Mỹ sẽ gấp rút viện trợ thêm gần 40 tỉ USD cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi ông Biden yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn kế hoạch viện trợ 33 tỉ USD cho Ukraine vào cuối tháng 4, các nghị sĩ Dân chủ gần đây đã bổ sung thêm khoảng 7 tỉ USD, đưa số tiền viện trợ lên 39,8 tỉ USD.
Ông Biden dự tính viện trợ gấp thêm 39,8 tỉ USD trong đó có 20 tỉ USD quân sự cho Ukraine (Ảnh: AP).
Ông Biden dự tính viện trợ gấp thêm 39,8 tỉ USD trong đó có 20 tỉ USD quân sự cho Ukraine (Ảnh: AP).

Ngày 9/5, ông Biden đã kêu gọi Quốc hội "ngay lập tức" thông qua gói viện trợ trị giá gần 40 tỉ USD này cho Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng nguồn viện trợ hiện có sẽ được Ukraine sử dụng cạn kiệt trong "khoảng 10 ngày". Trước đó, ông Biden đã định đề xuất kết hợp thông qua khoản viện trợ này cùng với một khoản chi ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trị giá 10 tỉ USD khác nhưng đã bị đình trệ do sự phản đối của các nghị sĩ là đảng viên Cộng hòa. Cuối cùng, ông Biden đã phải nhượng bộ trong một tuyên bố vào ngày 9/5, đồng ý tách hai đề xuất ra để bỏ phiếu riêng biệt.

Theo Bloomberg, dẫn các nguồn tin đáng tin, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về đề xuất này vào ngày 10/5 theo giờ Washington.

Theo CNN, Bloomberg và các cơ quan truyền thông khác, vào cuối tháng 4, ông Biden đã đề xuất kế hoạch viện trợ thêm 33 tỉ USD cho Ukraine, bao gồm 20,4 tỉ USD viện trợ quân sự và an ninh bổ sung, 8,5 tỉ USD viện trợ kinh tế và 3 tỉ USD viện trợ nhân đạo. Phe Dân chủ ở Quốc hội gần đây đã đề xuất bổ sung thêm 3,4 tỉ USD viện trợ quân sự và 3,4 tỉ USD viện trợ nhân đạo, nâng tổng số viện trợ cho Ukraine lên tới 39,8 tỉ USD.

Ông Biden muốn Quốc hội thông qua đề án viện trợ gần 40 tỉ USD gấp cho Ukraine .

Ông Biden muốn Quốc hội thông qua đề án viện trợ gần 40 tỉ USD gấp cho Ukraine .

Nếu kế hoạch viện trợ này được thông qua, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đợt này sẽ vượt quá 20 tỉ USD. Theo nội dung đề án, viện trợ quân sự sẽ đảm bảo pháo binh, xe bọc thép, vũ khí chống thiết giáp và vũ khí phòng không sẽ liên tục chảy vào Ukraine, đẩy nhanh việc xây dựng năng lực mạng và hệ thống phòng không của Ukraine, tăng cường hỗ trợ tình báo cho Ukraine, đồng thời giúp Ukraine ứng phó với mối đe dọa của các chất phóng xạ và sinh hóa v.v. Ngoài ra, số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ triển khai quân đội Mỹ tới các nước NATO.

Hãng tin Anh Reuters bình luận, kế hoạch viện trợ này sẽ khiến ​​có "sự leo thang mạnh mẽ" trong tài trợ của Mỹ cho Ukraine.

Trong một tuyên bố được Nhà Trắng đưa ra vào chiều ngày 9/5 theo giờ Washington, ông Biden nói rằng hiện nhu cầu viện trợ cho Ukraine rất cấp bách, các khoản tiền được phê duyệt trước đó "gần như đã dùng cạn kiệt" và các chuyến hàng viện trợ hiện nay sẽ chấm dứt trong "mười ngày tới". Ông Biden đốc thúc Quốc hội thông qua đề án càng sớm càng tốt. Ông nói: "Tôi kêu gọi Quốc hội thông qua đề án tài trợ bổ sung cho Ukraine ngay lập tức và gửi nó đến bàn làm việc của tôi trong vài ngày tới."

CNN đưa tin về đề án viện trợ gấp 40 tỉ USD cho Ukraine của ông Biden.

CNN đưa tin về đề án viện trợ gấp 40 tỉ USD cho Ukraine của ông Biden.

Trước đó, ông Biden đã định kết hợp đề án viện trợ cho Ukraine với một đề xuất ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trị giá 10 tỉ USD khác để thông qua cùng lúc, nhưng ý đồ này đã bị đình trệ do sự phản đối của các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội. Cuộc tranh luận liên miên giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về việc có nên đưa đề xuất ứng phó với đại dịch, và lệnh trục xuất người nhập cư theo "Điều 42", đã khiến đề án này bị đình trệ.

Công ty phát thanh NBC nói, động thái này của ông Biden là "lợi dụng sự viện trợ cho Ukraine như một con bài mặc cả để có thêm nguồn tài trợ cho việc chống lại đại dịch", nhưng nó đã không thể thành hiện thực. Trong đề xuất ứng phó với đại dịch COVID-19 trị giá 10 tỉ USD này, quyết định của chính quyền Biden về việc hủy bỏ lệnh trục xuất người nhập cư theo "Điều 42" thời Donald Trump đã bị các đảng viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ. Theo lệnh trục xuất này, chính phủ Mỹ có thể lấy cớ chống dịch để trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp ngay sau khi bắt giữ họ, gây ra nhiều tranh cãi.

Đề án bị đình trệ và ông Biden đã phải nhượng bộ trong một tuyên bố vào ngày 9/5, đồng ý tách hai đề án ra và bỏ phiếu riêng. "Chúng tôi không thể trì hoãn nỗ lực chiến tranh quan trọng này. Vì vậy, tôi sẵn sàng chấp nhận rằng hai biện pháp này được thực hiện riêng biệt để đề xuất viện trợ Ukraine có thể được chuyển đến bàn của tôi ngay lập tức", ông nói trong một tuyên bố vào ngày 9/5.

Nhưng các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội vẫn chưa đồng ý với đề xuất này. Thượng nghị sỹ Richard Shelby, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Ngân sách Thượng viện, cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra.

Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi ngày 9/5 cho biết rằng Hạ viện sẽ hành động nhanh chóng và "hy vọng sẽ đề xuất đề án Ukraine vào ngày mai". Theo Bloomberg viện dẫn các nguồn tin tiết lộ, Hạ viện dự kiến ​​sẽ xem xét đề án này vào chiều ngày 10/5.

Tên lửa chống tăng Javelin được Mỹ liên tục chở tới Ukraine.

Tên lửa chống tăng Javelin được Mỹ liên tục chở tới Ukraine.

Cùng ngày (9/5), ông Biden đã ký Đạo luật cho thuê quốc phòng cho Ukraine, đạo luật này sẽ đơn giản hóa rất nhiều quy trình để Mỹ cung cấp viện trợ quân sự và các nguồn tài nguyên cần thiết khác cho Ukraine.

Theo nội dung của hiệp nghị, Ukraine có thể yêu cầu Mỹ và các đồng minh hỗ trợ vũ khí trang bị, đồng thời Chính phủ Mỹ sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí, trang thiết bị quân sự, thuốc men, thực phẩm, v.v. cho Ukraine thông qua Chương trình cho thuê (Lend-Lease). Ukraine sẽ chi trả phí thuê cho Mỹ sau này. Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật này vào tháng 4/2022. Dự luật này nhằm làm sống lại một chương trình có từ thời Chiến tranh thế giới thứ Hai cho phép chính phủ cho các đồng minh của Mỹ mượn hoặc thuê các trang thiết bị quân sự.