|
Tàu chiến Hải quân Mỹ tuần tra áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông. |
Reuters loan tin, các quan chức hải quân Mỹ hôm nay cho biết ba tàu khu trục của nước này là Stethem, Spruance và Momsen đã tiến gần đến những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp, cũng như quanh bãi cạn Scarborough của Philippines mà Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát.
Theo Navy times, ba tàu khu trục trên hoạt động cách các đảo này từ 14 đến 20 hải lý. Bởi nếu các tàu đi vào vùng 12 hải lý thì đó là hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải và cần được sự cho phép từ cấp cao hơn.
Phát ngôn viên của hạm đội Thái Bình Dương Clint Ramsden nhấn mạnh rằng tất cả các chuyến tuần tra của những tàu khu trục này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế và là một phần trong chính sách hiện diện thường xuyên của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên ông Ramsden từ chối tiết lộ chi tiết về chiến thuật và các địa điểm tuần tra cụ thể.
Đối với vấn đề này, hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 6/7 cho rằng hành động này của Hải quân Mỹ diễn ra trong thời điểm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc.
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết tàu đổ bộ USS Ashland được điều đến Biển Đông là để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên (hàng ngày), đã thể hiện "quyết tâm bảo vệ tự do đi lại mà tất cả các nước đều thừa nhận".
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc đi lại của tàu đổ bộ USS Ashland hoàn toàn không phải là hành động tự do đi lại trong vùng biển 12 hải lý gần các "đảo" do Trung Quốc xây dựng và tuyên bố "chủ quyền" (phi pháp) ở Biển Đông.
Hãng tin Kyodo cho rằng tàu đổ bộ USS Ashland là một loại trang bị dùng cho tác chiến đổ bộ, có thể chở tàu đệm khí (LCAC). Cảng chính triển khai tàu này là căn cứ Sasebo quân Mỹ ở thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản.
Tàu này chuyển sang hoạt động trên Biển Đông sau khi triển khai xong các hoạt động huấn luyện ở Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Vào tháng 6/2016, Quân đội Mỹ đã tiến hành diễn tập quân sự ở vùng biển quốc tế lân cận Philippines, có sự tham gia của 2 tàu sân bay, đồng thời đã điều 3 tàu Aegis đến Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, giám sát, liên tiếp triển khai hành động đối phó Trung Quốc.
Ngày 5/7 tại Hội nghị đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Biển Đông ở một cơ quan nghiên cứu Mỹ, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc đã có nhiều phát biểu ngông cuồng.
Ông ta tiếp tục ngang nhiên khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) một cách vô lý. Ông ta ra sức tuyên truyền lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, đó là "đàm phán song phương".
Ông ta muốn “giảm nhiệt” ở Biển Đông và cho biết Trung Quốc muốn tránh tái diễn bi kịch "mất đi lãnh thổ cố hữu" của họ. Những tuyên bố của một quan chức từng đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện sự ngoan cố của Bắc Kinh khi theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông theo yêu sách "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp.
Đới Bỉnh Quốc yêu cầu Mỹ giảm can thiệp vào vấn đề Biển Đông, cho rằng quan hệ Trung-Mỹ không nên là quan hệ đối đầu. Cho dù Mỹ có điều 10 cụm tấn công tàu sân bay đến Biển Đông thì cũng không đe dọa được Trung Quốc.
Hãng tin RFI Pháp ngày 6/7 cho rằng Trung Quốc mặc dù kiên trì tuyên bố “không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận” vụ kiện Biển Đông của Philippines, nhưng những biểu hiện gần đây của Bắc Kinh cho thấy họ đã “vô cùng lo ngại” và đã “không thể chịu nổi”.
Đới Bỉnh Quốc kêu gọi PCA chấm dứt thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines là “nhiệm vụ cấp bách hiện nay”. Cùng với hoạt động lôi kéo quốc tế và hung hăng tập trận trên Biển Đông, những phát biểu của Đới Bỉnh Quốc lần này đã thực sự phản ánh đầy đủ tâm trạng lo lắng của Bắc Kinh.