Nga điều quân tới các mặt trận ở Syria, gửi cảnh báo sắc lạnh tới Thổ Nhĩ Kỳ

VietTimes -- Nga cuối cùng đã có động thái cứng rắn phản ứng về chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó cảnh báo rằng họ sẽ ngăn chặn người Thổ tấn công binh sĩ chính phủ Syria sau khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường.
Quân đội chính phủ Syria giơ cao quốc kỳ và ảnh Tổng thống Assad tại ngoại ô thành phố Manbij hôm 15/10 (Ảnh: Newsweek)
Quân đội chính phủ Syria giơ cao quốc kỳ và ảnh Tổng thống Assad tại ngoại ô thành phố Manbij hôm 15/10 (Ảnh: Newsweek)

Ông Alexander Lavrentiev – Đặc phái viên của Nga về vấn đề Syria – đã trấn an dư luận về mức độ nguy hiểm của một cuộc đối đầu giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng “trước tiên, không có ai mong muốn cuộc đối đầu xảy ra, và nó là điều không thể chấp nhận được”. “Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra” – ông Lavrentiev khẳng định.

RIA cũng dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay binh sĩ của họ đã được triển khai tới các mặt trận nằm giữa 2 phe phái đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm ở Syria. Nga, cùng với Iran, trước giờ vẫn ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại phe nổi dậy mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Phe thứ ba trên chiến trường là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà người Kurd dẫn đầu, được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, người Kurd giờ bị Mỹ bỏ mặc trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công hòng quét sạch những chiến binh ly khai người Kurd. Kết quả là SDF và chính phủ Syria ký kết một thỏa thuận để hợp tác chống lại kẻ thù chung là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ, cùng với các đồng minh trong khu vực như Israel, Qatar và Arab Saudi, ban đầu ủng hộ phong trào nổi dậy ở Syria (năm 2011). Nhưng những lợi thế mà các nhóm nổi dậy giành được đã bị đảo ngược sau khi Nga, Iran và các nhóm vũ trang đồng minh nhập cuộc, tăng cường sức mạnh cho lực lượng chính phủ của ông Assad. Sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau đó buộc Mỹ phải quay sang hợp tác với SDF để đánh bại nhóm khủng bố này. Cùng lúc, chính phủ Syria cũng mở chiến dịch riêng để chống lại IS.

Kể từ đó, người Kurd giành nhiều thắng lợi trên mặt trận chống IS ở miền Bắc và miền Đông Syria, từ đó thiết lập được một chính quyền tự trị được Mỹ hậu thuẫn, dù không được các bên khác công nhận. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng ra chỉ thị tổ chức 2 chiến dịch xuyên biên giới nhằm quét sạch người Kurd ở Syria, những người mà chính phủ của ông coi là tổ chức khủng bố. Tuần trước, ông bắt đầu khởi động chiến dịch thứ 3 của mình sau một cú điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump từ lâu đã muốn rút binh lực khỏi Syria, đặc biệt là khi IS đã bị đánh bại ở nước này. Ban đầu, dường như ông Trump đã “bật đèn xanh” cho người Thổ mở cuộc tấn công, nhưng khi chiến dịch này bắt đầu ông lại cùng với giới chức Lầu Năm Góc lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và cùng lúc rút hết binh sĩ khỏi Syria.

Trong hôm đầu tuần này, quân đội Mỹ đã trao trả nhiều vị trí ở thành phố Manbij, phía Bắc Syria, cho các lực lượng của Nga. Nhờ vào sự ủng hộ của quân đội chính phủ Syria cùng thỏa thuận mới ký kết với người Kurd, Nga giờ đã trở thành người bảo vệ cho thành phố chiến lược này và có thể thêm nhiều thành phố khác nằm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỹ - Syria.

Dù Nga lập tức tăng cường hiện diện quân sự trên chiến trường ngay khi Mỹ rời đi, họ vẫn duy trì liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ. Hai quốc gia này, cùng với Iran, đã tạo dựng một tiến trình 3 bên nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria, và hồi tháng trước đã tổ chức cuộc họp với hy vọng thúc đẩy hòa bình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà Moscow và Ankara đang đứng ở hai đầu chiến tuyến trong khi Tehran cực lực lên án chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm bộ ba này một lần nữa nhận ra rằng họ đang bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria. Trong số tất cả các nước Arab, hiện nay chỉ có duy nhất Qatar là lên tiếng ủng hộ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách thu hút thêm sự ủng hộ từ các nước trong khu vực bằng các chuyến thăm cấp nhà nước tới Arab Saudi và UAE. 2 quốc gia này trước đây cũng từng ủng hộ phong trào nổi dậy hòng lật đổ chính quyền Assad, nhưng sau lại hạ giọng khi chính quyền Assad giành nhiều thắng lợi trên chiến trường.

Abu Dhabi giờ đã mở cửa lại Đại sứ quán ở Damascus, và Riyadh cũng đang có ý định tương tự khi mà Nga đang ra sức vận động để Syria lấy lại tư cách thành viên Liên đoàn Arab (AL) sau 8 năm bị đình chỉ.

(Theo Newsweek)