Renat Mistahov đã giới thiệu với Đoàn Hải quân Việt Nam một số mẫu tàu thế hệ mới, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa tàng hình thuộc dự án 22160 được thiết kế bởi Viện thiết kế phương Bắc và thi công tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk.
Được biết, hiện nay Hải quân Nga đang đặt hàng Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk thi công một loạt lớn các tàu 22160 phiên bản tuần tra có lượng choán nước trên 1.000 tấn với vũ khí chính gồm 1 pháo hạm AK-176MA, súng máy 12,7 mm và tên lửa phòng không vác vai Igla.
Tuy nhiên, tại LIMA 2017 lần này, Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk đã mang tới phiên bản tàu hộ vệ tên lửa tàng hình thuộc dự án 22160 với cấu hình vũ khí cực mạnh trang bị tên lửa Club-K phóng thẳng đứng lắp đặt trong 2 container (2x4 đạn) bố trí ở đuôi tàu.
Ngoài ra, khả năng phòng không của phiên bản này mạnh hơn nhiều khi có thêm tổ hợp tên lửa phòng không Shtil phóng thẳng đứng bố trí phía sau pháo chính.
Tùy theo yêu cầu của khách hàng, Viện thiết kế phương Bắc và Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk có thể tích hợp và lắp đặt thêm các thiết bị thủy âm gắn vào thân MGK-335EM, thiết bị thủy âm kéo dây Vignette-EM, ngư lôi cỡ 324 mm chuyên dụng cho nhiệm vụ săn ngầm.
Để bảo vệ tàu trước các mối đe dọa bởi người nhái đối phương, tàu có thể còn được trang bị thêm súng phóng lựu chống biệt kích ngầm DP-65. Trên tàu cũng có sàn đáp cho trực thăng săn ngầm Ka-27 và tương đương.
Theo giới thiệu của Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk các tàu thuộc đề án 22160 không chỉ có khả năng tàng hình cùng hỏa lực rất mạnh mà còn có thể tác chiến xa bờ, dài ngày trong cả môi trường biển mở lẫn biển kín, thích hợp cho các quốc gia có đường bờ biển dài với vùng lãnh hải rộng lớn.
Theo Sputnik