|
Ông Trịnh Tụng Quốc, Giáo sư Đại học bang Ohio vừa bị tòa án Mỹ kết án tù giam 37 tháng (Ảnh: Singtao). |
Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 15/5 dẫn nguồn tin VOA, Giáo sư Trịnh Tụng Quốc (Song Guo Zheng), 58 tuổi, sống ở Ohio, lãnh đạo một nhóm nghiên cứu tự miễn dịch tại Đại học bang Ohio và Đại học bang Pennsylvania thừa nhận khi nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đã che giấu sự thật về việc tham gia “Kế hoạch ngàn người” (Chương trình tìm kiếm, nhập khẩu nhân tài ở nước ngoài) của Trung Quốc và đã liên kết, hợp tác với các trường đại học do chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Trịnh Tụng Quốc bị bắt ngày 22/5/2020, khi ông thuê một chiếc máy bay đến Anchorage, Alaska và chuẩn bị lên một chiếc máy bay được thuê khác để trốn sang Trung Quốc. Ông ta mang theo ba chiếc túi lớn, một chiếc vali và một túi xách, trong đó có hai máy tính xách tay, ba điện thoại di động, một số thẻ USB, một vài thỏi bạc, hộ chiếu Trung Quốc đã hết hạn của người thân trong gia đình, giấy chứng nhận sở hữu nhà ở Trung Quốc và các vật dụng khác.
|
Trịnh Tụng Quốc thuyết trình tại Đại học Y khoa Từ Châu, An Huy năm 2015 (Ảnh: Dwnews). |
Theo tài liệu của tòa án, ông Trịnh đã tham gia chương trình thu hút nhân tài “Kế hoạch ngàn người” của chính phủ Trung Quốc từ năm 2013. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố Trịnh Tụng Quốc đã cam kết sử dụng kết quả nghiên cứu của mình ở Mỹ để đóng góp vào nghiên cứu y sinh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đã không tiết lộ xung đột lợi ích cùng cam kết của mình với Trung Quốc cho phía sử dụng lao động hoặc Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Trịnh Tụng Quốc đã nhận tội vào tháng 11/2020. Ông ta thừa nhận đã nói dối khi xin tài trợ nghiên cứu để sử dụng khoảng 4,1 triệu USD của Viện Y tế Quốc gia Mỹ để phát triển chuyên môn về bệnh thấp khớp và miễn dịch học cho Trung Quốc.
Trịnh Tụng Quốc đã bị kết án 37 tháng tù giam. Ông ta cũng buộc phải trả lại khoảng 3,4 triệu USD cho Viện Y tế Quốc gia và 413.000 USD cho Đại học bang Ohio.
Vụ án Trịnh Tụng Quốc là một trong hàng loạt vụ án mà các nhà nghiên cứu gốc Hoa ở Mỹ bị bắt vì che giấu mối quan hệ của họ với “Kế hoạch ngàn người” hoặc các lợi ích khác của Trung Quốc trong quá trình nghiên cứu do liên bang tài trợ. Một nguồn tài trợ nghiên cứu quan trọng cho họ là Viện Y tế Quốc gia.
|
Một bài báo ca ngợi ông Trịnh Tụng Quốc ở Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
Một trường hợp khác được Bộ Tư pháp Liên bang Mỹ công bố trong năm nay liên quan đến Viện Y tế Quốc gia và “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc là Dương Lâm (Lin Yang), giáo sư Đại học Florida đã che giấu việc tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc và thành lập công ty ở Trung Quốc khi nhận tài trợ nghiên cứu công nghệ hình ảnh cơ bắp của Viện Y tế Quốc gia. Dương Lâm đã bị khởi tố vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên Dương Lâm đã về Trung Quốc vào năm 2019 và đến nay vẫn chưa quay trở lại Mỹ.
Vào tháng trước, ông Michael Lauer, người chủ quản vấn đề nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đã ra làm chứng trước Thượng viện, nói Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ do lo ngại về ảnh hưởng xấu của chính phủ nước ngoài đối với các nhà nghiên cứu Mỹ nên từ năm 2018 đã bắt đầu tiến hành điều tra tình hình các nhà nghiên cứu nhận tài trợ của nước ngoài.
Michael Lauer nói rằng một số cuộc điều tra cuối cùng cho thấy đó chỉ là sự hiểu lầm, nhưng một số đã phát hiện có vấn đề. Ông nói: "Hơn 100 nhà nghiên cứu đã bị loại khỏi hệ sinh thái NIH theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như từ chức, sa thải, buộc nghỉ hưu sớm hoặc các yêu cầu nội bộ".
Ông cũng cho biết có khoảng 34 vụ việc đã được chuyển cho Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Y tế để điều tra thêm, một số vụ đã được khởi tố hoặc được thỏa thuận hòa giải dân sự.
|
Ông Trịnh đang lên lớp tại Đại học bang Ohio (Ảnh: RFI). |
Trung Quốc đã lợi dụng “Kế hoạch ngàn người” và các chương trình nhập khẩu nhân tài khác để thu hút các nhà nghiên cứu ở nước ngoài với mức lương cao. Washington lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng những nhà nghiên cứu này để đánh cắp kết quả nghiên cứu khoa học, bí mật thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ phục vụ cho chiến lược đuổi và vượt qua Mỹ về các mặt kinh tế, quân sự và công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Mặt khác, cũng có người lo lắng rằng các vụ xét xử sẽ gây ra hiệu ứng sợ hãi trong cộng đồng học thuật và ảnh hưởng đến việc trao đổi khoa học quốc tế bình thường.
Theo một bài báo trên Wall Street Journal hồi tháng 1 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét một chương trình ân xá, cho phép các cơ quan học thuật và học giả Mỹ sau khi tiết lộ việc nhận tiền nước ngoài sẽ không phải lo lắng về việc có thể bị truy tố. Điều này có nghĩa là chính quyền Joe Biden có thể đảo ngược các biện pháp quyết liệt của chính quyền Donald Trump. Theo báo này, các quan chức liên quan đã thảo luận về kế hoạch này trong vài tháng và đã bắt đầu xem xét dự thảo kế hoạch.
Đầu tháng này, Rob Portman, thành viên Đảng Cộng hòa tại Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện và Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên Đảng Cộng hòa ở Ủy ban Tình báo, cùng 6 thành viên khác của đảng này đã gửi một lá thư tới Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland kêu gọi chính quyền hủy bỏ chương trình ân xá được cho là vẫn đang được đề xuất và chưa được công bố này.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa này cho biết họ lo ngại rằng chương trình ân xá có thể làm gia tăng nguy cơ trộm cắp công nghệ và kết quả nghiên cứu học thuật ở Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14/5 đã đưa ra một tuyên bố về bản án tù của Trịnh Tùng Quốc, nói các nhà chức trách sẽ tiếp tục truy tìm những kẻ bí mật làm việc cho Trung Quốc trong khi sử dụng quỹ liên bang cho nghiên cứu khoa học.
John C. Demers, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, cho biết trong một tuyên bố: "Kinh phí nghiên cứu của Mỹ do người nộp thuế đóng góp cho lợi ích của xã hội Mỹ, không phải là quà tặng phi pháp cho chính phủ Trung Quốc. Khi quỹ liên bang được sử dụng cho nghiên cứu, người dân Mỹ cần phải thấy nó hoàn toàn minh bạch. Đối với những ai cố gắng gian lận để lấy những khoản tiền này và giấu giếm mối quan hệ của họ với chính phủ nước ngoài, chúng tôi sẽ tiếp tục buộc họ phải chịu trách nhiệm".
Tuyên bố của Bộ Tư pháp dẫn lời ông Alan E. Kohler Jr., trợ lý giám đốc phụ trách các vấn đề phản gián của FBI: "Trong nhiều năm, bị cáo đã che giấu việc tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài của chính phủ Trung Quốc. Ông ta có mối quan hệ với ít nhất 5 cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc. Trịnh tham lam lấy đi tiền quỹ nghiên cứu của liên bang và ngăn những người khác nhận được tiền để thúc đẩy nghiên cứu quan trọng về y học. FBI sẽ tiếp tục truy bắt những người như thế này, bất kể họ có thể ở đâu, ngay cả khi họ đang trên máy bay ở Alaska vào lúc nửa đêm".
Vipal J. Patel, Quyền Công tố Liên bang của khu Nam Ohio nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng án tù của Trịnh Tùng Quốc sẽ có tác dụng răn đe và ngăn những người khác có quan hệ với cái gọi là “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc hoặc bất kỳ biến thể nào của nó”.
Chris Hoffman, Giám đốc văn phòng Cincinati của FBI, nói trong một tuyên bố: "Bản án hôm nay của Trịnh là sự nhận thức về mối đe dọa của chính phủ Trung Quốc tiếp tục đánh cắp kết quả nghiên cứu do người đóng thuế Mỹ tài trợ".
|
Ông Lý Nguyên Triều, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, người khởi xướng “Kế hoạch ngàn người” tiếp các nhà khoa học (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Trong một tuyên bố tại Bộ Tư pháp, Đặc vụ Lamont Pugh III, Giám đốc khu vực Chicago của Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, nói: "Đưa ra những giải trình sai sự thật nhằm che giấu xung đột lợi ích tiềm tàng là vi phạm tín nhiệm và pháp luật. Văn phòng Tổng Thanh tra cố gắng phát hiện và điều tra những cá nhân cố tình không khai báo hoặc làm sai lệch thông tin về nguồn hỗ trợ nghiên cứu của mình để đảm bảo rằng tiền của người nộp thuế được sử dụng hợp lý”.
Vào tháng 4 năm nay, “Kế hoạch ngàn người” được thực hiện từ lâu của Trung Quốc đột nhiên biến mất thu hút sự chú ý của mọi người. Chương trình thu hút nhân tài cấp cao ở nước ngoài này được Ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan khác thành lập vào năm 2008. Chương trình này có kế hoạch tập trung nhập khẩu các nhân tài cấp cao ở nước ngoài phục vụ cho mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia.
Một số học giả Trung Quốc đã tiết lộ, do thuật ngữ “Kế hoạch ngàn người” thực sự nhạy cảm, để bảo vệ các nhà khoa học người Hoa, nên thuật ngữ "chuyên gia quốc gia đặc biệt" đã được sử dụng trong một số trường hợp, nhưng cho đến nay, thuật ngữ này cũng đã biến mất.
(Theo Dwnews, VOA)