Năm 2020, tỉ lệ truy cập IPv6 toàn cầu qua Google đạt gần 100%

VietTimes -- Theo đánh giá của các chuyên gia về Internet, số người dùng IPv6 sẽ vượt quá 50% trên toàn thế giới vào năm 2019 và đây cũng là thời điểm mà mức độ sử dụng IPv4 bắt đầu suy giảm. Cũng với tốc độ này, tới năm 2020, tỉ lệ truy cập IPv6 toàn cầu qua Google đạt gần như 100%. 
Trong 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Bộ Công thương
Trong 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Bộ Công thương

Thông tin này được bàn thảo tại Hội nghị tổng kết công tác thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia vừa diễn ra sáng nay tại (16/1).

Trong 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 12/2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 5 khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan) (nguồn APNIC) với khoảng 4.000.000 người dùng IPv6 (nguồn Cisco Lab).

Nhận định về kết quả hoạt động trong năm 2017, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đánh giá: “Năm 2017 là năm đặc biệt, khởi sắc của IPv6, ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục. Việc này phản ảnh thực tế việc chúng ta cố gắng tận dụng, sử dụng IPv4 và đã đến lúc nhận thấy có nhiều vấn đề. Hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã chuyển sang IPv6. Đó cũng là thực tế không thể đảo ngược được và phù họp với xu hướng phát triển chung của thế giới”.

Được biết, trong năm vừa qua, hạ tầng IPv6 Việt Nam hoạt động ổn định. Tất cả các doanh nghiệp lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng các kết nối IPv6 quốc tế. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc triển khai dịch vụ IPv6 của ba doanh nghiệp tiêu biểu là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và FPT Online và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng Mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).

Tổng lưu lượng truy vấn IPv6 đo kiểm trên hệ thống DNS quốc gia từ ngày 01/01 – 20/12/2017 là 46.306.684.928, chiếm 25% tổng truy vấn tên miền, tăng trưởng 5,5% so với số liệu cùng kỳ năm ngoái là 19,5%.

Thú trưởng Phạm Hồng Hải đánh giáThú trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá năm 2017 là năm đặc biệt, khởi sắc của IPv6. 

Tính đến đầu tháng 12/2017, qua công tác theo dõi tổng hợp và thống kê tình hình triển khai hỗ trợ IPv6 trên các Website sử dụng tên miền “.vn” của VNNIC, Việt Nam đã có 4.000 Website dưới tên miền “.vn” hoạt động với IPv6, đây là bước tăng trưởng rất tốt so với số liệu cùng kỳ năm ngoái (khoảng 100 website).

Tính đến đầu tháng 12/2017, Việt Nam hiện có 27 website của các cơ quan nhà nước trong đó có 19 Website dưới tên miền “gov.vn” đã hoạt động với IPv6, tiêu biểu là cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông (mic.gov.vn), Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (daln.gov.vn), 08 Văn phòng và Chi cục thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương.

Xu thế chung trong việc cung cấp dịch vụ 4G LTE tại Mỹ là sử dụng mạng thuần IPv6. Một trong những ví dụ điển hình là Verizon Wireless khi chính thức chạy thuần IPv6 cho mạng di động 4G LTE từ ngày 30/6/2017 và tắt bỏ hoạt động của IPv4 trên mạng này.

Mặc dù kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam đứng thứ 5 khu vực Châu Á, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với trung bình chung toàn cầu. Tính đến tháng 12/2017, mức độ ứng dụng IPv6 chung trên Internet toàn cầu đạt khoảng 23% lưu lượng IPv6. Tốc độ triển khai tăng gấp đôi sau mỗi năm. Theo đánh giá của các chuyên gia về Internet, số người dùng IPv6 sẽ vượt quá 50% trên toàn thế giới vào năm 2019 và đây cũng là thời điểm mà mức độ sử dụng IPv4 bắt đầu suy giảm. Cũng với tốc độ này, tới năm 2020, tỉ lệ truy cập IPv6 toàn cầu qua Google đạt gần như 100%.

Theo đánh giá 6 tháng cuối năm 2017, tốc độ triển khai IPv6 thế giới cũng như khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang có chiều hướng tăng trưởng mạnh hơn. Như vậy, để bắt kịp với mức độ triển khai IPv6 trung bình toàn thế giới, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa, toàn diện trên các mặt.