|
Binh sĩ cố gắng tiến vào tòa nhà Quốc hội ở Seoul sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật. Ảnh: AFP. |
Sắc lệnh ban hành thiết quân luật được công bố vào đêm ngày 3/12 dự kiến mang lại sự kiểm soát quân sự tạm thời và đình chỉ các hoạt động của chính phủ dân sự cũng như quyền tự do dân sự. Đây cũng là tuyên bố thiết quân luật đầu tiên của Hàn Quốc kể từ khi đất nước dân chủ hóa vào năm 1987.
Lần cuối cùng một nhà lãnh đạo Hàn Quốc tuyên bố thiết quân luật là vào năm 1979, sau vụ ám sát Tổng thống. Sự hỗn loạn do vụ việc lúc bấy giờ gây ra đã gây ra tác với xã hội Hàn Quốc trong một khoảng thời gian.
Trong vụ việc lần này, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang phải đối diện với lời kêu gọi từ chức ngày càng gia tăng. Các nhà lập pháp đối lập cho biết họ sẽ bắt đầu quá trình luận tội nếu ông không chịu từ chức ngay lập tức
Thông báo vào đêm ngày 3/12 của ông Yoon đã gây ra các cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, trong khi một số nhà lập pháp cố gắng trèo tường vào và chỉ trích dữ dội ông Yoon vì đã làm hủy hoại nền dân chủ của đất nước.
Sau khi ông Yoon ra lệnh thiết quân luật, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu nhất trí ngăn chặn sắc lệnh, tuyên bố động thái này vô hiệu, nhưng thiết quân luật vẫn có hiệu lực. Đến rạng sáng 4/12, ông Yoon tuyên bố sẽ dỡ bỏ thiết quân luật và rút quân. Tham mưu trưởng liên quân sau đó cho biết các binh sĩ được triển khai đã trở về đơn vị ban đầu. Nội các của ông Yoon cũng chấp thuận dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.
Thế nhưng quyết định này vẫn không đủ để xoa dịu những quan ngại về kinh tế nảy sinh từ tình trạng bất ổn chính trị. Trong hôm 4/12, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mở cửa ở mức thấp hơn và giảm gần 2% vào thời điểm một giờ rưỡi sau khi mở cửa, trước khi tăng trở lại đôi chút. Đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022 nhưng sau đó phục hồi chút ít.
Các công ty trong nước, bao gồm tập đoàn SK của Hàn Quốc, chuyên kinh doanh chất bán dẫn và năng lượng, và công ty đóng tàu HD Hyundai của Hàn Quốc, đã tổ chức các cuộc họp điều hành khẩn cấp vào sáng sớm ngày 4/12, theo Bloomberg.
“Chúng tôi lo ngại rằng những sự kiện này có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng quốc gia của Hàn Quốc, mặc dù chưa chắc chắn ở thời điểm này”, ông Min Joo Kan, nhà kinh tế cấp cao của ING Economics tại Seoul, viết trong một báo cáo nghiên cứu.
Lãnh đạo đảng cầm quyền của ông Yoon cho biết đảng này "cảm thấy vô cùng có lỗi với công chúng", đồng thời nói thêm rằng "Tổng thống phải giải thích trực tiếp và kỹ lưỡng về tình trạng bi thảm này", thêm rằng những người kêu gọi thiết quân luật phải chịu trách nhiệm.
Chánh văn phòng của ông Yoon và hơn 10 trợ lý cấp cao đã đệ đơn từ chức. Công đoàn lớn nhất Hàn Quốc, Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, tuyên bố đình công “vô thời hạn” cho đến khi ông Yoon từ chức.
Tại sao ban bố thiết quân luật?
Ông Yoon cho biết động thái này là cần thiết để chống lại Triều Tiên, nhưng động thái này được cho là mang tính chính trị một phần.
Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 3/12, ông Yoon nói về "các lực lượng chống phá nhà nước", nói rằng thiết quân luật là cần thiết để loại bỏ chúng nhanh chóng và "bình thường hóa đất nước". Ông chỉ trích các chính trị gia đối lập trong nước, phản ứng trước một loạt thất bại chính trị đã làm cản trở chương trình nghị sự của ông.
Ông Yoon vốn đã có tỷ lệ ủng hộ thấp trong năm nay và bị các nhà phê bình mô tả tình trạng là “vịt què”, cụm từ thường được sử dụng để chỉ nhân vật giữ chức vụ cao nhất quốc gia nhưng không có đa số trong cơ quan lập pháp.
Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ của ông đã thua trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4, trong đó đảng Dân chủ đối lập chiếm 175 trong số 300 ghế tại Quốc hội.
Đa số phe đối lập trong Quốc hội tuần trước đã bỏ phiếu cắt giảm gần 3 tỷ USD từ ngân sách năm 2025 của ông Yoon, làm suy yếu kế hoạch của ông. Phe đối lập cũng đã cố gắng luận tội ba công tố viên hàng đầu. Ngoài ra, ông Yoon cũng dính vào một số vụ bê bối, trong đó có vụ vợ của ông, đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, bị cáo buộc thao túng cổ phiếu.
Ngay cả khi đảo ngược quyết định thiết quân luật, ông Yoon vẫn tiếp tục chỉ trích những người mà ông cho là đã cản trở chương trình nghị sự của ông, yêu cầu Quốc hội "ngay lập tức dừng những hành động liều lĩnh làm tê liệt chức năng của nhà nước thông qua việc luận tội nhiều lần, thao túng lập pháp và ngân sách".
Phản ứng chính trị từ các bên
Hàn Quốc là đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là nơi có khoảng 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú cũng như người phụ thuộc của họ.
“Chúng tôi tiếp tục mong đợi những bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với pháp quyền”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố sau khi lệnh thiết quân luật được bãi bỏ.
Động thái bất ngờ này được cho là đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ, đồng thời cũng khiến các thành viên trong đảng của ông Yoon xa lánh ông, buộc ông phải dỡ bỏ thiết quân luật.
Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, cho biết việc áp đặt thiết quân luật là “sai lầm” và ông sẽ “cùng người dân ngăn chặn điều đó”. Lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung cũng mô tả động thái này là vi hiến.
Ông Yoon được cho một nhà lãnh đạo không nhận được nhiều sự ủng hộ ở Hàn Quốc. Cuộc thăm dò mới nhất của Gallup, được công bố vào tuần trước, cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống còn 19%, dựa trên ý kiến của 1.000 người lớn ở Hàn Quốc.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào?
Thị trường đã lập tức phản ứng trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc, trong đó chứng khoán Hàn Quốc niêm yết tại Mỹ và đồng won Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong các phiên giao dịch qua đêm.
Chính quyền Hàn Quốc trong sáng 4/12 đã phải vội vàng trấn an các nhà đầu tư. Bộ Tài chính nước này cho biết họ sẵn sàng triển khai mọi biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính.
“Chúng tôi sẽ bơm thanh khoản không giới hạn vào cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ ngắn hạn cũng như thị trường ngoại hối trong thời điểm hiện tại cho đến khi chúng được bình thường hóa hoàn toàn”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong sáng 4/12, trong đó cam kết tăng thanh khoản ngắn hạn và ổn định thị trường.
Nhà kinh tế học Kim Jin-wook của Citi đã viết trong một nghiên cứu rằng tình trạng bất ổn chính trị có thể có những tác động “ngắn hạn” đối với thị trường và nền kinh tế Hàn Quốc.
Bloomberg đưa tin ông Min Kyung-won, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Woori, đã viết trong một nghiên cứu rằng sự bất ổn chính trị sẽ làm ảnh hưởng tới sự hứng thú của các nhà đầu tư đối với các tài sản của Hàn Quốc như Kospi và trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một đợt tăng giá cổ phiếu đáng chú ý trong bối cảnh hỗn loạn: cổ phiếu của Kakao, các công ty con Kakaopay và KakaoBank, đều tăng giá trong hôm 4/12. Nhà sáng lập tỷ phú Brian Kim đã bị bắt vào tháng 7 với cáo buộc thao túng thỏa thuận với một công ty quản lý ngôi sao nhạc pop vào năm ngoái.