New York tiếp tục cảnh giác sau khi nghi can khủng bố bị bắt

Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo ra lệnh triển khai thêm 1.000 cảnh sát viên và vệ binh quốc gia tại New York.
New York tiếp tục cảnh giác sau khi nghi can khủng bố bị bắt.

Sau khi nhanh chóng bắt được Ahmad Khan Rahami – nghi can chính trong các vụ đánh bom cuối tuần qua ở New York – giới hữu trách New York trấn an rằng thành phố sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động an ninh được tăng cường trong suốt tuần, cao hơn mức độ đã được thực hiện để bảo vệ an ninh cho Ðại hội đồng Liên hiệp quốc năm nay.

Từ cuối tuần qua cho đến sáng thứ Hai, thành phố New York thật khác với thường lệ.

Khoảng 8 giờ sáng, cư dân được thông báo khẩn cấp “truy lùng Ahmad Khan Rahani, 28 tuổi” – nghi can chính trong các vụ đánh bom ở New York và New Jersey hồi cuối tuần làm bị thương 29 người. Vài giờ sau đó có tin đã bắt được nghi can này.

Ông James O’Neil, Ủy viên cảnh sát New York, cho biết:

"Tôi nghĩ đây là một chiến công của tất cả những người tham gia. Theo tôi, hệ thống cảnh báo rất hữu ích cho cơ quan cảnh sát và FBI trong vụ này và cả trong các vụ khác. Nó mở ra cho mọi người có thể tham gia. Đó là ý thức trách nhiệm chung."

Sau khi mối lo sợ chính đã được khống chế và không có manh mối nào cho thấy có một tổ chức khủng bố đang hoạt động trong khu vực, ủy viên vừa được bổ nhiệm vào lực lượng cảnh sát của thành phố lớn nhất nước nay đứng trước một nhiệm vụ lớn lao khác – đó là bảo vệ an ninh cho thành phố vừa bị rúng động vì những vụ đánh bom xảy ra ngay trước Ðại hội đồng Liên hiệp quốc, nơi các nhà lãnh đạo của 195 quốc gia trên thế giới sẽ nhóm họp trong suốt tuần lễ này.

Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo ra lệnh triển khai thêm 1.000 cảnh sát viên và vệ binh quốc gia. Thị trưởng Bill de Blasio trấn an công chúng New York rằng họ sẽ thấy cảnh sát hiện diện nhiều hơn, nhưng ông kêu gọi người dân New York tiếp tục đề cao cảnh giác:

"Đề cao cảnh giác là rất quan trọng. Nếu chúng ta thấy bất cứ điều gì bất thường, nhất là túi xách vô chủ, thì xin thông báo ngay lập tức."

Tại khắp các địa điểm trung chuyển giao thông chính của thành phố, lực lượng cảnh sát được trang bị vũ khí và chó rà bom tiếp tục cảnh giác cao trong nhiệm vụ canh giữ an ninh. Nhưng người dân New York vẫn bất nhất trước việc liệu họ có cảm thấy an ninh hơn hay không.

Ông Mauricio Panuela, một cư dân địa phương làm việc cách chỗ xảy ra vụ nổ ở Chelsea một khu phố:
"Giờ đây nguy cơ đánh bom đã ở ngay đây rồi. 

Tôi tưởng tượng là nó có thể xảy ra với tôi, hoặc với bất cứ người quen nào của tôi. New York không còn an toàn nữa. Thử tưởng tượng một kẻ nào đó xuất hiện với khẩu AK-47 và làm những chuyện điên rồ."

Bà Katie Seiler, một cư dân New York, nói:

"Thành phố có an ninh. Có rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau. Chắc chắn sẽ có khi tôi cảm thấy nghi ngờ điều đó, nhưng bởi vì tôi thực sự cảm nhận được tình cảm thân thiện trong thành phố này, tôi thực sự cảm thấy khá an toàn."

Nhưng người dân New York đồng ý về một điều – đó là lực lượng chống khủng bố của thành phố họ là một trong những lực lượng tinh vi và giỏi nhất thế giới. Và tùy vào người dân New York có bỏ cuộc vì sợ hãi hay không.

Ông Fred Thompson, một người New York, nói:

"New York là một mục tiêu của nhiều kẻ điên, những kẻ muốn phá hoại. Chúng tôi đã tiến bộ nhiều lắm rồi, và chúng tôi tiếp tục tiến bộ. Hãy đứng lên, chúng ta cùng tiến tới."