Mỹ và phương Tây mưu đồ gì với “hồ sơ Panama“

Ngày 3-4-2016, các hãng truyền thông trên thế giới đồng loạt công bố vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến việc trốn thuế mang tên "Hồ sơ Panama", nhiều quốc gia đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra các thông tin liên quan tới vụ việc gây chấn động thế giới này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Hồ sơ Panama là gì?

”Hồ sơ Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Hồ sơ cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.

Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Síp, quần đảo Cayman (Anh) và cả các bang Nevada, Nam Dakota, Wyoming, Delaware trong lòng nước Mỹ. Các tài liệu rò rỉ trên cho thấy công ty luật Mossack Fonseca (Mỹ) tại Panama đã "giúp đỡ" nhiều nhân vật có “thế lực” trên thế giới trốn thuế. Tuy các thông tin liên quan chưa có kết quả điều tra chính thức, nhưng vụ việc đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

 

Mạng lưới toàn cầu của công ty Luật Mossack Fonseca

Sự việc bắt đầu từ hơn một năm trước, tờ báo “Süddeutsche Zeitung” (Nam Đức, SZ) ở Munich, Đức đã nhận được từ một nguồn tin giấu tên một kho tài liệu khổng lồ từ cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty luật Mossack Fonseca ở quốc gia Trung Mỹ Panama. Số tài liệu này, còn gọi là “Hồ sơ Panama” (Panama Papers), ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong hơn 40 năm qua, trong đó cho thấy công ty này đã giúp các khách hàng trốn thuế và rửa tiền thông qua việc thành lập 214.000 công ty "ma”.

Tờ “Süddeutsche Zeitung” sau đó đã chia sẻ thông tin với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn truyền thông thế giới, trong đó có tổ hợp truyền thông ABC của Australia, cùng 100 tờ báo ở gần 80 quốc gia, để huy động các báo cùng điều tra. Gần 400 nhà báo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu trong một năm qua trước khi đồng loạt công bố vào ngày 3-4-2016. Đây được coi là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

 Bastian Obermayer (trái) và Frederik Obermaier (phải), hai phóng viên điều tra của tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung

“Hồ sơ Panama” bao gồm khoảng 11,5 triệu trang tài liệu, tương đương 2,6 terabyte dữ liệu, nhiều hơn cả toàn bộ dữ liệu từ các vụ rò rỉ tài liệu mật lớn khác trước đây là Wikileaks, Offshore Leaks, Lux Leaks và Swiss Leaks. Hồ sơ này, bao gồm email, tập tin PDF, tập tin hình ảnh liên quan đến 214.000 công ty nước ngoài lập ra để trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970 đến năm 2016, đã được tờ báo “Süddeutsche Zeitung” chia sẻ với Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) và hơn 100 tờ báo ở gần 80 quốc gia.

Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của công ty Mossack Fonseca, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, nhiều nhà tỷ phú, trùm ma túy... trốn nộp thuế. Nhiều ngân hàng lớn đã thuê các hãng luật như Mossack Fonseca quản lý tài chính cho khách hàng giàu có của họ. Các ngân hàng này cũng đứng sau việc lập ra những công ty nước ngoài giúp các khách hàng giàu có trốn thuế và rửa tiền.

Hiện công ty Mossack Fonseca vẫn tuyên bố việc công bố "Hồ sơ Panama" với những chi tiết về tài chính cá nhân của các khách hàng của hãng này là "đòn tấn công" nhằm vào Panama. Đại diện công ty này khẳng định Mossack Fonseca, đã hoạt động trong suốt 4 thập kỷ qua và thành lập 240.000 chi nhánh trên toàn thế giới, chưa khi nào bị kết án hay bị cáo buộc về bất kỳ sai phạm nào.

Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung

Tại sao lại là Panama?

Đường đi của “Hồ sơ Panama” cũng đầy rẫy những bí ẩn. Theo Bastian Obermayer và Frederik Obermaier là hai nhà báo của tờ “Suddeutsche Zeitung” (Nhật báo Nam Đức) tham gia điều tra Hồ sơ Panama từ những ngày đầu tiên kể lại thì vào đầu năm 2014, tòa báo nhận được một tin nhắn qua mạng rằng chủ nhân của tin nhắn đó muốn chuyển giao cho tòa báo nhiều tài liệu quan trọng. Có một điều hơi lạ là người giấu danh tính này không hề đòi hỏi bất kỳ một khoản thù lao nào mà chỉ yêu cầu toàn báo tực hiện một số biện pháp đảm bảo an ninh cho nguồn tin.

Người này nhất quyết yêu cầu chỉ sử dụng các phương thức liên lạc mã hóa và không gặp mặt trực tiếp. Người này cũng nhấn mạnh tính mạng của bản thân có thể gặp nguy hiểm. Về điểm này, người ta thấy cách thức chuyển giao „Hồ sơ Panama” tương đối giống với vụ tình báo viên Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ những bí mật về việc NSA bí mật theo dõi công dân Mỹ và nghe trộm điện thoại cả trong và ngoài nước Mỹ.

 Quy mô vụ Hồ sơ Panama

Trong quá trình là việc, trên 400 nhà báo đến từ hơn 80 quóc gia đã không đặt vấn đề về nguồn tin mà chỉ xử lý các dữ liệu do nguồn bí mật nói trên chuyển giao. Tuy nhiên, ngay sau khi “Hiệp hội các Nhà báo điều tra” (ICIJ), có trụ sở tại Mỹ công bố các kết quả nghiên cứu dữ liệu, ông Ramon Fonseca, đồng sáng lập công ty luật Mossack Fonseca đã cho phóng viên chi nhánh hãng tin Reuters ở thành phố Panama biết về sự đột nhập của người dùng có máy chủ từ nước ngoài đột nhập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính của Công ty Luật Mossack Fonseca và đánh cắp các dữ liệu. Ông cũng cho biết Mossack Fonseca đã gửi đơn khiếu kiện lên Tổng chưởng lý Panama yêu cầu tiến hành điều tra.

 Các chính trị gia được cho là trực tiếp dính líu trong Hồ sơ Panama

Chưa biết cơ quan Tổng chưởng lý Panama có điều tra hay không nhưng chắc chắn người ta đặt dấu hỏi: Nếu không phải là chính người của Công ty Mossack Fonseca tiết lộ dữ liệu thì tin tặc cỡ nào có thể đánh cắp được một khối dữ liệu lớn như thế mà chủ nhân của nó không hề hay biết cho đến khi nó được công bố ? Quả thật thế giới ngày nay không thiếu những nhóm tin tặc nguy hiểm.

Có thể kể ra đây nhóm Legion of Doom (đã bị bắt năm 1986), Steve Wozniak (đã cải tà quy chính, theo về Apple Computer), Masters of Deception (đã bị bắt năm 1992), Adrian Lamo (đã bị bắt năm 2003), Sven Jaschan (kẻ luôn viết virus bán kèm với chương trình antivirus, đã bị bắt), David L. Smith, tác giả virus Melissa (đã thụ án 5 năm tù), Michael Calce, kẻ chuyên đánh sập các hệ thống mạng bằng sử dụng virus mang mã lệnh từ chối cung cấp dịch vụ DoS (đã bị bắt), Robert Tappan Morris và Kevin Poulsen (đã gác kiếm rửa tay), Kevin Mitnick (đã thụ án 7 năm tù từ 1995 và đang là tư vấn viên về giải pháp an ninh mạng). Ngoài ra, nhóm LulzSec do bị săn lùng gắt gao đã tuyên bố tự giải tán.

 

Peter Bale CEO đương nhiệm của CPI

Lâu nay, nguời ta vẫn nghĩ rằng nhóm “Anonymous” gồm các hacker sừng sỏ nhất thế giới mới có thể tiến hành những vụ hack lớn và táo bạo như vậy. Tuy nhiên, lịch sử hình thành của “Hiệp hội các Nhà báo điều tra” (International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ) có thể buộc người ta phải nghĩ lại.

Trước câu hỏi tại sao lại là Panama, một trong các “thiên đường” trốn thuế chứ không phải là các thiên đường khác còn lớn hơn như Nevada, Nam Dakota, Wyoming, Delaware ở Mỹ, Luxembourg, Thụy Sĩ, quần đảo Caimans (thuộc Anh), City ở London, Irland, Bermuda (thuộc Mỹ), Singapore, đảo Síp, Bỉ hay Hongkong. Trong đó, Delaware được miêu tả như địa chỉ có thể tạo nên doanh nghiệp hay công ty "không có nhân viên, không có tài sản và trên thực tế là không hề kinh doanh" (theo New York Times). Hay như Bermuda (Mỹ), nơi không hề đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, một số kẽ hở luật pháp còn cho phép các công ty bảo hiểm chuyển tiền qua đây mà không hề bị phạt. Câu trả lời đầu tiên vẫn là lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống dữ liệu tại đó. Câu trả lời thứ hai là công ty Mossack Fonseca không phải là công ty "ma” mà là "nơi sản sinh ra các công ty ma”. Với vai trò là một công ty tư vấn luật, Mossack Fonseca đã "vẽ đường cho hươu chạy”. Với cái "nút” Mossack Fonseca, người ta có thể lần đến địa chỉ của bất kỳ một công ty "ma” nào đang rửa tiền cho các ông chủ của nó.

Biểu tượng của ICIJ

Đến đây, một câu hỏi tiếp theo xuất hiện: Tại sao trong các tài liệu của Hồ sơ Panama bị tiết lộ không hoặc chưa thấy xuất hiện một công ty Mỹ nào ? Người ta cũng băn khoăn liệu ICIJ có thật sự khách quan không, họ có ”cất đi” những cái ” tên Mỹ” nào được biết đến trong quá trình điều tra không ?

Câu trả lời phủ định là ICIJ không cần phải che giấu điều gì hết. Bởi ngay tại Mỹ đã có các ” thiên đường trốn thuế” hảo hạng ở Nevada, Nam Dakota, Wyoming và Delaware. Tại đây, với mức thuế thấp để thu hút đầu tư mà không hề vi phạm pháp luật của liên bang, các công ty Mỹ có thể ”rửa tiền” ngay tại sân nhà mà không phải mất công chuyển tiền ra nước ngoài. Theo nhận định của ông trùm truyền thông Mỹ McClatchy, chủ sở hữu của nhiều tờ báo lớn ở Mỹ và đối tác khác của ICIJ là Tập đoàn truyền thông Fusion thì trong tài liệu công bố Hồ sơ Panama nhìn chung không nhấn mạnh tới mối liên hệ của các chính trị gia hay các nhân vật quyền lực của Mỹ với Hãng luật Mossack Fonseca. Còn nhà kinh tế học Mỹ James Henry thuộc Hiệp hội các chuyên gia phi chính phủ về lĩnh vực thuế thì nhận xét: “Người Mỹ không cần phải tới tận Panama. Tại Mỹ cũng tồn tại một thiên đường các công ty tài chính (bất hợp pháp) hoạt động bí mật như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.

Các thành viên ICIJ tại Châu Âu trong một cuộc họp ở Brussels, Bỉ

Câu trả lời khẳng định do chính ICIJ đưa ra. Bởi toàn bộ Hồ sơ Panama mà ICIJ có trong tay chỉ được công bố một phần. Giám đốc điều hành ICIJ tuyên bố: “Chúng tôi không tiết lộ toàn bộ cơ sở dữ liệu và cũng không có dự định đó trong tương lai”. Điều này cũng liên quan đến hiện tượng tại sao trong số hơn 200 bản sao hộ chiếu Mỹ trong danh sách đen của Hồ sơ Panama, có rất ít công dân thực thụ của Mỹ. Và phần lớn trong só đó là những người đã về hưu, có nhu cầu mua bất động sản ở châu Mỹ La Tinh. Nhưng việc không công bố toàn bộ Hồ sơ Panama cho thấy ý đồ thực sự của ICIJ và những thế lực điều kiển nó.

Tỷ phú người Mỹ gốc Hungari George Soros, lãnh đạo Viện Xã hội mở, một trong các nhà tài trợ chính cho CPI

Bình luận về tính xác thực của “Hồ sơ Panama”, ông Craig Murray, cựu chuyên viên cao cấp của Bộ Ngại giao Anh nhận xét rằng nếu “Hồ sơ Panama” là câu chuyện có thật đi chăng nữa, thì điều đáng bàn hơn cả là “những ý định giấu kín” của các tổ chức đang điều khiển việc “lộ lọt” này. Nói cách khác, các tổ hợp truyền thông chỉ ra tay theo chỉ đạo trực tiếp từ một nghị trình cấp chính phủ từ các nước phương Tây.

Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là tại sao tờ “Suddeutsche Zeitung” (Nhật báo Nam Đức) lại chia sẻ những thông tin này cho “Hiệp hội các Nhà báo điều tra” (ICIJ) ở Mỹ mà không chia sẻ cho các cơ quan truyền thông chính thống của Mỹ thường được dư luận phương Tây đánh giá cao như các tờ Washington Post, Wall Stress Journal, The Time hay New York Time ? Để trả lời câu hỏi này, cần phải làm rõ ẩn số ICIJ trước đã.

3- “Hiệp hội các Nhà báo điều tra” (International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ) là gì? Cha đẻ của nó là ai ?

“Hiệp hội các Nhà báo điều tra” (International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ) là một tổ chức do “Trung tâm minh bạch công Mỹ” (The Center for Public Integrity, viết tắt là CPI) bảo trợ về tài chính và nhân sự. ICIJ được CPI cho ra đời vào năm 1997, được coi là mạng lưới “tai mắt” của CPI trên khắp toàn cầu. Nó có trụ sở tại Washington DC. Biên chế ban đầu của nó gồm 165 phóng viên điều tra tại 65 quốc gia. Tiêu chí hoạt động của nó được đăng trên trang web đại diện ngôn luận có tên “The Global Muckraker” là “Điều tra các tội phạm xuyên quốc gia, các hành vi tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm dụng quyền lực”.

Năm 2013, ICIJ đã qua một lần cải cách tổ chức, số biên chế giảm còn 160 phóng viên điều tra nhưng một cơ quan điều hành đã được thành lập gồm 15 người, đứng đầu là Gerard Ryle (người Mỹ), giám đốc của ICIJ. Mạng lưới này mở rộng hoạt động ra hơn 80 quốc gia trên thế giới. Cũng từ năm 2013, ICIJ tổ chức thường niên một giải thưởng có tên “Daniel Pearl” cho những báo cáo điều tra nổi bật. Phụ trách giải thưởng này là Michael Hudson (Mỹ), Ban Cố vấn gồm Bill Kovach (Mỹ gốc Séc), Phillip Knightley (Anh), Gwen Lister (Áo), và Goenawan Mohamad (Thổ Nhĩ Kỳ).

Nếu ICIJ chỉ có như vậy thì không có vấn đề lớn phải đặt ra với nó. Nhưng vì là tổ chức nằm trong CPI nên mục tiêu hoạt động của ICIJ cũng là mục tiêu hoạt động của CPI, tài chính của ICIJ phụ thuộc vào tài chính của CPI và đương nhiên là quyền lực điều khiển ICIJ cũng đến từ CPI.

CEO chi nhánh USAID ở Nam Á trong lễ ký thỏa thuận hỗ trợ cho Pakistan

CPI được thành lập tháng 3-1989 bởi Charles Lewis, một nhà sản xuất chương trình kỳ cựu của các hãng truyền hình ABC News và CBS News 60 phút. Khi ra đời, tổ chức này mới chỉ gồm cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Patrick J. Buchanan, một phóng viên của tờ Los Angeles Times và một biên tập của tờ New York Times. Đến năm 2014, tổ chức của CPI đã bao gồm hơn 50 nhân viên. Cũng trong năm này, CPI giành giải thưởng báo chí quốc tế Pulitzer 2014 về “Báo cáo điều tra xuất sắc nhất”. Tháng 5-1990, Charles Lewis thế chấp ngôi nhà của mình để vay tiền mở một văn phòng rộng 170m2 tại Wasington DC. Ngân sách năm 1990 của CPI là 200.000 USD do hai nhà hảo tâm Herb và Marion Sandler đóng góp. Năm 1996, CPI ra mắt trang web của tổ chức nhưng đến năm 1999, nó mới công bố các báo cáo trực tuyến của mình trên trang web này.

Tuy nhiên, vì CPI trên danh nghĩa cũng là một tổ chức phi lợi nhuận nên nó phải dựa vào những nguồn đóng góp từ các quỹ. Thống kê tài chính của CPI cho thấy phí tổn hoạt động hàng năm lên đến hàng triệu USD. Trong khi đó, nguồn thu rất hạn chế bởi Charles Lewis không muốn bị bất kỳ một thế lực nào điều khiển. CPI tiếp tục tồn tại và hoạt động ở trạng thái gần như trung lập tuyệt đối cho đến năm 2005, khi nó có nguy cơ phải đóng cửa vì không còn kinh phí hoạt động. Trong 15 năm đầu tiên, CPI đã có những đóng góp lớn cho việc phanh phui một số tội ác và những vụ bê bối ở một số quốc gia.

Năm 1994, chính nhóm phóng viên Châu Phi của CPI đã mạo hiểm mạng sống của mình để phanh phui tội ác diệt chủng ở Rwanda và Burundi dẫn đến việc quy kết chính quyền Mỹ và một số nước Châu Âu đã vô trách nhiệm trước thảm họa làm hơn 800.000 người thiệt mạng này. Đến năm 2005, CPI đã xuất bản 14 cuốn sách và hơn 250 báo cáo điều tra, hầu hết đều đề cập và lên án mạnh mẽ tệ nạn lạm dụng quyền lực, tham nhũng, xao lãng nhiệm vụ của các tổ chức công cộng và tư nhân đồng thời yêu cầu các tổ chức này phải hoạt động một cách trung thực, liêm chính, có trách nhiệm giải trình và phải đặt lợi ích công cộng lên trên hết.
Phát hiện quyền lực của CPI ngày càng lớn, mặc dù bị CPI khui ra khá nhiều mảng tối của chính quyền và các tập đoàn tư bản tài phiệt song những kẻ bị vạch mặt đã không chọn giải pháp “tàn phá” CPI. Bởi làm như thế chẳng khác nào tự vạch mặt mình thêm nữa khi danh tiếng của CPI đã quá lớn. Đến năm 2005, cả phố Wall và Langley bắt đầu tính chuyện “thôn tính” CPI bằng cách “thay máu” cho nó. Chịu sức ép từ nhiều phía cũng như tình trạng tài chính đang đặt CPI trên bờ vực phá sản, Charles Lewis, người sáng lập CPI buộc phải ra đi. Ông tuyên bố rằng ông không phải là một vị linh mục và CPI không phải là một tu viện, ông ra đi vì đang có những thế lực muốn lợi dụng tình trạng tài chính khó khăn của CPI để thao túng nó bằng những đồng tiền của họ. Charles Lewis đã dự đoán đúng. Sau khi ông ra đi, lịch sử CPI bắt đầu rẽ sang một hướng khác, nó bắt đầu trở thành công cụ đấu tranh chính trị và truyền thông của các thế lực tài phiệt Mỹ cũng như chính quyền Mỹ. Thời kỳ sóng gió của CPI bắt đầu.
Lên thay Charles Lewis là Roberta Baskin, một nữ phóng viên truyền hình phụ trách các phóng sự điều tra bảo vệ người tiêu dùng của ABC News và cũng làm việc cho các hãng Washington Post, PBS và NOW. Charles Lewis đánh giá cao Roberta Baskin và cho rằng ông có thể yên tâm rời khỏi CPI với người kế nhiệm đáng tin cậy. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Baskin gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của William Buzenberg, Phó chủ tịch tập đoàn truyền thông công cộng Mỹ (Minnesota Public Radio). Tập đoàn này bảo đảm về tài chính cho CPI. William Buzenberg yêu cầu CPI phải cắt giảm số nhân viên của mình từ 25 đến 40 người như là một điều kiện để bảo đảm tiếp tục nhận được tài trợ. Thực chất đây là âm mưu của các thế lực truyền thông lớn ở Mỹ vốn phục vụ các “ông chủ” ở phố Wall nhằm “thay máu”, “đổi màu” đối với CPI để sử dụng tổ chức này như một công cụ phục vụ cho lợi ích của họ.
Tình thế buộc Roberta Baskin phải có những quyết định nhanh chóng. Tuy nhiên, ở nước Mỹ, một khi anh không có tiền, không có tài sản thì chắc chắn anh sẽ phải làm thuê cho ai đó, không phải cho kẻ này thì là kẻ khác. Từ chối tập đoàn Minnesota Public Radio của William Buzenberg, Roberta Baskin tìm đến các nguồn tài trợ khác. Và ngay lập tức, những “ông lớn” trong “làng tài phiệt” đã xỉa ra không ít tiền cho CPI.
Ngân sách của CPI dần được cải thiện. Trong số những nhà tài trợ cho CPI từ năm 2006 trở đi người ta thấy bóng dáng của những “người khổng lồ” như Sunlight Foundation, Ethics and Excellence in Journalism Foundation, John D. and Catherine T. MacArthur Foundation, John S. and James L. Knight Foundation, Ford Foundation, Carnegie Endowment Foundation; W.K. Kellogg Foundation Foundation; Open Society Foundation (Viện Xã hội mở của trùm tài phiệt George Soros), Barbra Streisand Foundation, Omidyar Network .v.v… Cân đối tài chính năm 2010 của CPI cho thấy họ có số thu là 9.264.997 USD và số chi là 7.708.349 USD.
Đối với Roberta Baskin thì mục tiêu trước mắt là cứu CPI khỏi phá sản. Cô lạc quan tuyên bố: “Phần lớn số tiền tăng trưởng trong những năm trước nhiệm kỳ của tôi đã được sử dụng để bù đắp bội chi ngân sách ở một số dự án trước đó. Tôi thay thế giám đốc của chúng ta là để phát triển và thực hiện gây quỹ là ưu tiên số một của tôi. Dù chỉ là tân binh trong việc kêu gọi quyên góp, nhưng tôi tự hào vì trên thực tế, tôi đã có thể gây quỹ được hàng triệu đô la”. Nhưng thực chất những khoản tài trợ đó là cái vòng kim cô xiết vào cổ CPI mà Roberta Baskin không thể nào gỡ ra được.
Năm 2011, khủng hoảng kinh tế ở Mỹ đã tác động nghiêm trọng đén tình trạng tài chính của CPI. Roberta Baskin phải cắt giảm 10 nhân viện để bù đắp cho thâm hụt tài chính lên đến 2.000.000 USD. William Buzenberg và các nhân viên cao cấp khác cũng bị cắt giảm tiền lương tháng. Chủ tịch hội đồng quản trị CPI Bruce Finzen cho biết ngân khoản của năm 2012 sẽ bị giảm từ 2.000.000 đến 3.000.000 USD. Ngân khoản cho năm tiếp theo sẽ chỉ bảo đảm được chi phí 6.000.000 đến 7.000.000 USD. Lần này thì dù Roberta Baskin có trổ tài thuyết khách đến đâu đi chăng nữa nhưng vẫn uổng công bởi các “nhà tài trợ” đã cố tình ngoảnh mặt.
Trong điều kiện ấy, đầu năm 2014, cả Roberta Baskin và William Buzenberg đều phải ra đi. Peter Bale, người được các “ông chủ đích thực” của CPI "chọn mặt gửi vàng" lên làm chủ tịch CPI. Để có tiền chi cho hoạt động, CPI buộc phải ký các hợp đồng điều tra cho các tổ chức đã tài trợ cho mình như hợp đồng triển hạn với Viện Xã hội mở của tỷ phú George Soros để đổi lấy khoản tài trợ 651.650 USD/năm. Năm 2015, CPI chỉ đạo cho ICIJ tham gia Đề án Điều tra tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP), được bảo trợ tài chính của chính quyền Mỹ thông qua Cơ quan Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID). Số lượng kinh phí chưa được công bố khi đề án chưa hoàn thành nhưng người ta ước tính nó vào khoảng 4.000.000 USD/năm. Mọi người đều biết, Cơ quan Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID) và Quỹ hỗ trợ dân chủ và nhân quyền Mỹ đều là các tổ chức tài trợ thông quan mạng lưới NGOs trá hình của CIA cho các lực lượng đối lập ở những nước có chính quyền “cứng đầu, cứng cỏ” không nghe theo cây gậy chỉ huy của Mỹ.
Từ một tổ chức phi chính phủ với mục đích ban đầu hoàn toàn tốt đẹp, CPI và đứa con đẻ của nó là ICIJ đã bị các thế lực tài phiệt Mỹ “thôn tính”, “thay máu”, “đổi màu” và biến thành công cụ chiến tranh truyền thông của Mỹ như vậy đấy.

(còn nữa)

Theo VNXĐ