Mỹ tuyên bố triệt thoái khỏi Syria - Góc nhìn đa chiều của các lực lượng liên quan

VietTimes -- Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Buzzfeed News Agency, một chỉ huy chiến trường của lực lượng Hồi giáo cực đoan tại căn cứ al-Tanf thuộc vùng sa mạc phía đông nam tỉnh Homs, cho biết quân đội Mỹ sẽ triệt thoái hoàn toàn khỏi căn cứ này vào ngày 21.12.2018.
Bản đồ căn cứ quân sự al-Tanf, khống chế vùng biên giới Iraq - Syria của quân đội Mỹ. Ảnh minh họa: South Front.
Bản đồ căn cứ quân sự al-Tanf, khống chế vùng biên giới Iraq - Syria của quân đội Mỹ. Ảnh minh họa: South Front.

Theo phát biểu của thủ lĩnh chiến trường Muhannad Al-Talla tại căn cứ al-Tanf trong cuộc phỏng vấn với Buzzfeed, quân đội Mỹ sẽ rút hoàn toàn khỏi khu vực, hiện họ đã bắt đầu tháo gỡ trang thiết bị.

Vùng an toàn Al-Tanf là khu vực Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu thiết lập trong lãnh thổ Syria, được cho là căn cứ bàn đạp để nhóm Quân đội Syria tự do (FSA) tấn công IS. Nhưng chưa từng có một cuộc chiến nào chống IS được thực hiện hiệu quả trên sa mạc tỉnh Homs. Ngược lại, từ địa bàn này, các nhóm IS, FSA thường xuyên tiến hành các chiến dịch tấn công trên hướng Damascus vào các địa phận do chính quyền Damascus kiểm soát. Al-Tanf bị nhóm Quân đội quốc gia Syria (NSA) thuộc tổ chức Quân đội Syria tự do (FSA) do Mỹ hậu thuẫn chiếm giữ trong cuộc tấn công vào sa mạc từ biên giới Iraq năm 2016.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa cung cấp một kế hoạch toàn diện về việc Mỹ sẽ rút quân. Nhưng tuyên bố này tác động mạnh đến tình hình chiến sự Syria.

Ngày 20.12.2018, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải thông tin và video cho biết, khoảng 150 xe vận tải Mỹ với vũ khí trang thiết bị hạng nặng được chuyển từ Syria đến Iraq cuối ngày 19.12.2018.

Nhiều thông tin trên mạng xã hội khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi căn cứ al-Tanf và tạm dừng các cuộc không kích trên chiến trường Syria. Nếu thực tế tình hình diễn ra đúng theo tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhóm chiến binh do Mỹ hậu thuẫn, lo ngại phải đối mặt với lực lượng quân sự Damascus sẽ chuyển sang tìm kiếm sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông nhà nước Syria cho biết, việc Mỹ rút quân hoàn toàn không ảnh hưởng đến chiến lược giải phóng của chính phủ Syria. Quân đội Syria và lực lượng quân tình nguyện do Iran hậu thuẫn hiện đang tăng cường binh lực đến miền đông Syria. Mạng xã hội cũng đưa tin, quân đội Nga đã triển khai một đơn vị cùng một số trang thiết bị gần khu vực thị trấn al-Tanf nhằm ngăn chặn khả năng tấn công của quân đội Mỹ vào các lực lượng vũ trang Syria.

Trong một tuyên bố chính thức, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là Các đơn vị bảo vệ Nhân dân Kurd – YPG lên án quyết định của tổng thống Trump. Tuyên bố cho rằng quyết định này gây ra hậu quả nguy hiểm cho an ninh quốc tế, là sự thất vọng nặng nề của người dân Kurd về an ninh, ổn định và độc lập.

Bộ máy lãnh đạo SDF hy vọng rằng nếu Mỹ rút, quân đội Pháp và Anh - hai quốc gia có lực lượng đặc biệt, đang chiến đấu với lực lượng dân quân người Kurd, sẽ giúp SDF kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ. Nhưng đây rõ ràng là một hy vọng mong manh và đại diện của người Kurd bắt đầu tiếp xúc và đàm phán với Damascus.

Theo thông tin hiện có, SDF dự kiến sẽ chuyển quyền kiểm soát những mỏ dầu khí trên bờ đông sông Euphrates cho chính quyền Damascus. Ngược lại, quân đội Syria sẽ triển khai binh lực kiểm soát tuyến biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và vùng do SDF đang chiếm giữ ở Syria.

Tình hình an ninh vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng trong khu vực phi quân sự Idlib, lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS - chi nhánh al-Qaeda tại Syria) và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác liên tục thực hiện các cuộc tấn công vào chiến tuyến quân đội Syria. Trong mọi tình huống, khi vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ lên cao, HTS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác có thể sử dụng điều kiện này để tăng cường tấn công quân sự vào quân đội Syria trên vùng nông thôn phía bắc Hama và bắc Latakia.

trong cuộc phỏng vấn với TASS, nhà phân tích người Lebanon - Nidal Sabi, chuyên gia hàng đầu về Syria, cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria là kết quả thỏa thuận bí mật giữa Washington và Ankara.

Bằng cách này, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại đứng chung một chiến tuyến và Ankara có được sự tự tin hoàn toàn, tiếp tục đi tiên phong thúc đẩy lợi ích địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông. Chiến lược của 2 quốc gia này hoàn toàn tương đồng, đó là chia cắt Syria và Iraq, duy trì chiến tranh và hỗn loạn ở Trung Đông.

Theo chuyên gia địa chính trị Lebanon, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ lợi dụng sự rút quân của Mỹ để chuyển các nhóm cực đoan thân cận, không đối đầu với quân đội Syria ở Idlib mà đánh chiếm lãnh thổ của SDF trên bờ đông sông Euphrates, thống trị người Kurd.

Ông Sabi cho biết, việc rút quân Mỹ sẽ trở thành thảm họa đối với liên minh Ả Rập - Kurd của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Điều này dẫn đến một sự chia rẽ trong hàng ngũ liên minh SDF, các bộ lạc Ả rập được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khởi động cuộc chiến với các nhóm người Kurd phía đông Syria. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để lực lượng khủng bố IS trỗi dậy và Mỹ có thể quay trở lại trên máu của người Kurd và người Ả rập

Để tránh bị thảm sát và chiến tranh, người Kurd chỉ có một cơ hội và giải pháp, kiên quyết đối mặt với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đưa lực lượng vũ trang YPG trở về với nhà nước Syria, loại trừ mọi kế hoạch độc lập hoặc thành lập liên bang Syria.

Tình huống Ankara và Damascus hợp tác chống lại chủ nghĩa ly khai người Kurd hoàn toàn bị loại trừ, do người Kurd là người thuộc đất nước Syria và tổng thống Syria Bashar al-Assad không bao giờ thỏa thuận với ông Erdogan. Ông Assad nhận định Ankara là thủ phạm chính gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu trên lãnh thổ Syria. Ông Keith Sabi cho rằng ông Assad không tin vào bất cứ điều gì từ Erdogan, ông ta biết rất rõ mối quan hệ của Ankara với tổ chức Những Anh em Hồi giáo, thủ phạm chính tạo nên Mùa xuân Ả rập.

Một nghị sĩ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Ozturk Yilmaz, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik cho biết: rút quân khỏi Syria là đòn chí mạng giáng vào ảnh hưởng của Mỹ trong chính sách chiến lược địa chính trị mà Mỹ đang đang thực hiện nhằm chia cắt Syria, Iraq và hậu thuẫn cho Israel. Ông Yilmaz cho rằng, khi Mỹ rút quân, họ không có khả năng tác động vào diễn biến của tình hình ở Syria và đó là cơ hội để Ankara giải quyết vấn đề ly khai và khủng bố của người Kurd.

Nhưng nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, rất khó dự đoán những gì tổng thống Trump sẽ làm trong những ngày tới và Ankara phải chuẩn bị cho điều này. Rất có thể một cuộc bạo loạn mới sẽ bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ và xảy ra lật đổ chính quyền, ông nhận xét.

Tổng quan tình hình chiến sự Syria tính đến ngày 21.12.2018 theo South Front.