Nên chọn dualboot hay máy ảo?

Nếu bạn muốn chạy nhiều hệ điều hành trên cùng một máy tính, hoặc nhiều bản sao của cùng một hệ điều hành, bạn chỉ có 2 cách: dualboot hoặc máy ảo. Cả hai cách này đều hữu dụng, nhưng chúng phục vụ cho những mục đích khác nhau.

Nếu bạn không rõ lựa chọn nào phù hợp với mình, thì bài viết được thực hiện bởi trang web MakeUseOf dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

Bạn có máy tính mạnh không?

Thông thường, 100% sức mạnh phần cứng sẽ được tập trung để chạy hệ điều hành mà bạn cài trên máy. Nhưng khi bạn sử dụng máy ảo, bạn đang chạy hệ điều hành thứ hai bên trong hệ điều hành chính. Điều này có nghĩa là phần cứng sẽ phải chia đôi để "gánh" cả hai hệ điều hành.

Trên những chiếc máy tính và laptop đời cũ, máy ảo không phải là lựa chọn khôn ngoan. Bạn chỉ nên sử dụng dualboot mà thôi. Khi đó, bạn có thể chuyển qua lại giữa các hệ điều hành và tận dụng 100% phần cứng cho chỉ một hệ điều hành mà thôi. Bạn chỉ nên ưu tiên sử dụng máy ảo khi sở hữu phần cứng mạnh mẽ.

Một máy ảo cần sức mạnh phần cứng ra sao? Còn tùy hệ điều hành: nếu chỉ chạy một distro Linux nhẹ nhàng, bạn chẳng cần gì nhiều. Nếu bạn chạy Windows 10 ngay trong macOS, bạn sẽ cần một cỗ máy đời mới hơn.

Máy ảo Windows 10 trong hệ điều hành macOS

Bạn có làm các công việc đòi hỏi sức mạnh CPU hay GPU không?

Ngay cả với một chiếc máy tính mạnh mẽ, các máy ảo cũng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các tác vụ đòi hỏi tài nguyên như chơi game, đồ họa 3D, biên tập video...

Nguyên nhân là bởi việc ảo hóa bao gồm giả lập, và giả lập một hệ điều hành thường không hiệu quả như một hệ điều hành thực sự. Do đó nếu bạn định làm bất kỳ điều gì "ăn" CPU hay GPU, tốt nhất nên chọn dualboot.

Bạn có sử dụng một hệ điều hành mỗi lần không?

Máy ảo là lựa chọn hợp lý cho việc sử dụng đa nhiệm, cho phép bạn chuyển đồi giữa nhiều hệ điều hành chỉ với thao tác Alt+Tab đơn giản. Nhưng nếu bạn định dành hàng giờ liền sử dụng một hệ điều hành ảo hóa, có lẽ không nên dùng máy ảo.

Ví dụ, hệ điều hành chính của bạn là Windows, nhưng bạn là một lập trình viên và thích code trong môi trường Linux. Nếu bạn định "vùi đầu" vào code trong 3 tiếng liền, bạn nên dualboot vào Linux và tận dụng mọi lợi thế về tốc độ mà một hệ điều hành thực mang lại.

Máy tính của bạn dùng SSD hay HDD?

Ngày nay, các ổ cứng thể rắn (SSD) đã nhanh đến nỗi bạn có thể tắt và khởi động lại máy trong vài giây mà thôi. Quả là một tin vui cho những ai thích dualboot.

Với một chiếc HDD, việc chuyển đổi giữa các hệ điều hành thường mất từ 5-10 phút, và làm việc này nhiều lần trong một ngày sẽ khiến bạn phát điên lên vì chờ đợi. Nhưng với một chiếc SSD, bạn có thể nhảy từ Windows sang Ubuntu trong chưa đầy một phút, bằng với thời gian bạn cần để khởi động máy ảo Ubuntu. Do đó nếu bạn có SSD, hãy xem xét việc dualboot.

SSD cho tốc độ gấp đôi so với HDD

Bạn chỉ chạy một ứng dụng nào đó mà thôi?

Giả sử bạn cực kỳ tự hào là một người dùng Linux. Bạn thích môi trường của hệ điều hành này và cảm thấy thoải mái hơn khi dùng GNOME thay vì Windows. Nhưng bạn lại là một nhiếp ảnh gia và cần dùng Adobe Lightroom để chỉnh sửa vài (chục) tấm ảnh cho khách hàng.

Đây là trường hợp mà việc dualboot là quá thừa thãi. Nếu bạn chỉ muốn chạy một ứng dụng cụ thể nào đó mà hệ điều hành thực không có, máy ảo sẽ giải quyết tốt. Trên thực thế, đây là lý do thực dụng nhất cho việc sử dụng máy ảo.

Bạn chỉ muốn thử cho biết một hệ điều hành?

Có lẽ bạn là một người dùng Windows, và bạn nghe người ta ca tụng hết lời về Linux, nhưng không chắc liệu bạn đã sẵn sàng để chuyển sang môi trường hoàn toàn khác lạ này? Trong trường hợp này, đừng dualboot. Hãy dùng máy ảo.

Dù dualboot rất tiện lợi, việc gỡ bỏ một hệ thống dualboot sẽ khá "khó nuốt". Đôi lúc, bạn sẽ không tránh khỏi nguy cơ làm mất tính nguyên vẹn của các phân vùng hay thậm chí là bootloader của hệ thống. Nhưng bạn lại có thể tạo và xóa các máy ảo cực kỳ dễ dàng - và đó là lý do khiến máy ảo là lựa chọn hoàn hảo để thử cho biết một hệ điều hành.

Bạn có cần tăng cường bảo mật chống malware?

Một trong những ưu điểm của máy ảo so với dualboot là máy ảo đó được chạy trong một môi trường hoàn toàn biệt lập (hay còn gọi là một sandbox). Trong hầu hết các trường hợp, không có thứ gì bên trong hệ điều hành ảo hóa có thể tác động lên hệ điều hành thực.

Do đó, nếu bạn đang kiểm tra các nguy cơ bảo mật hay kiểm tra tính hiệu quả của một bộ công cụ bảo mật, luôn làm điều đó trong máy ảo. Nếu bạn sơ ý bị lây nhiễm malware, bạn có thể xóa sạch máy ảo đó và bắt đầu lại từ đầu.

Bạn có muốn "nhân bản" hệ điều hành không?

Đây là thứ bạn chỉ có thể làm được đối với máy ảo: bạn có thể tạo một bản sao của toàn hệ điều hành và lưu nó dưới dạng một tập tin, sau đó mang sang máy khác và khởi chạy nó dưới hình thức máy ảo. Việc này chính là "nhân bản" hệ điều hành.

Nhân bản cực kỳ hữu ích nếu bạn cần linh động, cho phép bạn mang hệ thống của mình đi mọi nơi mà không cần một chiếc máy tính thực sự. Chúng còn hữu dụng để sao lưu hệ thống, để nếu có vấn đề xảy ra, bạn có thể khôi phục lại chính xác bản sao hệ thống trước khi mọi thứ rối tung lên. Hầu hết các phần mềm ảo hóa đều hỗ trợ nhân bản như đã nói ở trên.

Hi vọng qua một số câu hỏi tình huống như trên, các bạn đã biết nên chọn máy ảo hay dualboot cho hệ điều hành thứ hai, hay thậm chí là thứ ba của mình.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/2479608/nen-chon-dualboot-hay-may-ao