Nam giới Việt Nam “tự hào” uống bia nhiều nhất thế giới

VietTimes -- Tỷ lệ nam giới ở Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn lên tới 77%, cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình - đó là thông tin từ Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tỷ lệ nam giới Việt Nam uống bia rượu cao nhất thế giới - (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ nam giới Việt Nam uống bia rượu cao nhất thế giới - (Ảnh minh họa)

Trong 5 năm qua, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng bia rượu đã tăng khá nhanh. Năm 2010, tỷ lệ này ở nam giới là 69,6% và 5,8% ở nữ giới.

Khảo sát gần đây trên 4.000 người từ 18 - 69 tuổi và 3.568 học sinh từ 14 - 17 tuổi tại 50 trường học cho thấy, 77% nam giới Việt Nam thường xuyên sử dụng cồn. Trong khi đó, con số này ở khu vực tây Thái Bình Dương là 59%; châu Mỹ (70,7%); châu Phi (40%); châu Âu (73%) và chung cho toàn thế giới là 47,7%.

Ngoài ra, 11% phụ nữ Việt Nam cũng thừa nhận thường xuyên sử dụng rượu bia.

Tính ra,  ở Việt Nam, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất mỗi năm, tương đương với tỷ lệ sử dụng rượu ở mức nguy hại là 44,2%. Đây là con số rất đáng báo động vì tỷ lệ này trung bình toàn cầu là 12,3%, ở châu Âu là 24,9%.

Theo khảo sát trên, có 25% học sinh lứa tuổi từ 13 – 17 tuổi đã từng sử dụng rượu bia, 43% học sinh uống cốc đầu tiên trước 14 tuổi, trong khi  tỷ lệ người uống rượu trước 15 tuổi so với người bắt đầu uống khi 21 tuổi có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp 6 lần.

Ngoài ra,  11% nhóm tuổi trẻ (18 - 29) uống rượu hàng ngày, tỷ lệ này thấp hơn so với nhóm 50 - 69 tuổi (31,5%), nhưng nhóm trẻ lại uống nhiều hơn nhóm lớn tuổi trong mỗi lần sử dụng, trong đó, gần 50% nam giới trẻ tuổi uống ở mức nguy hại.

Bia rượu là một nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông - (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ sử dụng rượu bia trên đang gây ra rất nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội.

Trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.

Bên cạnh đó, các vụ ẩu đả, đánh nhau liên quan đến rượu bia vẫn diễn ra thường xuyên trong nhiều năm nay.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia và gánh nặng về sức khỏe do rượu bia là 4,6%.

Rượu bia còn là nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại tràng, gan và ung thư vú. Uống càng nhiều thì nguy cơ càng tăng và ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 đến 15 năm, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu, bia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới: mỗi năm có 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia: 20% tử vong do tai nạn giao thông; 30% chết do ung thư thực quản, gan, động kinh và giết người; 50% xơ gan.

Hiện tại, theo thông tin từ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, mỗi năm có khoảng 400 – 500 bệnh nhân đến cai nghiên rượu.

Tuy nhiên, mới đây Bộ Công thương lại đẩy mạnh sản xuất rượu bia. Theo quyết định của Bộ Công thương, đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ sản xuát khoảng 5,5 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu.

Trong khi đó, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện tại chỉ nằm trên giấy tờ, dự kiến đến giữa năm 2018 Luật này mới được trình Quốc Hội.