Nam thanh niên 22 tuổi về từ Anh là bệnh nhân 329 mắc COVID-19

VietTimes – Sáng nay (5/6), Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 mới là du học sinh về từ Anh nâng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam lên 329 người.
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

Theo Bộ Y tế, Bệnh nhân 329 mắc COVID-19 là nam, 22 tuổi, du học sinh tại Anh, có địa chỉ ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngày 4/6, bệnh nhân từ Anh về Sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ CHí Minh trên chuyến bay VN50, được cách ly tập trung ngay tại Trường Thiếu sinh quân, Khu C, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 5/6 và có kết quả xét nghiệm cùng ngày của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh là dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 6/6 đã qua 51 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến 6h ngày 6/6: Việt Nam có tổng cộng 189 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.088 người, trong đó: 72 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 7.150 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 1.866 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế
Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế 

Sức khỏe nam phi công người Anh sau 2 ngày ngừng ECMO (tim phổi nhân tạo)

Bệnh nhân tiên lượng còn nặng dù đã ngưng được ECMO, bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.

Hiện bệnh nhân tỉnh, sức cơ tứ chi vẫn ở mức hoạt động chi trên 3/5, chi dưới 2/5. Tình trạng viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia khả quan hơn, đờm đã chuyển từ dạng mủ sang loãng trong. Đặc biệt, phổi phục hồi được gần 60%. Tình trạng trướng bụng có thể do dùng kháng sinh liều cao, phổ rộng nhiều ngày gây loạn khuẩn ruột.

Do đó, bệnh nhân vẫn thở máy, kết hợp dùng kháng sinh, truyền kháng đông liên tục, tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.