Nam phi công người Anh nguy kịch vì COVID-19 đã 6 lần âm tính với virus SARS-CoV-2

VietTimes – Sáng nay (21/5), PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 – cho biết, nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) mắc COVID-19 đã 6 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Thúy

Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, bệnh nhân 91 - trường hợp mắc COVID-19 nặng nhất đến thời điểm đã có 6 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS- CoV-2. Kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy virus không phát triển và bệnh nhân không tái nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ông Khuê cho biết: “Sáng nay, 21/5, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng ê kíp bác sĩ sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đón bệnh nhân 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được hội chẩn trực tuyến liên tục, nắm chặt diễn biến của người bệnh để tiến tới ghép phổi khi đủ điều kiện".

Hiện, bệnh nhân 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom. Tuy nhiên, bệnh nhân đã được sự chăm sóc rất tích cực của các y, bác sĩ Việt Nam.

Bệnh nhân 91 phi công người Anh đã phải phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) - Ảnh: SYT
Bệnh nhân 91 phi công người Anh đã phải phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) - Ảnh: SYT

Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho nam phi công, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất đã 76 tuổi.

“Chúng tôi tri ân, cảm ơn tấm lòng của những người mong muốn hiến tạng, nhưng bệnh nhân này cần trọn lá phổi chứ không thể sử dụng một phần phổi. Với bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp”- ông Khuê nói.

Đến nay, bệnh nhân này đã trải qua 2 tháng 3 ngày điều trị COVID-19, với 46 ngày chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) vô cùng nguy kịch, phổi đông đặc 90%. Kết quả chụp CT- Scan phổi lần 2 của bệnh nhân cho thấy, phần phổi phục hồi đã chiếm từ 20 đến 30%, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định, siêu âm tim ghi nhận thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏng.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, tại Việt Nam, việc chống dịch COVID-19 đã đạt được thành quả đáng ghi nhận thể hiện qua các con số biết nói – trong khoảng 100 triệu dân chỉ có 324 ca mắc COVID-19, chưa có trường hợp nào tử vong.