Mỹ mua 2 hệ thống phòng không Iron Dome của Israel cho chiến trường Trung Đông

VietTimes -- Ngày 16.01.2019 theo tờ Inside Defense, lần đầu tiên, Mỹ sẽ sở hữu một hệ thống vũ khí đầy đủ của Israel để bảo vệ các đơn vị viễn chinh trên những chiến trường nước ngoài. Bộ quốc phòng Mỹ đưa ra đề nghị Quốc hội thông qua việc chi 373 triệu USD cho hợp đồng quốc tế này, ngày nhận hàng dự kiến là trong năm 2020.
Hệ thống tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa Israel Iron Dome. Ảnh minh họa: Ynet. News.
Hệ thống tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa Israel Iron Dome. Ảnh minh họa: Ynet. News.

Quân đội Mỹ chính thức yêu cầu Quốc hội chi 373 triệu đô la để mua hai khẩu đội hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome do Israel sản xuất, đang được sử dụng để bảo vệ người dân miền nam Israel khỏi tên lửa tự chế phóng từ dải Gaza trong hơn một thập kỷ qua.

Mỹ ít khi mua các hệ thống vũ khí từ các quốc gia khác, không chỉ do quan ngại những vấn đề về an ninh quốc gia mà còn do Mỹ có lợi thế về phát triển công nghệ quốc phòng.  Israel đã từng bán nhiều hệ thống công nghệ khác nhau cho Mỹ trong những thập kỷ gần đây, nhưng đây là lần đầu tiên Jerusalem bán cho Washington một hệ thống vũ khí đầy đủ.

Một khẩu đội tên lửa phòng không Iron Dome bao gồm 12 tổ hợp phóng, hai trạm radar, hai trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến và 240 tên lửa đánh chặn.

Hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa Iron Dome trên lãnh thổ Israel. Ảnh: Ynet. News.
Hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa Iron Dome trên lãnh thổ Israel. Ảnh: Ynet. News.

Các hệ thóng phóng tên lửa Iron Dome được sử dụng trong lãnh thổ Israel để bảo vệ các khu dân cư chống lại những tên lửa tự chế bắn từ Gaza, Quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không trên chiến trường nước ngoài, bảo vệ các đơn vị viễn chinh tại các khu vực xung đột trên toàn cầu.

Bộ quốc phòng Mỹ nhiều năm tìm kiếm giải pháp có được một hệ thống phòng không, có thể bảo vệ các lực lượng viễn chinh ngăn chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, đạn súng cối hạng nặng tự chế và các mối đe dọa khác trên chiến trường. 

Các nhà công nghiệp quốc phòng Mỹ từng nỗ lực phát triển các hệ thống đánh chặn, sử dụng các tên lửa không đối không do Mỹ sản xuất như tên lửa AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinder, nhưng giá thành quá cao và các hệ thống này không đáp ứng được tất cả những yêu cầu kỹ chiến thuật trong các chiến dịch quân sự của quân đội Mỹ trên chiến trường.

Quân đội Mỹ quyết định mua hệ thống Iron Dome từ Israel. Đây là một trong những thỏa thuận mua sắm vũ khí nhanh nhất trong lịch sử. Do tính bức thiết, Mỹ có kế hoạch mua radar do Israel sản xuất cho Iron Dome, đó là radar đa nhiệm ELM-2084 (MMR) của công ty Aerospace Industries (IAI) Israel, do quá trình điều chỉnh American radar phù hợp với Iron Dome sẽ kéo dài thời gian đưa hệ thống vào sẵn sàng chiến đâu.

Quân đội Mỹ đã thử nghiệm khai thác sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome. Tháng 09.2017, Israel cho phép Mỹ mượn một khẩu đội Iron Dome, vận chuyển bằng đường không tới thao trường tên lửa tầm xa ở White Sands, New Mexico. Trong quá trình thử nghiệm, tên lửa đánh chặn thành công tất cả các phương tiện bay khác nhau tấn công khu vực. Các quan chức quân sự Mỹ rất ấn tượng do tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu thành công cao.

Hệ thống tên lửa phòng không Iron Dome phóng đạn đánh chặn tên lửa tự chế từ dải Gaza. Ảnh: Ynet. News.
 Hệ thống tên lửa phòng không Iron Dome phóng đạn đánh chặn tên lửa tự chế từ dải Gaza. Ảnh: Ynet. News.

Theo Inside Defense, Iron Dome có chi phí rẻ hơn nhiều so với các hệ thống khác do Mỹ phát triển. Hệ thống phòng không sử dụng tên lửa AIM-120 AMRAAM có giá 12 triệu USD cho mỗi bệ phóng và 800.000 USD cho mỗi tên lửa đánh chặn. Iron Dome có giá 1,37 triệu USD cho mỗi bệ phóng, 150.000 USD cho mỗi tên lửa đánh chặn, 4 triệu USD cho trung tâm quản lý chiến đấu và 34,7 triệu USD cho radar tích hợp MMR.

"Hệ thống Iron Dome có chi phí tốt nhất với quân đội Mỹ dựa trên giá thành khai thác sử dụng , chi phí cho mỗi lần phóng đạn, số lượng tên lửa sẵn sàng trên bệ phóng và khả năng ngăn chặn các mối đe dọa cụ thể", Bruce Jette, giám đốc điều hành Mua sắm trang thiết bị quân đội cho biết trong báo cáo trước Quốc hội. 

"Ngoài ra, quân đội đánh giá cao lợi thế chính của hệ thống Iron Dome khi có tới 20 tên lửa đánh chặn trong tổ hợp các thùng container phóng, tính năng kỹ chiến thuật hoàn hảo của tên lửa Tamir, được minh chứng trong thực tế chiến đấu. Hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn thành công trong thực tế chiến đấu, đạt tiêu chuẩn công nghệ quân sự Israel."

Tổ hợp phóng tên lửa phòng không Iron Dome của israel. Ảnh: Ynet. News
 Tổ hợp phóng tên lửa phòng không Iron Dome của israel. Ảnh: Ynet. News

Quân đội Mỹ đang yêu cầu chi 288,7 triệu USD tiền ngân sách cho thỏa thuận này trong năm tài chính 2019, 83,8 triệu USD trong năm tài chính 2020. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng yêu cầu Quốc hội đầu tư thêm 1,6 tỷ USD năm 2024 nhằm tích hợp tổ hợp phóng và tên lửa Iron Dome với hệ thống phòng thủ tên lửa IFPC Inc 2-I được phát triển bởi quân đội Mỹ. Điều đó  cho thấy trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ có kế hoạch mua thêm tên lửa Tamir của Iron Dome. Hoàn toàn có khả năng hệ thống IFPC Inc 2-I sẽ sử dụng loại tên lửa này.

Kể từ năm 2011, Mỹ viện trợ cho Israel 1,4 tỷ USD để phát triển hệ thống Iron Dome. Công ty điện tử quốc phòng Mỹ Raytheon hợp tác với tập đoàn Rafael chế tạo sản xuất Iron Dome với hơn 50% linh kiện được xuất xưởng tại Mỹ. Đây là điều kiện của Lầu Năm Góc trong thỏa thuận viện trợ quốc phòng cho quốc gia Do Thái.

Điều đó cũng có nghĩa là, trên thực tế, quân đội Mỹ thực hiện việc mua sắm Irone Dome nhằm phục vụ cho chiến trường Trung Đông, nơi các căn cứ, các đơn vị viễn chinh Mỹ có nhiều khả năng bị tấn công bởi các nhóm quân du kích và nổi dậy. Hơn nữa, vụ mua sắm này cũng đồng thời tăng thêm lợi nhuận cho Raytheon.