|
Ảnh minh họa |
Anh Nguyễn Ngọc Phúc sống tại Quảng Ninh kể: “Tôi là người Hạ Long và luôn bênh vực cho chất lượng du lịch Hạ Long trong con mắt bạn bè mỗi khi bị Hạ Long bị chê bai, nhưng vừa rồi tôi gửi xe ở bãi giữ xe rạp Bạch Đằng cũ, thông thường khách hàng thường xuyên gửi họ vẫn lấy giá 15 ngàn đồng, cao hơn quảng trường chợ 10 ngàn đồng, giá quảng trường chợ là 5 ngàn đồng/ một xe ô tô. Tuy nhiên ngày, lễ nhân viên giữ xe đòi 20 ngàn đồng, giải thích là vì đây là ngày lễ nên tăng giá! Khi hỏi lại bà ấy còn bảo tôi, thôi từ mai đừng gửi ở đây nữa”.
Không chỉ ở Hạ Long mà nhiều nơi tại Hải Phòng, Nghệ An… đều như thế. Lịch sự thì chủ dịch vụ còn viện lý do ngày lễ đông đúc, phục vụ nặng nhọc, hàng hóa khó mua... Còn không thì chẳng cần, cứ hét giá thoải mái. “Ai không chấp nhận thì thôi, mùa cao điểm thiếu gì người chịu giá này!” - một chủ nhà hàng nói thẳng.
Thực tế, từ nhiều năm nay các cơ quan chức năng địa phương năm nào cũng hô hào nghiêm cấm “chặt chém”, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi “chặt chém” du khách, thậm chí nhiều địa phương còn công bố công khai điện thoại đường dây nóng của người đứng đầu địa phương nhưng tất cả đâu lại vào đấy.
Mấy ngày gần đây dư luận vừa hết sức bàng hoàng về thực đơn một con gà luộc giá 600 ngàn đồng 1 đĩa bò xào hết 250.000 đồng, 1 đĩa thịt rang 150.000 đồng... ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Rồi tiếp đó là vụ “chém đẹp” ở Hải Phòng với giá tôm sú 1,4 triệu đồng/kg, tu hài giá 850.000 đồng/kg, nước ngọt giá 30.000 đồng/lon...
Nói không đâu xa, ngay tại Hà Nội, vào các ngày lễ giá gửi xe máy cũng được đội lên khủng khiếp. Vé vào cửa 30.000 đồng… khách tham quan đền Ngọc Sơn nằm giữa Hồ Gươm (Hà Nội) chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong dịp đầu năm mới Ất Mùi 2015 vừa qua. Giá giữ xe vào đền tại bãi giữ xe tự phát ngay trên vỉa hè phố Hàng Dầu, trước cửa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hà Nội lên đến 20.000 đồng/xe máy trong ngày này.
Ngay cả những ngày bình thường khi đến dạo hồ Hoàn Kiếm, nếu gửi một chiếc xe máy khu vực trước cửa bưu điện Hà Nội, bạn cũng sẽ bị “quất” tới 10 ngàn, vào dịp lễ tết, đặc biệt là sự kiện bắn pháo hoa ở đây, quanh khu vực Bờ Hồ mức giá này sẽ bị đội lên tới 30 ngàn thậm chí là 50 ngàn cho một chiếc xe máy.
Không chỉ giá vé gửi xe, tại Hà Nội cac dịch vụ ăn theo mùa nắng nóng cũng được thể ra sức chặt chém, giá một quả dừa tại khu vực ven Hồ Tây là 50 ngàn đồng, trong khi ngoài thị trường nó chỉ có giá 15 đến 20 ngàn đồng/quả. Đặc biệt tại khu vực ven Hồ Tây thời gian gần đây hầu hết tất cả các ghế đá công cộng ven hồ đều được các chủ quán xí chỗ; một cái chiếu ngồi giá 50 ngàn đồng, riêng ghế đá là 20 ngàn đồng. Dường như là luật bất thành văn, khách cứ thế trả tiền không thắc mắc.
Một du khách ở Hà Nội chia sẻ, tôi từng chứng kiến hai vợ chồng Việt kiều bị “chém” 800 ngàn đồng cho hai bát phở. Khi người vợ thắc mắc, chủ quán chém ngay con dao xuống thớt và buông câu nói “không nói nhiều”! Hai vợ chồng lúc đó tái mặt ra khỏi quán, chắc vụ đó họ sẽ nhớ đời.
Thực chất đó là hành vi trấn lột rất trắng trợn. “Đây là du lịch kiểu hành xác, nếu thế vợ chồng con cái tốt nhất là ở nhà vừa khỏe vừa không mất tiền oan, nếu chúng ta cứ để hiện tượng chặt chém này xảy ra thì khách trong nước cũng chẳng thèm đi du lịch chứ nói gì đến khách quốc tế mới đến Việt Nam”, anh Nguyễn Hồng Nam, Hà Nội chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi khi nói về vấn nạn này.
Theo Dân trí