Mỹ-Iran vẫn bên miệng hố chiến tranh sau 40 năm thâm thù

VietTimes -- Theo ông Danny Sjursen, một chiến lược gia quân đội Mỹ, cách nhìn của Mỹ về Iran hiện nay là sai lầm. Do đó chính sách của Mỹ ở Trung Đông đang bị mâu thuẫn, phản tác dụng và hết sức nguy hiểm. Nó có thể khiến Washington lao vào một cuộc chiến với Iran.
Binh sĩ quân đội Iran
Binh sĩ quân đội Iran

Tiếp theo kỳ I: Mỹ ghét cay ghét đắng Iran vì đâu

Đồng minh của Mỹ

Vào năm 1957, Mỹ đã cung cấp cho một nhà lãnh đạo trong khu vực lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vì mục đích hòa bình, cũng như vì hoạt động khoa học cần thiết. Sau đó đến năm 1970, các chuyên gia Mỹ bắt đầu sợ rằng đối tác của họ có thể đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình.

Vài năm sau, các nhà cách mạng lật đổ lãnh đạo này và kế thừa chương trình làm giàu hạt nhân có nguồn gốc từ Mỹ. Tất nhiên nhà lãnh đạo năm đó là người mà Mỹ dựng nên để lãnh đạo Iran vào năm 1953, ông Reza Shah Pahlavi.

Rõ ràng Iran không có liên quan đến vụ 11//9 và đã rất hữu ích trong việc hạ bệ Taliban, cũng như bắt giữ các chiến binh Al-Qaeda đang tẩu thoát. Trong khi đó, hãy so sánh với các đối tác của Mỹ trong khu vực.

Trước tiên là Ả rập Xê-út. Chế độ quân chủ của nước này thi hành chính sách Hồi giáo dòng Wahhabi rất hà khắc và cực đoan.

Ngoài những công dân tham gia vụ tấn công hôm 11/9, Ả rập Xê-út cũng ủng hộ một nhánh của Al-Qaeda trong cuộc xung đột Syria. Hơn nữa, các cuộc không kích do A rập Xê út hậu thuẫn vào các phiến quân Houthi của Yemen đã khiến rất nhiều người dân thiệt mạng và có thể đã góp phần khiến nạn đói thảm họa ở nước này trầm trọng thêm. Vậy Mỹ đã đáp trả ra sao? Washington thậm chí còn ký kết thêm một thỏa thuận bán vũ khí trị giá 110 tỷ USD cho A rập Xê út.

Thứ hai là Ai Cập. Sau cuộc đảo chính do tướng Abdel Fatah Al Sisi lãnh đạo, Quốc hội Mỹ đã cung cấp khoản viện trợ 1,4 tỷ USD cho Ai Cập trong năm tài khóa 2017.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi (giữa) là người lãnh đạo lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

Mới đây, ông Trump còn mời ông Al Sisi đến Nhà Trắng, ca ngợi lãnh đạo Ai Cập vì những biện pháp tuyệt vời trong tình cảnh khó khăn và dự định sẽ tới thăm Ai Cập trong tương lai gần.

Thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng minh chính thức của Mỹ đã khoe khoang là quân đội lớn thứ hai trong NATO và là nơi đóng quân của một căn cứ không quân quan trọng của Mỹ. Thật không may, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng trở nên bất ổn vì cuộc chiến với lực lượng người Kurd đã kéo dài bốn thập kỷ ở nước này và sự can thiệp quân sự của nước này vào cuộc nội chiến Syria.

Chính quyền Erdogan đang ngày càng trở nên độc đoán hơn sau khi tập trung được sức mạnh. Nước này liên tục bị lên án vì vi phạm nhân quyền khi giam giữ hơn 40.000 đối tượng tình nghi tham gia đảo chính, tinh giảm 90.000 công nhân viên chức và đóng cửa hàng trăm văn phòng của các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên Mỹ lại hỗ trợ quân sự 3,8 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm tài khóa 2017 và hứa sẽ tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền Erdogan, con số này năm ngoái là 2,3 tỷ USD.

Có thể thấy tất cả các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đều hành động chẳng hay hớm gì, trong khi đó Mỹ lại liên tục buộc tội Iran là bảo hộ cho quân khủng bố.

Xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran 

Ở nước Mỹ, cả hai phe đều có những người ghét Iran. Ví dụ vào năm 2015, bà Hillary Clinton trong bài phát biểu ở Đại học Dartmouth đã cho rằng Iran là mối đe dọa hiện hữu đối với Israel.  Cho dù bà tỏ ra là ủng hộ thỏa thuận hạt nhân của ông Obama, bà vẫn nói thêm rằng: “Kể cả khi đạt được thỏa thuận, chúng ta vẫn gặp phải những vấn đề lớn".

Tuy nhiên theo Warisboring, nếu nói đến căm thù thực sự đối với Iran thì phải nhìn sang cánh hữu. Thượng nghị sĩ John McCain đã ngay lập tức than phiền về thỏa thuận hạt nhân, gọi đó là một "thỏa thuận xấu", có khả năng "hạt nhân hoá" Trung Đông. Ông Donald Trump cũng đã nhiều lần thề sẽ xé bỏ bản thỏa thuận này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ký kết thỏa thuận hạt nhân

Bất chấp những luận điệu này, thông tin tình báo và bằng chứng của Quốc hội Mỹ cho thấy Iran đang tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân (JCPOA). Cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey cũng tin rằng thỏa thuận này làm giảm nguy cơ Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tất cả các chỉ trích từ tổng thống, các chuyên gia và các quan chức Mỹ đều bỏ qua một thực tế hết sức hiển nhiên. Đó là JCPOA là một thỏa thuận đa phương và không ai trong số các đối tác - Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - sẽ ủng hộ "xé nát" thỏa thuận này. Hãy tưởng tượng nếu Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận mà Iran đang tuân thủ, Mỹ sẽ là bên duy nhất gánh chịu hậu quả. Các đồng minh của Mỹ sẽ tiếp tục tuân thủ JCPOA và các lãnh đạo Iran có thể lên án Mỹ là bên gây mất ổn định.

Đó chính là thực tế của tình hình hiện nay. Cho dù nhiều thập kỷ trừng phạt và kiềm chế quân sự đối với Iran, Mỹ vẫn không gây được ảnh hưởng lớn đối với chính sách hay lập trường của nước này trong khu vực. Vậy điều gì sẽ tiếp diễn? Tại sao không có một cách tiếp cận mới mang tính sáng tạo hơn, như dần dần bình thường hóa quan hệ chẳng hạn.

Hiện nay số lượng những người ghét Iran ở Mỹ đang chiếm số lượng áp đảo. Chính sách hiện nay của Mỹ đang phản tác dụng trên nhiều phương diện, trong khi chính sách hiếu chiến và lời đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân của Mỹ chỉ càng làm cho những người trung lập ở Iran ghét Mỹ hơn.

Bốn mươi năm thất bại

Một sự thật mà Washington cần phải đối mặt là chính sách của Mỹ đối với Iran đã không đạt được các mục tiêu như đã dự định, bất chấp bốn thập kỷ nỗ lực kể từ năm 1979.

Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại  ở cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa chắc chắn sẽ chiến đấu chống lại thực tế đó, nhưng cũng như với lệnh cấm vận Cuba, việc cô lập của Iran từ lâu đã không thu được bất kỳ lợi ích nào. Sự oán hận Iran vẫn còn duy trì đã phản ánh những tính toán chính trị trong nước, tư duy ám ảnh sợ sệt chứ không phải là một chiến lược vững vàng, Warisboring đánh giá.

Mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Ả rập Xê-út sau cuộc bầu cử dân chủ Iran và tuyên bố rằng Iran đang hết sức tuyệt vọng và gần như đã kêu gọi thay đổi chế độ ở nước này.

Vậy rốt cuộc Iran muốn gì và sợ gì? Theo chuyên gia Danny Sjursen, Iran chắc chắn muốn đạt được nền an ninh và uy quyền trong khu vực chứ không phải là thống trị thế giới.

Nước này lo sợ bị cô lập, sợ các liên minh thù địch gồm các nước Ả Rập dòng Sunni do Ả rập Xê-út dẫn đầu và do Israel hỗ trợ, cùng các nỗ lực do Mỹ bảo trợ nhằm thay đổi chế độ ở Iran.

Như vậy, cách nhìn của Mỹ về Iran hiện nay là sai lầm, do đó chính sách của Mỹ ở Trung Đông đang bị mâu thuẫn, phản tác dụng và hết sức nguy hiểm. Nó có thể khiến Washington lao vào một cuộc chiến với Iran.

Mỹ hiện nay không cần thêm kẻ thù. Và theo Warisboring, chính quyền Donald Trump hiện đang đang có cơ hội bình thường hóa quan hệ với Iran. Trong khi các cuộc cải cách khiêm tốn thời chính quyền Obama với Iran đã không được chào đón, ông Trump có thể sẽ giành được đủ sự ủng hộ của đảng Cộng hòa để cải cách nhiều hơn nếu ông thật sự muốn đón cơ hội.