Mỹ ngấm ngầm thúc đẩy chiến dịch kìm hãm, bao vây Nga như thế nào?

VietTimes -- Mỹ vẫn đang tiếp tục theo đuổi một chiến lược bao vây, kìm hãm Nga về mặt quân sự bằng cách điều các khối đồng minh quân sự của họ áp sát các đường biên giới nước này. Chiến lược này là không tuyệt đối, dù Mỹ phải thiết lập mối quan hệ với cả các phe phái dân tộc chủ nghĩa.
Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc tập trận ở Estonia (Ảnh: Getty)
Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc tập trận ở Estonia (Ảnh: Getty)

Ngay trong tháng này, Estonia đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ, trở thành nước Baltic thứ 3 và cũng là cuối cùng làm như vậy. Thông tin nước này tăng cường khối đồng minh quân sự với Mỹ xuất hiện cùng lúc một thỏa thuận hợp tác quốc phòng khác có hiệu lực, lần này là thỏa thuận ký kết với UAE.

Thỏa thuận Mỹ-Estonia được ký tại Lầu Năm Góc, quy định rằng hai nước sẽ hợp tác phòng thủ từ nay cho đến năm 2024, dù đưa ra ít chi tiết về việc sau 5 năm sẽ có thỏa thuận thay thế hay không, và lượng người đóng thuế ở Mỹ sẽ mất bao nhiêu đồng USD để đóng góp chi phí. Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, hai nước sẽ hợp tác trong các lĩnh vực gồm "phát triển khả năng phòng thủ và hỗ trợ phòng thủ, tập trận, phòng thủ không gian mạng, Liên minh Phòng thủ Estonia, huấn luyện và hỗ trợ nước chủ nhà".

Dường như thời gian tới đây, Estonia sẽ phải đứng ra tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ của họ, trong đó có cả các cuộc tập trận không gian mạng.

Như nhiều thông tin từng được tiết lộ, Estonia hiện đang là một trong những nước có công nghệ không gian mạng tân tiến nhất thế giới, nổi tiếng nhờ việc triển khai cái mà họ gọi là Chính phủ điện tử - thậm chí Skype cũng được người Estonia chế tạo, và phần lớn đội ngũ của Skype ngày nay vẫn đang làm việc tại nước Baltic này. Theo Stratfor - nền tảng thông tin tình báo địa chính trị hàng đầu thế giới, Estonia đang dần trở thành nước tiến phong trong vấn đề an ninh mạng. Đất nước này hiện là nơi đặt Trung tâm Kiểm soát Phối họp phòng thủ Không gian mạng của NATO.

Động thái mới nhất của Estonia và Mỹ một lần nữa chứng minh rằng chính quyền Trump không có liên hệ với Điện Kremlin, hay nhận chỉ thị từ giới lãnh đạo chóp bu Nga - như các nhà điều tra về mối liên hệ giữa chính quyền Trump và Moscow từng ngờ vực. Trên thực tế, thỏa thuận hợp tác phòng thủ mới là một phần trong Đối thoại Chiến lược Mỹ-Baltic bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái.

Mỹ cũng đang chi ra hàng triệu USD để triển khai một chiến lược mà trong đó họ lôi kéo các nước đồng minh gồm Albania, Bosnia, Croatia, Hy Lạp, Bắc Macedonia và Slovakia ngừng mua trang thiết bị quân sự của Nga. Kế hoạch này đang được thực thi nhanh đến nỗi giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ còn đang định mở rộng chương trình chỉ trong vài tuần tới. Chiến lược như vậy càng giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ ăn nên làm ra. Nhưng nghiễm nhiên chả có một người nào đứng lên chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì vấn đề đó, dù họ nhận thấy rõ rằng chính quyền Trump đang ưu tiên hàng đầu các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài.

Estonia là nơi có lượng lớn binh sỹ Mỹ đồn trú (Ảnh: Newsweek)
Estonia là nơi có lượng lớn binh sỹ Mỹ đồn trú (Ảnh: Newsweek)

Cam kết của Estonia với NATO

Estonia đã là một thành viên của NATO (và cả EU),  đã gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương từ năm 2004. Nó là một trong số những thành viên ít ỏi của NATO thực hiện đầy đủ các cam kết về chi tiêu quốc phòng của khối này dựa trên % GDP, và cũng đang trong quá trình hiện đại hóa, tăng sức mạnh quân sự.

Đại sứ của Estonia tại Mỹ, Jonatan Vseviov, từng nói với hãng Defense News rằng NATO là "cột mốc trong vấn đề an ninh của chúng tôi". Ông Vseviov cho rằng NATO đã làm rất tốt trong công việc phòng thủ và "đánh chặn" - điều này khiến người ta nghĩ tới một quốc gia, và chỉ một quốc gia duy nhất.

Gần đây nhất, một hãng tin lớn trong khu vực Baltic cáo buộc một máy bay quân sự của Nga đã thâm nhập không phận Estonia trong ít phút. Và thời điểm mà Estonia ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ bởi vậy mà trở nên rất nhạy cảm, có lẽ không phải một sự trùng hợp.

Như một phần trong kế hoạch "đánh chặn", ông Vseviov còn nói rằng Estonia đang trong quá trình thảo luận với Latvia và Đan Mạch để thiết lập một Đơn vị Đa quốc gia để thêm vào một đơn vị tương tự mà Ba Lan từng thành lập.

Về phần mình, NATO không làm gì hơn là chỉ đứng quan sát và hoan nghênh Estonia vì những đóng góp của nước này cho khối đồng minh quân sự.

Bắt tay với phe dân tộc chủ nghĩa

Nước Mỹ hiện nay đang có cam kết hợp pháp trong việc "bảo vệ" tới gần 1/4 dân số thế giới. Dù những người yêu nước cố hữu ở Mỹ ngày càng ôm ấp ý về việc mở rộng đế chế Mỹ ra toàn cầu, nhiều người lại hiểu rằng ý tưởng đó đã đi ngược lại tư tưởng cốt lõi của những người khai lập ra nước Mỹ. Tổng thống Thomas Jefferson từng nói trong cam kết cảu mình: "Thương mại hòa bình, tình bằng hữu chân thật với mọi quốc gia. Không vướng vào các khối liên minh"...Đáng lẽ ra những người muốn giúp cho nước Mỹ "vĩ đại trở lại" sẽ nghe vài lời khuyên từ những người như Tổng thống Jefferson.

Estonia đã trỗi dậy như một nước hùng mạnh nhất trên khắp châu Âu, xét về phong trào dân túy cánh hữu. Đảng dân tộc chủ nghĩa EKRE của nước này giành được 19 trong tổng số 101 ghế trong Quốc hội và được mời thành lập một Chính phủ liên minh với Thủ tướng Estonia Juri Ratas.

Điều lố bịch ở đây là, dù Estonia là một trong những nước mạnh miệng nhất trong việc phản đối làn sóng nhập cư ở châu Âu, những con số thống kê cho thấy nước này chả có vấn đề gì về nhập cư cả. Ngược lại, theo Stratfor, Estonia thậm chí còn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng suy giảm dân số, chủ yếu gây ra do làn sóng di cư tăng cao và tỷ lệ sinh đẻ thấp. Chuyên trang Politico còn nhấn mạnh rằng Estonia - với dân số chỉ khoảng 1,3 triệu người - chỉ tiếp nhận có 206 người tị nạn trong năm 2015, 80 trong số đó đã rời khỏi nước này.

Vậy thì các đảng có tư tưởng dân tộc, dân túy làm thế nào để giành lá phiếu của cử tri khi rêu rao về hiểm họa từ khủng hoảng nhập cư châu Âu? Điều này rất khó để nắm được. Tuy nhiên, Estonia dường như đã trở thành một điển hình ở châu Âu nơi mà các đảng phái tận dụng lại kiểu tranh cử của ông Trump. Sử dụng các khẩu hiệu như thể họ muốn bảo vệ cộng đồng "bản địa Estonia" đang phải chịu "mối đe dọa", cùng lúc chống lại EU, chống người nhập cư, phản đối quan hệ đồng giới hay hạn chế nữ quyền...đảng EKRE rõ ràng đã tăng cường sức mạnh của mình.

Một phần lớn dân số của Estonia cấu thành bởi các nhóm người nói tiếng Nga, điều này gây ra vấn đề lớn cho cả Mỹ và những người theo trường phái dân túy ở Estonia. Nếu Mỹ muốn cô lập Estonia khỏi Nga, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng thiểu số này. Như điều mà Mỹ rút được từ bài học ở Ukraine, đây rõ ràng không phải vấn đề nhỏ.

Tuy nhiên, cũng giống như ở Ukraine, Mỹ vẫn tìm thấy một tình bạn hữu ích cho họ với các đảng dân tộc chủ nghĩa, đủ để họ có thể tiếp tục kìm hãm Nga. Xét cho cùng thì, dù là những đảng phái phát xít mới hay những kẻ Hồi giáo cực đoan, miễn là chúng có tư tưởng chống Nga thì đều là bạn của nước Mỹ.

Theo RT