Nga có thể sớm tiến hành đòn tấn công thứ hai bằng tên lửa "không thể bị đánh chặn"

Lầu Năm Góc mới đây cho biết Moscow có thể tiến hành cuộc tấn công thứ hai vào Ukraine bằng tên lửa siêu thanh Oreshnik trong vài ngày tới.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết vào cuối tháng 11 rằng Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm Oreshnik trong "điều kiện chiến đấu". Ảnh: AFP.

Sabrina Singh, phó thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, cho biết trong một cuộc họp báo: “Ông Putin đã tuyên bố công khai rằng Nga có ý định phóng một tên lửa Oreshnik thử nghiệm khác. Có khả năng Nga sẽ thực hiện điều đó trong những ngày tới. Tôi không có ngày chính xác cho các bạn".

Bà Singh cho biết cảnh báo này dựa trên "đánh giá tình báo" nhưng từ chối giải thích thêm.

Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã tiết lộ danh tính của loại vũ khí mới vào cuối tháng 11, cho biết Điện Kremlin đã phóng tên lửa Oreshnik lần đầu tiên ở Ukraine.

Moscow cho biết Oreshnik có thể bay với tốc độ Mach 10, gấp 10 lần tốc độ âm thanh và không thể bị chặn bởi các hệ thống phòng thủ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Lãnh đạo Nga cho rằng tên lửa siêu thanh Oreshnik là không thể bị đánh chặn.

Tên lửa Oreshnik đã thu hút sự chú ý của toàn cầu vì tầm bắn của nó được cho là xa hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác được sử dụng trong chiến tranh. Loại vũ khí tầm xa tương tự như nó thường bay xa tới 3.410 dặm (5.400 km), nghĩa là về cơ bản chúng có thể tấn công bất cứ nơi nào ở châu Âu.

Nga cũng cho biết tên lửa mới có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, mặc dù quả tên lửa được bắn vào tháng 11 – tấn công một nhà máy sản xuất tên lửa cũ ở Dnipro – mang theo một cụm đầu đạn thông thường tương đối yếu hơn các loại thuốc nổ khác được sử dụng trước đây. Chính quyền Dnipro cho biết không có trường hợp tử vong nào trong vụ tấn công.

Các nhà phân tích cho rằng Oreshnik là một biến thể của tên lửa đạn đạo nổi tiếng Rubezh RS-26.

Nga đã sử dụng tên lửa Oreshnik mới ở Ukraine. Ảnh: Getty.

Tổng thống Putin đã mô tả Oreshnik là một thứ vũ khí hủy diệt, nói rằng nó có thể mang đầu đạn đạt tới nhiệt độ hơn 7.000 độ F (3.800 độ C). Ông cũng cho biết, nếu nhiều tên lửa Oreshnik được bắn cùng lúc, thiệt hại có thể tương đương với sức tàn phá của một cuộc tấn công hạt nhân.

Nga đã cảnh báo sẽ sử dụng Oreshnik nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục cho phép Ukraine tấn công đất Nga bằng pháo tầm xa.

Tuy nhiên, Mỹ đã công khai bác bỏ tác động của nó đối với các quyết định chiến lược.

"Tôi nghĩ mục đích mà chúng tôi công bố thông tin này là để đảm bảo rằng nó [Oreshnik] không phải là một “viên đạn bạc” làm thay đổi chiến trường. Chiến tranh sẽ tiếp tục và sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine sẽ tiếp tục”, bà Singh nói hôm 11/12.

Một số nhà phân tích tin rằng Nga chỉ có một số tên lửa Oreshnik nhưng không rõ Moscow có thể sản xuất chúng nhanh đến mức nào. Nước này dự kiến ​​sẽ đổ gần 1/3 ngân sách liên bang vào quốc phòng vào năm tới và tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp vũ khí khi cố gắng chống chọi với các lệnh trừng phạt quốc tế.