Mỹ không bỏ chính sách thuế quan với Trung Quốc dù kéo dài thời hạn “ngừng bắn”

VietTimes -- Ngày 27.2, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) ra tuyên bố, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định kéo dài thời hạn cuối cùng cho việc đạt được hiệp nghị về mậu dịch lẽ ra đã hết hạn vào ngày 1.3, cơ quan này tạm thời chưa thực hiện việc điều chỉnh tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cho biết, Mỹ sẽ không từ bỏ chính sách dùng thuế quan để uy hiếp Trung Quốc.
Sau vòng đàm phán thứ 7 Mỹ đã kéo dài thời hạn 90 ngày hoãn gia tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
Sau vòng đàm phán thứ 7 Mỹ đã kéo dài thời hạn 90 ngày hoãn gia tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

Hoãn tăng thế nhưng không từ bỏ việc dùng thuế kìm hãm Trung Quốc

Hôm 27.2, ông Robert Lighthizer đã nói trước quốc hội, dù Washington và Bắc Kinh kết thúc một cuộc chiến thuế quan với giá rất đắt bằng một hiệp nghị thì trong nhiều năm tới Mỹ cũng cần phải tiếp tục giữ mối đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Robert Lighthizer nói, việc đạt được một hiệp nghị mậu dịch còn phải làm rất nhiều việc, bao gồm việc xác định cơ chế đảm bảo cho hiệp nghị được thực thi. Ông nói, thuế quan vẫn là công cụ quan trọng để thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chính sách mang tính kết cấu. Ông cũng nhấn mạnh, giải quyết tranh chấp mậu dịch Mỹ - Trung “là một thách thức lâu dài”, Mỹ sẽ “không ngu ngốc cho rằng chỉ qua đàm phán là có thể thay đổi quan hệ mậu dịch song phương đang ngày càng xấu đi”.

Robert Lighthizer nói, tuy đàm phán đã giành được một số tiến triển, nhưng không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề; hiện nay hai bên đang nỗ lực xây dựng một cơ chế hiệp thương. Cơ chế này sẽ tiến hành theo thời gian và các cấp: đội ngũ làm việc sẽ họp hàng tháng, cấp thứ trưởng họp hàng quý, còn cấp chấp hành thì họp mỗi năm một lần. Ông cũng nói, nếu sau này không đạt được kết quả như ý muốn, Washington có thể áp dụng hành động đơn phương để trừng phạt Trung Quốc.

Ông Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - hai người dẫn đầu hai đoàn đàm phán.
Ông Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - hai người dẫn đầu hai đoàn đàm phán.

Theo Wall Street Journal, hôm 27.2, phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban gây quỹ Hạ nghị viện (Ways and Means Committee), ông Robert Lighthizer nói, thực hiện tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, USTR sẽ thực hiện hoãn việc điều chỉnh mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc theo đúng trình tự pháp luật.

Ông cũng nói, việc đạt được một hiệp nghị mậu dịch với Trung Quốc còn phải làm những công việc đầy khó khăn. Ông nói, những vấn đề trên bàn đàm phán Mỹ - Trung rất nghiêm trọng, không thể được giải quyết thông qua việc Bắc Kinh cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ, mà Trung Quốc phải tiến hành cải cách kết cấu.

Robert Lighthizer nói với các thành viên ủy ban: “Cơ quan hành chính của chúng ta đang thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải cách kết cấu lớn để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng; đặc biệt là trong các vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ”.

Robert Lighthizer nói: “Tổng thống muốn có một hiệp nghị như thế này: trước hết, phải có tính khả thi, phải thay đổi mô thức và cách làm của họ [Trung Quốc] trong việc cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ, bản quyền sở hữu trí tuệ, chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp lớn và các hành vi cụ thể các loại trên khắp các mặt”.

Trang tin Đa Chiều viết, đây là lần đầu tiên ông Robert Lighthizer phát biểu rõ quan điểm về vấn đề mậu dịch Mỹ - Trung. Trước thông tin Trung Quốc đã cam kết sẽ mua thêm 1.200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, các nghị sĩ Mỹ đã nhắc nhở ông Robert Lighthizer không nên để Trung Quốc dùng cách tăng mua hàng hóa Mỹ để nhằm thay đổi tiêu điểm mà Mỹ tìm kiếm là chấm dứt tình trạng mậu dịch không công bằng giữa hai nước.

Ông nói: “Tôi không ngu ngốc đến mức cho rằng một cuộc đàm phán có thể thay đổi được mọi hành vi mậu dịch của Trung Quốc hay thay đổi mối quan hệ giữa chúng ta với họ”. Theo ông, tuy cuộc dàm phán mậu dịch Mỹ - Trung đã có tiến triển nhất định, nhưng Mỹ vẫn cần có khả năng áp dụng hành động đơn phương để đảm bảo cho bất cứ hiệp nghị nào cũng phải được thực thi.

Ông Stephen S. Roach, nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Yale cảnh báo các nhà đàm phán Mỹ hãy tỉnh giấc, đừng nhầm lẫn về sức mạnh của kinh tế Mỹ và sự giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc
Ông Stephen S. Roach, nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Yale cảnh báo các nhà đàm phán Mỹ hãy tỉnh giấc, đừng nhầm lẫn về sức mạnh của kinh tế Mỹ và sự giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc

Học giả Mỹ nhắc nhở các nhà đàm phán Mỹ “hãy tỉnh giấc”

Theo Đa Chiều, rất nhiều chuyên gia, học giả đã quan tâm theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán Mỹ - Trung. Ông Stephen S. Roach, nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Yale đã viết bài đăng trên tạp chí Project Syndicate: nước Mỹ cho rằng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế  của Trung Quốc chậm lại, người lãnh đạo Trung Quốc hy vọng cấp thiết đạt được một hiệp nghị kết thúc cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước, bất luận thời hạn hưu chiến 90 ngày hiện nay thực sự kết thúc vào lúc nào; cục diện cơ bản kinh tế Mỹ - Trung trong thời gian dài khiến người ta có những phán đoán khác hẳn về bên nào đang chiếm thế thượng phong.

Ông viết, chính phủ Donald Trump đã đánh giá thấp tính mềm dẻo và chiến lược của Trung Quốc. Mỹ cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ giáng đòn mạnh vào Trung Quốc và buộc họ muốn kết thúc cuộc chiến mậu dịch; nhưng Trung Quốc có không gian chính sách rất rộng để ứng phó với việc giảm tốc độ tăng trưởng hiện nay, cũng không cần thiết phải từ bỏ chiến lược lâu dài đã định.  

Ông cho rằng, mấy tháng qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm đi rõ rệt, nhưng chủ yếu do nguyên nhân tự thân Trung Quốc gây ra, chứ không phải như người Mỹ chủ quan suy nghĩ là kết quả của chiến lược thuế quan của họ giành được thành công. Trung Quốc đã lập tức phát huy ưu thế chính sách cố hữu của họ - chính sách linh hoạt hơn phương Tây nhiều. Trong một năm qua, Trung Quốc đã liên tục điều chuyển tỷ lệ lượng tiền dự trữ, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay, mức tăng trưởng tín dụng đầu năm 2019 đã phục hồi, đến giữa năm có thể phục hoạt toàn bộ nền kinh tế.

Quỹ tích tăng trưởng khác nhau khiến cho sự cách biệt về tăng trưởng kinh tế Mỹ - Trung ngày càng rõ. Chính sách của Trung Quốc dẫn dắt và cải thiện tình hình kinh tế, còn hạn chế về chính sách đã kéo chậm sự phát triển của kinh tế Mỹ. Năm 2018, tỷ lệ dự trữ trong nước Trung Quốc đạt 45% GDP, gấp 2,5 lần mức 18,7% của Mỹ.

Bài báo viết, sự chênh lệch này phản ánh sự cách biệt then chốt về cơ sở đầu tư trong tăng trưởng kinh tế hai bên. Năm 2018, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc chiếm 44% GDP, còn Mỹ chỉ chiếm 21%. Điều đó cho thấy Trung Quốc có nguồn tiền dồi dào dùng để đầu tư cải thiện các điều kiện thiết yếu cho phát triển kinh tế tương lai như đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài nguyên nhân lực, nghiên cứu phát triển công nghệ và tự chủ sáng tạo.

Ông Stephen S. Roach kết luận: suy cho cùng, thực lực kinh tế chỉ là tương đối. Địa vị ưu thế kinh tế của Mỹ hiện nay tựa hồ đóa Quỳnh (ý nói chóng tàn), mặt cơ bản của kinh tế Mỹ rất đáng lo ngại, sự dẻo dai của nó thể hiện trong thời gian ngắn đã ở giai đoạn dây cung căng hết cỡ. Hoàn cảnh của Trung Quốc thì ngược lại, giai đoạn bất ổn của họ sẽ kết thúc vào giữa năm 2019, về cơ bản khá ổn định lâu dài. Các nhà đàm phán Mỹ hãy tỉnh giấc trước hiện thực này. Họ đã phán đoán sai sức mạnh của Trung Quốc và đã đánh giá quá cao một bản hiệp nghị bề mặt có thể đem lại lợi ích thực tế cho Mỹ.