Tin tức

Mỹ lo ngại về máy bay không người lái cỡ nhỏ Trung Quốc

VietTimes -- Không phải tàu sân bay và máy bay chiến đấu tàng hình mà công nghệ máy bay không người lái của Trung Quốc mới khiến người Mỹ chú ý và lo ngại. 
Giới quân sự Mỹ lo ngại về các máy bay không người lái cỡ nhỏ của Trung Quốc được sử dụng vào các cuộc tấn công kiểu bầy đàn
Giới quân sự Mỹ lo ngại về các máy bay không người lái cỡ nhỏ của Trung Quốc được sử dụng vào các cuộc tấn công kiểu bầy đàn

Ngày 19/6, trang web của tạp chí hai tháng một lần The National Interest (Lợi ích quốc gia) của Mỹ đã đăng một bài báo có tựa đề “Hãy quên máy bay chiến đấu tàng hình hoặc tàu sân bay đi: Trung Quốc sẽ đánh bại Mỹ về lĩnh vực này” cảnh báo rằng công nghệ máy bay không người lái của Trung Quốc đã bắt kịp và vượt mặt Mỹ.

Bài báo viết trong sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái Trung Quốc, điều đặc biệt khiến người ta chú ý là lợi thế của Trung Quốc trong việc sản xuất chúng. Với nền tảng ngành công nghiệp chế tạo mạnh mẽ đã cho phép Trung Quốc chiếm vị trí dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất hàng loạt máy bay không người lái tấn công nhỏ. Máy bay không người lái loại nhỏ của Trung Quốc dự kiến sẽ có khả năng chiến đấu theo kiểu bầy đàn.

Máy bay không người lái ngày càng được sử dụng nhiều vào mục đích quân sự
Máy bay không người lái ngày càng được sử dụng nhiều vào mục đích quân sự

Theo một công ty sản xuất máy bay không người lái có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, công ty này đã “tự mình nghiên cứu phát triển các loại máy bay không người lái mang đạn cối, mang súng phóng lựu và súng máy; có thể kết hợp với nhau để tạo thành một cuộc tấn công kiểu bầy đàn”. Hệ thống này mới đây cũng được trưng bày tại Triển lãm Thương mại Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Dưới sự dẫn dắt và phối hợp của trí tuệ nhân tạo (AI), có thể kết hợp tối đa 10 chiếc máy bay không người lái thành một phi đội với các loại khác nhau, bao gồm máy bay không người lái phóng đạn cối tầm gần, trong khi các máy bay không người lái khác có thể phóng rốc két, lựu đạn hoặc tấn công cảm tử.

Máy bay không người lái cỡ nhỏ của DJI được các phần tử khủng bố cải tạo thành "máy bay ném bom" mang đạn phóng lựu cỡ 40mm gắn đuôi cầu lông
Máy bay không người lái cỡ nhỏ của DJI được các phần tử khủng bố cải tạo thành "máy bay ném bom" mang đạn phóng lựu cỡ 40mm gắn đuôi cầu lông

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nghiên cứu, tìm kiếm chiến thuật phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone). Cục Nghiên cứu Dự án cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang nghiên cứu chiến thuật sử dụng máy bay không người lái để phát động các cuộc tấn công theo bầy đàn, sử dụng công nghệ thực tế ảo tương tự như trò chơi video trong chiến tranh đô thị, điều khiển hàng trăm máy bay không người lái nhỏ thực hiện vào thực tế.

Các thử nghiệm “hiệp đồng tác chiến trong môi trường khó khăn” kiểu này được Cục Nghiên cứu Dự án cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện vào năm 2018 cho thấy khi liên lạc giữa nhóm máy bay không người lái và người điều khiển  bị gây nhiễu, vẫn có thể dựa vào trí tuệ nhân tạo để phát hiện và tấn công mục tiêu theo ý đồ nhiệm vụ đã hoạch định.

Sơ đồ giả tưởng về một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái kiểu bầy đàn
Sơ đồ giả tưởng về một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái kiểu bầy đàn

Nga cũng có kinh nghiệm trong tác chiến cụm máy bay không người lái, nhưng là chống lại việc bị máy bay không người lái tấn công kiểu bày đàn. Năm 2018, lực lượng đối lập Syria đã phóng một số máy bay không người lái cỡ nhỏ được gắn thuốc nổ vào căn cứ không quân Nga ở Syria. Nga tuyên bố đã bắn hạ 7 chiếc máy bay không người lái và khống chế được 6 chiếc khác thông qua can thiệp điện tử.

Cũng tại Syria, có một dạo, các phần tử khủng bố của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo tự xưng, ISIS” đã sử dụng các máy bay không người lái cỡ nhỏ do DJI chế tạo để cải tạo thành “máy bay ném bom” mang theo các quả đạn phóng lựu cỡ 40mm gắn cầu lông ở đuôi bất ngờ tấn công khiến các lực lượng của Mỹ và cả quân đội chính phủ Syria rất ngán ngại. Để đối phó với các máy bay không người lái DJI trong tay lực lượng khủng bố, Mỹ đã phải cải tiến loại tên lửa vác vai Stinger với đầu dò bức xạ nhiệt cực nhạy để chuyên bắn hạ chúng.

Quân đội Mỹ cải tạo tên lửa vác vai Stinger chuyên tiêu diệt máy bay không người lái tấn công
Quân đội Mỹ cải tạo tên lửa vác vai Stinger chuyên tiêu diệt máy bay không người lái tấn công

Điều khiến người ta quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của máy bay không người lái của Trung Quốc là lợi thế của họ trong việc chế tạo chúng. Có tới gần 80% số máy bay không người lái do Công ty DJI (Đại Cương) Trung Quốc sản xuất được sử dụng bởi khách hàng Mỹ và Canada. Với cơ sở công nghiệp chế tạo mạnh mẽ đã cho phép Trung Quốc dẫn đầu trong việc sản xuất hàng loạt máy bay không người lái tấn công cỡ nhỏ. Điều này cũng đã gây ra sự lo ngại cho chính quyền Mỹ. Bộ An ninh Nội địa của chính phủ liên bang cảnh báo rằng DJI – nhà sản xuất máy bay không người lái khổng lồ của Trung Quốc đang đánh cắp các dữ liệu nhạy cảm, nhưng hàng ngàn cơ quan an ninh công cộng của Mỹ vẫn đang sử dụng các máy bay không người lái của DJI.

Máy bay không người lái cỡ nhỏ mang súng máy
Máy bay không người lái cỡ nhỏ mang súng máy

Hôm 20/5 vừa qua, Cục An ninh Mạng và Cơ sở hạ tầng trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra một bản báo cáo cảnh báo rằng các máy bay không người lái do Trung Quốc chế tạo có thể đang truyền những dữ liệu nhạy cảm về cho các hãng sản xuất trong nước; cho rằng đây là nguy cơ tiềm tàng đối với an toàn thông tin của các cơ quan của Mỹ. Mặc dù báo cáo này không chỉ ra cụ thể nhà sản xuất máy bay không người lái nào của Trung Quốc, nhưng CNN đã hướng sự chú ý vào DJI và nói rằng gần 80% máy bay không người lái ở Mỹ và Canada được nhập từ DJI Trung Quốc. Đáp lại, Công ty DJI Trung Quốc đã trả lời vào ngày 21/5: “Sáng chế của DJI xưa nay luôn luôn coi trọng vấn đề bảo mật thông tin. Tính an toàn của công nghệ của chúng tôi đã được kiểm nghiệm nhiều lần trên toàn cầu, trong đó có sự kiểm nghiệm độc lập của cả chính phủ Mỹ và các công ty hàng đầu của Mỹ. Khi khách hàng sử dụng các máy bay không người lái hoặc các sản phẩm kỹ thuật khác của DJI, mọi dữ liệu được tạo ra, lưu trữ và truyền đi hoàn toàn do người sử dụng nó kiểm soát”.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã thử nghiệm các hoạt động bay kiểu bầy đàn của máy bay không người lái
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã thử nghiệm các hoạt động bay kiểu bầy đàn của máy bay không người lái

Tại thành phố Fremont, bang California gần đây đã thành công trong việc giải cứu một đứa trẻ bị điếc bằng máy bay không người lái. Ông Jeff Kleven, quyền Trưởng phòng Hành động Cục cứu hộ Fremont cho biết các máy bay không người lái đã trở nên không thể thiếu trong công việc hàng ngày của họ. Ông nói: “Chúng tôi sử dụng chúng để làm mọi thứ, từ dập lửa, tháo gỡ vật liệu nguy hiểm đến tìm kiếm cứu nạn”. Ông tin rằng dữ liệu sẽ không được truyền sang Trung Quốc vì Mỹ đã có phương pháp bản địa hóa dữ liệu của họ. Hơn nữa các dữ liệu không kết nối với Internet và có thể được cách ly trong hệ thống. Do đó, ông cho rằng cảnh báo của Washington về DJI chỉ mang tính nhắc nhở.

 Tuy nhiên, trong tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng xấu đi hiện nay, vẫn chưa thể biết liệu máy bay không người lái Trung Quốc có gặp phải tình cảnh tương tự như Huawei hay không. Vào ngày 18 tháng 6, học giả quân sự Mỹ Harry Wingo đã nói tại một phiên điều trần tại Thượng nghị viện rằng: các vấn đề mà Mỹ phải đối mặt trong lĩnh vực máy bay không người lái là “rất giống với Huawei”.

Bộ An ninh nội địa Mỹ hôm 20/5 đã cảnh báo về mối nguy cơ khi sử dụng máy bay không người lái của DJI
Bộ An ninh nội địa Mỹ hôm 20/5 đã cảnh báo về mối nguy cơ khi sử dụng máy bay không người lái của DJI

Ông nói rằng lúc này có thể không phải là thời điểm tốt nhất để cấm hoàn toàn các máy bay không người lái của DJI, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, cần phải có biện pháp tương ứng đối với các vấn đề liên quan đến an ninh công cộng và liên quan đến cơ sở hạ tầng then chốt. Wingo nói: “Tôi nghĩ rằng sẽ có thể có lệnh cấm như vậy”.