Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ nhằm đối phó Trung Quốc và Nga

VietTimes -- Ngày 29 tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) tại Nhà Trắng, Đại tướng Không quân bốn sao John Raymond được cử là người lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này. Giới quan sát bên ngoài cho rằng động thái này của ông Trump là nhằm chống lại Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng  Mark Esper và tưởng John Raymond, Tư lệnh SpaceCom, (Ảnh: Đa Chiều)
Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và tưởng John Raymond, Tư lệnh SpaceCom, (Ảnh: Đa Chiều)

Theo trang tin Đa Chiều ngày 30 tháng 8, tại buổi lễ tuyên bố thành lập bộ tư lệnh này, ông Trump nói, mục đích của việc thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) là để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trong lĩnh vực không gian và chống kẻ địch xâm lược, “bảo đảm địa vị thống trị trong lĩnh vực vũ trụ của Mỹ mãi mãi sẽ không bao giờ bị đe dọa”.

SpaceCom vừa được thành lập có chức năng bao gồm: cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh, kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và đảm bảo an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ, bảo vệ tài sản Mỹ trong quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài tiến hành phá hoại vệ tinh của Mỹ và giám sát, cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác.

Tổng thống Donald Trump và tướng John Raymond, Tư lệnh đầu tiên của SpaceCom
Tổng thống Donald Trump và tướng John Raymond, Tư lệnh đầu tiên của SpaceCom

Bộ Tư lệnh Vũ trụ là bộ tư lệnh tác chiến liên hợp thứ 11 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đây là một bộ chỉ huy chiến đấu chức năng, sánh ngang với các Bộ tư lệnh không gian mạng, Bộ tư lệnh chiến lược, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt và Bộ tư lệnh vận tải. Ngoài ra còn có 6 bộ tư lệnh tác chiến khu vực khác được chia thành theo khu vực, gồm: Bộ chỉ huy phía Bắc (Northern Command - chịu trách nhiệm về khu vực Bắc Mỹ), Bộ chỉ huy phía Nam (Southern Command - chịu trách nhiệm về khu vực Nam Mỹ), Bộ tư lệnh trung tâm (Central Command - chịu trách nhiệm về Trung Đông và Trung Á), Bộ tư lệnh châu Âu (European Command), Bộ tư lệnh châu Phi (Africa Command) và Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Command).

Trong một bản tweet hôm 29/8, ông Trump nhấn mạnh rằng SpaceCom sẽ có thể ngăn chặn hiệu quả sự vi phạm không phận lãnh thổ của Hoa Kỳ và bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ trong không gian.

Ông Trump viết: “Đây là một ngày có ý nghĩa bước ngoặt để khẳng định tầm quan trọng cốt lõi của không gian trong an ninh và quốc phòng của Mỹ”, “SpaceCom sẽ đảm bảo rằng lợi thế không gian của Mỹ sẽ không bao giờ bị đe dọa”.

Bộ Tư lệnh Vũ trụ sẽ xem không gian là một chiến trường trọng điểm, được chi phối bởi các vệ tinh và máy bay tầm cao. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1982 đã thiết lập một bộ chỉ huy không gian (AFSCP) trực thuộc Không quân và tập trung vào hoạt động chiến đấu không gian, nhưng Bộ Tư lệnh Vũ trụ mới sẽ tăng cường tầm quan trọng của nó, phát triển các hệ thống đặc biệt và huấn luyện các hạng mục liên quan nhằm mục tiêu đối phó với cuộc Chiến tranh giữa các vì sao.  

Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence trao kỳ hiệu cho Bộ Tư lệnh Vũ trụ
Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence trao kỳ hiệu cho Bộ Tư lệnh Vũ trụ

Tổng thống Trump nói: “Như chúng ta đã nhận ra rằng, giống như lục địa, không trung, trên biển và không gian mạng là những lĩnh vực tác chiến quan trọng, giờ đây chúng ta coi không gian vũ trụ là một khu vực độc lập, được giám sát bởi một Bộ Tư lệnh tác chiến liên hợp mới. Việc thành lập bộ tư lệnh tác chiến thứ 11 là một thời điểm quan trọng có tính bước ngoặt”.

Về việc đến khi nào thì thành lập đội quân không gian như đã hứa nhiều lần trước đó, ông Trump đã không đưa ra tuyên bố rõ ràng, mà chỉ nói sẽ được thành lập “rất nhanh”. Theo quy định của luật pháp Mỹ, việc thành lập một lực lượng đội quân không gian cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Khi được thành lập, đội quân không gian sẽ trở thành quân chủng thứ sáu của Mỹ cùng với Không quân, Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân và Cảnh vệ bờ biển.

Tờ “Liên hợp Buổi sáng” của Singapore cho rằng Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ mở đường cho việc xây dựng quân chủng vũ trụ với mục đích đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, sau khi thành lập Bộ Tư lệnh Không gian, tướng John Raymond sẽ lãnh đạo 87 đơn vị để xử lý các nhiệm vụ bao gồm cảnh báo tên lửa, giám sát vệ tinh, kiểm soát không gian và chi viện tác chiến.

Ông Mike Pence, Phó Tổng thống Mỹ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về vũ trụ hồi đầu tháng tám đã tuyên bố, lực lượng không gian sẽ đảm bảo rằng  quốc gia có thể bảo vệ lợi ích của người dân, bảo vệ Trái đất và giá trị của không gian, hỗ trợ phòng ngự nước Mỹ từ ngoài không gian.

Có ý kiến cho rằng với việc thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ, ông Trump muốn làm sống lại Chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" năm xưa
Có ý kiến cho rằng với việc thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ, ông Trump muốn làm sống lại Chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" năm xưa

Tháng 2 năm 2019, ông Trump đã ký Bị vong lục về việc thành lập đội quân không gian của Mỹ. Lầu Năm Góc được lệnh chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc thành lập quân chủng thứ sáu “Lực lượng không gian”. Quốc hội phê duyệt giao cho Không quân thuộc Bộ Quốc phòng lãnh đạo việc thành lập.

Ngay từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh Mỹ đã từng thành lập Bộ chỉ huy không gian vào đầu năm 1982 như một phần của “Chương trình Chiến tranh giữa các vì sao”. Sau khi Liên Xô tan rã, bộ chỉ huy này vẫn tồn tại cho đến khi nó bị giải thể vào năm 2002. Lý do giải thể là Mỹ bắt đầu tập trung vào phòng thủ lãnh thổ sau vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001.

(Theo Đa Chiều)