Nga được ông Trump giúp “khai tử” NATO?

VietTimes -- Cựu thủ tướng Thụy Điển Nils Daniel Carl Bildt đã có bài viết cho dự án Syndicate, ông e ngại khối quân sự NATO có thể đã đến hồi kết thúc khi quan sát những động thái của tổng thống Trump đối với NATO và nước Nga trong thời gian gần đây, theo The Strategist.

NATO và trật tự ở phía bên kia Đại Tây Dương sẽ như thế nào sau một tuần đầy huyên náo của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Brussels, Anh quốc và Helsinki, nơi ông bảo vệ tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại những cáo buộc của chính cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga đã thực hiện chiến tranh mạng chống lại nước Mỹ?

Nếu xem xét những sự kiện vừa mở ra theo lăng kính màu hồng, có thể cho rằng liên minh chiến lược quan trọng nhất của phương Tây vẫn "ổn" hay thậm chí phát triển mạnh mẽ hơn. Thực tế, NATO đang lâm nguy và số phận của liên minh này đang nằm trong đôi tay "khó lường" của tổng thống Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin sự cởi mở và thân thiện trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 16.7 tại Helsinki, Phần Lan.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin sự cởi mở và thân thiện trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 16.7 tại Helsinki, Phần Lan.

Trước và trong cuộc họp thượng đỉnh NATO, có rất nhiều người vò đầu bứt tai về việc chi tiêu quân sự của mỗi thành viên theo tổng sản phẩm quốc nội GDP. Mỗi thành viên muốn tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP cho tới năm 2024. Nhưng ông Trump có vẻ nghĩ rằng nên thực hiện điều này ngay. Và trong cuộc họp, ông đã lập tức kêu gọi mục tiêu chi tiêu quốc phòng lên 4%, nhiều hơn cả Mỹ chi tiêu hiện tại.

Trong vài thập kỷ trước, NATO chủ yếu tập trung vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở những khoảng cách xa hơn là tập trung vào chức năng cốt lõi là phòng thủ lãnh thổ. Với hầu hết các thành viên châu Âu, việc chia sẻ hòa bình từ các hoạt động của đồng minh sẽ cần cắt từ chi tiêu quốc phòng trong nước.

Nhưng thái độ của NATO đã thay đổi vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea cùng với những cáo buộc can thiệp vào đông Ukraine. Kể từ đó, ngân sách quốc phòng của các nước NATO đã tăng trung bình khoảng 4% mỗi năm, điều này khiến mục tiêu năm 2024 của họ có thể thực hiện được.

Ông Trump gần đây đã gọi các nước châu Âu là "kẻ thù về mặt thương mại" của Mỹ.
 Ông Trump gần đây đã gọi các nước châu Âu là "kẻ thù về mặt thương mại" của Mỹ.

Điều ông Trump phàn nàn rằng Mỹ đang phải gánh một gánh nặng không công bằng trong công tác phòng thủ chung của NATO là không chắc chắn. Trong khi ngân sách quân sự của Mỹ bằng khoảng 72% so với chi tiêu của tất cả các thành viên NATO thì khoảng 3/4 chi tiêu quân sự của Mỹ nằm trực tiếp ở các khu vực khác mà không phải là châu Âu. Khoảng một nửa ngân sách quốc phòng của Mỹ dành cho việc duy trì sự hiện diện tại Thái Bình Dương và 1/4 còn lại dành cho các hoạt động tại Trung Đông, kiểm soát và điều khiển vũ khí hạt nhân chiến lược cũng như tại các vùng khác.

Hơn nữa, mặc dù Mỹ gia tăng chi tiêu phòng thủ tại châu Âu trong những năm vừa qua, cần phải lưu ý rằng hầu hết quân đội và các cơ sở quân sự của Mỹ đều đang hướng sự tập trung vào cánh cửa địa chiến lược từ Ấn Độ tới Nam Phi. Với các cơ sở như Ramstein, Fairford, Rota, Vicenza và Sigonella, Mỹ sử dụng châu Âu là địa điểm để triển khai quân đội đi các nơi. Những cơ sở giám sát và cảnh báo sớm mà Mỹ duy trì tại Anh quốc và Na Uy là để phòng thủ cho lục địa Bắc Mỹ mà không phải là châu Âu.

Thực tế, theo dự tính được đưa ra bởi Đại học Quốc phòng Mỹ, chi tiêu quân sự của châu Âu gấp khoảng 2 lần kinh phí do Mỹ dành cho an ninh châu Âu và gấp hơn 2 lần so với chi tiêu của Nga dành cho quốc phòng.

Quân đội Mỹ và NATO diễn tập tại Lithuania.
 Quân đội Mỹ và NATO diễn tập tại Lithuania.

Không thể hạ thấp tầm quan trọng của Mỹ về lực lượng chỉ huy, kiểm soát và tình báo của châu Âu nhưng ít nhất cần đánh giá vấn đề này. Vì mặc dù quân đội Mỹ thường luân chuyển các lữ đoàn hạng nặng qua châu Âu để thực hiện diễn tập quân sự nhưng đội quân thường trực của Mỹ đóng tại đây chỉ được trang bị cho những sự can thiệp rất hạn chế.

Đó là lý do vì sao NATO cần tiếp tục nâng cao khả năng phòng thủ tại châu Âu. Ít nhất, châu Âu cần tăng thêm quân số và lực lượng này cần được trang bị để có thể triển khai nhanh chóng tới những khu vực quan trọng. Trung tâm chỉ huy mới sẽ được thiết lập tại Đức là một khởi đầu hứa hẹn.

Nhưng ưu thế của Nga so với NATO không phải là nguồn lực mà là chỉ huy và kiểm soát. Vì là một nước, quân đội Nga có tính thống nhất và có thể triển khai nhanh để thực hiện chỉ thị chiến lược từ Kremlin. Sự mau lẹ, thần tốc, hiệu quả đã được chứng minh tại Crimea năm 2014 và tại Syria năm sau đó.

Về phần mình, NATO có cấu trúc chỉ huy thống nhất sâu cho các lực lượng của mình. Nhưng vấn đề khó khăn là những quyết định chính trị để triển khai lực lượng hay thực hiện chiến dịch không được đưa ra đúng thời điểm. Nếu có bất cứ cuộc xung đột quân sự nào, sự thống nhất về ý chí và tốc độ quyết định của những chỉ huy cấp cao sẽ quyết định kết quả.

Vấn đề là trong khi khả năng quân sự của NATO thực sự được nâng lên, khả năng thực hiện quyết định chính trị lại thụt lùi. Hãy thử tưởng tượng điều gì xảy ra nếu một nước thành viên NATO gióng chuông cảnh báo về một hoạt động quân sự bí mật của Nga "theo kiểu Crimea" trong biên giới của họ. Tiếp theo, hãy tưởng tượng về việc cơ quan tình báo Mỹ xác minh có hành động gây hấn đang được thực hiện dù cho có những sự phủ nhận của ông Putin.

Cuối cùng, hãy thử tưởng tượng ông Trump sẽ trả lời vấn đề này thế nào. Liệu ông có gọi cho ông Putin để hỏi xem điều gì đang xảy ra? Và liệu ông Putin có đưa ra một "đề nghị đặc biệt" để giúp các nhà điều tra của Mỹ hiểu được bản chất của vấn đề? Hơn nữa: Liệu ông Trump có nhanh chóng thực hiện nguyên tắc cơ bản về phòng thủ chung theo điều 5 của hiệp ước NATO? Hay ông sẽ do dự, hỏi lại thông tin tình báo, coi nhẹ đồng minh của Mỹ và xác nhận điều phủ nhận của ông Putin?

Đó là những câu hỏi cần phải hỏi tổng thống Mỹ. Và những câu hỏi này đang lơ lửng trên đầu của những nước châu Âu một cách vô hạn định.