Mỹ phá sóng liên lạc của IS tại Iraq như thế nào?

Ngày 28.12.2015, quân đội Iraq tái chiếm thành phố chiến lược Ramadi từ tay quân IS nhờ sự hỗ trợ không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu, đặc biệt là từ các máy bay gây nhiễu phá sóng khiến quân IS không thể liên lạc với nhau được.
Máy bay gây nhiễu điện tử EC-130H Compass Call của Không lực Mỹ
Máy bay gây nhiễu điện tử EC-130H Compass Call của Không lực Mỹ

Theo Warisboring ngày 4.1, quân IS đã chiếm Ramadi (tỉnh Anbar) hơn 6 tháng, đẩy lùi lực lượng quân chính phủ đông gấp bội. Nhưng hai tuần cuối tháng 12.2015, quân chính phủ phản công và đã đánh bật IS khỏi nơi đây.

Mỹ đã sử dụng nhiều máy bay chiến đấu và cả oanh tạc cơ siêu thanh B-1 bay hàng giờ trên không phận Ramadi để dội bom, và như phát ngôn viên Steve Warren của Quân đội Mỹ tại Trung Đông nhấn mạnh “80% chiến thắng Ramadi là nhờ các cuộc không kích”.

Trong khi bộ binh tiến đánh từng vị trí, máy bay dội bom xuống đầu quân IS thì trên trời còn có các máy bay gây nhiễu điện tử đặc biệt của Không lực Mỹ bay vòng vòng, cắt đứt hoàn hoàn mọi liên lạc vô tuyến cho đến liên lạc bằng điện thoại di động của quân IS với nhau.

Đó là các chiếc EC-130H Compass Call, cải biến từ máy bay vận tải C-130, thuộc Không đoàn viễn chinh số 386 đóng ở căn cứ Ali Al Salem (Kuwait).

Các máy bay này còn vô hiệu hoá liên lạc của các chỉ huy IS muốn tổ chức các cuộc phản công ở Ramadi.

Không lực Mỹ có loại máy bay gây nhiễu phá sóng Compass Call đầu tiên vào năm 1982, các máy bay này có thể vô hiệu hoá radar, gây nhiễu tín hiệu truyền phát của thiết bị vô tuyến, và phá sóng điện thoại di động.

Từ khi quân IS hay dùng điện thoại di động để kích nổ từ xa các thiết bị nổ, những máy bay đặc biệt này của Mỹ cũng phát huy vai trò bảo vệ lính Mỹ tránh thương vong vì chất nổ điều khiển từ xa.

Các chiếc EC-130H này hiện tại đã thay thế thiết bị kỹ thuật tương tự bằng thiết bị kỹ thuật số hiện đại hơn.

Ban đầu những máy bay này được sử dụng nhằm đối phó Chiến tranh Lạnh: bảo đảm vùng trời an toàn để không quân oanh kích vị trí đối phương. Trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1, máy bay Compass Call đã làm tê liệt hệ thống phòng không của Saddam Hussein ở Iraq. Đến năm 2003, khi quân Mỹ tiến vào Iraq lần nữa, máy bay EC-130H cũng tháp tùng hỗ trợ.

Mỹ phá sóng liên lạc của IS tại Iraq như thế nào? ảnh 1

Không lực Mỹ ước tính các máy bay này đã giúp vô hiệu hoá ít nhất 100 vụ cài bom ven đường điều khiển từ xa ở Iraq

Mỹ phá sóng liên lạc của IS tại Iraq như thế nào? ảnh 2

Máy bay gây nhiễu điện tửEC-130H Compass Call được tiếp dầu trên không sau một phi vụ phá sóng quân IS ở Iraq - Ảnh: Không lực Mỹ

Khi các chiếc Compass Call rời Iraq vào tháng 8.2010, tính chung các máy bay này đã bay hơn 20.000 giờ trong 6,5 năm trực chiến. Không chỉ phá sóng đối phương, Không lực Mỹ ước tính các máy bay này đã giúp vô hiệu hoá ít nhất 100 vụ cài bom ven đường điều khiển từ xa ở Iraq.

Máy bay EC-130H cũng tham gia cuộc chiến chống quân Taliban và du kích ở Afghanistan hơn 1 thập kỷ, bay hơn 40.000 giờ.

Compass Call còn bay ở Kosovo, Haiti, Panama, Libya và Serbia. Không đoàn 386 cho hay họ quay lại chiến trường Iraq từ tháng 3.2015 để chống quân IS.

Tuy nhiên đội máy bay phá sóng này của Mỹ đang đối mặt với việc giảm hoạt động do Không lực Mỹ bị cắt giảm ngân sách. Dự kiến có 7 chiếc máy bay phải nằm ụ, chiếm một nửa số máy bay loại này, để tiết kiệm 300 triệu USD/năm. 

Tuy nhiên số tiền này chỉ đủ cho 2 chiếc tiêm kích tàng hình F-35 hoạt động và chưa bằng một nửa tiền của máy bay ném bom chiến lược tầm xa (LRSB) đang đặt hàng. Tuy nhiên các nghị sĩ Mỹ vừa qua đã quyết định không chấp thuận cắt giảm hoạt động loại máy bay gây nhiễu này, và lính Mỹ ở Afghanistan cùng đồng minh tại Iraq hẳn rất hài lòng.

Theo Thanh Niên