Mỹ tiếp tục viện trợ thêm 450 triệu USD vũ khí cho Ukraine. Thế cục có thay đổi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hôm thứ Năm (23/6) Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 450 triệu USD viện trợ quân sự, bao gồm các bệ phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao (HIMARS), xe chiến thuật, tàu tuần tra và đạn dược. v.v.
Ngày 23/6, Mỹ công bố viện trợ thêm 4 hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine (Ảnh: Đông Phương).
Ngày 23/6, Mỹ công bố viện trợ thêm 4 hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 24/6, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2 đến nay, với lô vũ khí mới này, tổng số viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên tới 6,1 tỉ USD.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã xác nhận lô 4 hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao (HIMARS) đầu tiên do Mỹ cung cấp đã được vận chuyển đến Ukraine và quá trình huấn luyện sử dụng hệ thống này của quân đội Ukraine cũng đã kết thúc vào tuần trước. 4 hệ thống tên lửa cùng loại được cung cấp bổ sung lần này có tầm bắn 60 km và Ukraine đã hứa sẽ không sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Nga.

Một số quan chức tình báo Mỹ chỉ ra rằng quân đội Nga đã thành công trong việc giành được ưu thế ở miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng không có hệ thống vũ khí đơn lẻ nào có thể ngay lập tức đảo ngược được tình hình và Washington đang duy trì hợp tác chặt chẽ với Ukraine để cung cấp các vũ khí trang bị cần thiết.

Theo Hãng tin Mỹ AP, gói viện trợ mới nhất này bao gồm 4 hệ thống tên lửa nhiều nòng cơ động cao (HIMARS), sẽ giúp tăng gấp đôi số lượng loại vũ khí được coi là hỏa lực tầm xa hiệu quả cao này. 4 hệ thống HIMARS đầu tiên do Mỹ viện trợ trước đây đã vào Ukraine và nằm dưới sự kiểm soát của quân đội nước này.

Mỹ và Ukraine hy vọng các hệ thống HIMARS sẽ giúp ngăn cản hỏa lực pháo binh tầm xa của Nga (Ảnh: QQ).

Mỹ và Ukraine hy vọng các hệ thống HIMARS sẽ giúp ngăn cản hỏa lực pháo binh tầm xa của Nga (Ảnh: QQ).

Đợt viện trợ mới này còn bao gồm 36.000 viên đạn pháo 105mm, 18 xe kéo lựu pháo 155mm, 1.200 súng phóng lựu, 2.000 súng máy, 18 tàu tuần tra ven biển và sông, cùng nhiều phụ tùng và thiết bị khác.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Todd Breasseale nói chính quyền Biden kể từ khi lên nắm quyền đến nay đã cam kết hỗ trợ an ninh 6,8 tỉ USD cho Ukraine, trong đó 6,1 tỉ USD đã được cung cấp sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ hôm 24/2. Kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 8,7 tỉ USD viện trợ an ninh.

Chỉ cách một tuần trước, Mỹ cũng đã tuyên bố viện trợ quân sự 1 tỉ USD cho Ukraine, trong khi các lực lượng Nga tiếp tục dần mở rộng phạm vi kiểm soát ở khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine. Các nhà lãnh đạo Ukraine đã liên tục yêu cầu Mỹ và phương Tây cung cấp các hệ thống tên lửa tiên tiến và chính xác hơn để phản kích quân đội Nga có hiệu quả hơn.

Các quan chức quân sự Anh và Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã chiếm giữ thêm hai ngôi làng ở miền đông Ukraine vào hôm thứ Năm (23/6) và hiện đang tranh giành quyền kiểm soát con đường bộ trọng yếu để cắt đứt tuyến đường tiếp tế và bao vây quân đội Ukraine trên mặt trận.

18 lựu pháo xe kéo 155mm sẽ được Mỹ cung cấp thêm cho Ukraine trong đợt viện trợ mới nhất (Ảnh: QQ).

18 lựu pháo xe kéo 155mm sẽ được Mỹ cung cấp thêm cho Ukraine trong đợt viện trợ mới nhất (Ảnh: QQ).

Trong nhiều tuần qua, quân đội Nga đã bắn phá thành phố Severodonetsk bằng hỏa lực pháo binh và không kích, đồng thời giao tranh ác liệt từ nhà này sang nhà khác chống lại quân đội Ukraine.

Hệ thống tên lửa nhiều nòng cơ động cao HIMARS được cho là sẽ mang lại cho Ukraine khả năng tấn công quân đội và vũ khí của Nga từ khoảng cách xa hơn, giảm rủi ro cho các lực lượng Ukraine. Hệ thống này được lắp trên xe tải bánh lốp chở sáu ống phóng tên lửa dẫn đường chính xác với tầm bắn khoảng 70 km.

Trước khi 4 hệ thống HIMARS đầu tiên được đưa vào chiến đấu, đơn vị quân đội Ukraine được trang bị đã được huấn luyện sử dụng trong ba tuần.

Được biết, gói viện trợ này là một phần của khoản viện trợ kinh tế và an ninh trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước và được ông Biden ký thành luật. Đây là lô vũ khí và thiết bị quân sự thứ 13 được Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi bắt đầu xảy ra chiến tranh.

450 triệu USD trang thiết bị và vũ khí lần này sẽ được lấy toàn bộ từ kho của Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển tới Ukraine.

Vào ngày 23/6, Ukraine đã được EU đồng ý trao tư cách ứng viên có cơ hội trở thành thành viên chính thức, nhưng ông Anton Arestovich, một cố vấn nổi tiếng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng Ukraine xin gia nhập NATO và EU chỉ là hình thức, hiện Ukraine đã là thành viên NATO "trên thực tế".

Ông Anton Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trên thực tế Ukraine đã là một thành viên NATO (Ảnh: QQ).

Ông Anton Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trên thực tế Ukraine đã là một thành viên NATO (Ảnh: QQ).

Nguyên nhân khiến ông Arestovich suy nghĩ như thế là, mặc dù không có cam kết phòng thủ chung bằng văn bản, nhưng hơn 50 quốc gia, đứng đầu là Mỹ, đã hứa với Ukraine rằng "quyết không thể" để Ukraine bị thua trong cuộc chiến với Nga.

Trên thực tế, trước những thiệt hại kinh tế do ủng hộ Ukraine và những đòi hỏi vô hạn độ của Ukraine, ở phương Tây đã xuất hiện làn sóng mệt mỏi với việc ủng hộ Ukraine.

Khoảng 80.000 người biểu tình hôm 20/6 đã tràn ngập các đường phố Brussels, nơi đặt trụ sở chính của NATO và Liên minh châu Âu, hô vang khẩu hiệu "Stop NATO", yêu cầu "chi tiền cho việc trả lương chứ không phải vũ khí."

Dư luận ở châu Âu đang có sự thay đổi lớn. Trong chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy tới Kiev, họ đã từ chối yêu cầu của Ukraine về một đợt hỗ trợ vũ khí mới. Vì vậy, họ đồng ý trao cho Ukraine vị thế ứng cử viên mang tính biểu tượng, hơn là ném tiền thật vào "chiếc hố không đáy".

Theo nội dung cuộc nói chuyện của Giám đốc Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) với chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí từ 5 đến 6 tỉ USD mỗi tháng của Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra quả là "đáng kinh ngạc".

Ai sẽ hỗ trợ khoản chi phí như vậy cho Ukraine? Nước Mỹ với khẩu hiệu “Ưu tiên nước Mỹ” chắc chắn sẽ không, vậy lẽ nào là EU?

Bên cạnh nỗi lo về kinh tế ở châu Âu, dòng chảy một lượng lớn vũ khí viện trợ cho Ukraine cũng khiến châu Âu lo lắng. Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn viện trợ quân sự ổn định. Tuy nhiên, do Ukraine không chia sẻ thông tin, những vũ khí này hiện đi đâu? Hiệu quả ra sao? Phương Tây không nhận được đáp án đáng tin cậy.

80 ngàn người biểu tình ở Brussels hôm 20/6 phản đối viện trợ vũ khí cho Ukraine (Ảnh: QQ).

80 ngàn người biểu tình ở Brussels hôm 20/6 phản đối viện trợ vũ khí cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Bà Catherine Deborer, Tổng giám đốc Europol cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề này, sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc, số vũ khí mà phương Tây gửi tới Ukraine sẽ đi về đâu? Nó có thể rơi vào tay các băng nhóm tội phạm và sau đó tràn sang các nước khác trên lục địa châu Âu.

Xét cho cùng, không thể theo dõi dòng chảy của các loại vũ khí này trong thời chiến, và khó tránh khỏi việc một số người nhân cơ hội bán một số vũ khí với giá rẻ trên các trang "web đen" để kiếm lời, thậm chí bán chúng cho các tổ chức khủng bố. Mỹ đã quá quen với tình trạng như vậy. Khi viện trợ cho các nước khác, họ chỉ nghĩ đến “hầu bao” của các tổ hợp công nghiệp - quân sự của chính mình và chỉ việc gửi súng đi bất chấp hậu quả. Trong các cuộc chiến ở Syria và Afghanistan, một lượng lớn vũ khí do Mỹ cung cấp đã rơi vào tay các các lực lượng vũ trang khác như các nhóm khủng bố.

Bởi vậy, giờ đây dư luận châu Âu bắt đầu có sự nhìn nhận lại về vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine và đó là lý do tại sao Ukraine luôn oán thán họ nhận được lượng vũ khí vừa ít vừa chậm so với những gì các nước đã lớn tiếng cam kết.