Mỹ khởi tố Huawei và CFO Mạnh Vãn Châu với 23 cáo trạng lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại

VietTimes – Ngày 28.1, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi tố Huawei và các tổ chức, cá nhân liên quan vì hành vi đánh cắp bí mật thương mại, lừa đảo qua phương tiện hữu tuyến và cản trở thực thi công lý.
Ảnh minh họa: AP
Ảnh minh họa: AP

Một bộ cáo trạng vừa được công bố bao gồm 10 cáo buộc Huawei trộm cắp bí mật thương mại của T-Mobile từ đầu năm 2012. Huawei bị cho là đã chi tiền để nhân viên đánh cắp bí mật từ các công ty khác, đặc biệt là nhà mạng T-Mobile của Mỹ.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng công bố một bộ bản cáo trạng khác với 13 tội danh và kết tội gian lận tài chính với 4 cá nhân và tổ chức, bao gồm Huawei và Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu. Các công ty còn lại bị buộc tội gian lận là chi nhánh Huawei tại Mỹ và công ty Skycom có trụ sở tại Hồng Kông.

Phát biểu trên trang CNET, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết: “Các cáo trạng được công bố ngày hôm nay cho thấy Huawei cố tình âm mưu đánh cắp tài sản trí tuệ của một công ty Mỹ, trong nỗ lực phá hoại sự tự do và công bằng của thị trường toàn cầu”. Giám đốc FBI nói thêm: “Để làm phương hại cho người Mỹ, Huawei đã liên tục coi thường luật pháp Mỹ với tham vọng đạt được lợi thế tài chính một cách không công bằng. Vì những cáo buộc đã được xác thực này, FBI sẽ không dung thứ cho các doanh nghiệp tham nhũng, vi phạm luật pháp và ngăn các công ty Mỹ phát triển”.

Giám đốc FBI Christopher Wray (bên phải) khẳng định sẽ sẽ không dung thứ cho các doanh nghiệp tham nhũng, vi phạm luật pháp và ngăn các công ty Mỹ phát triển. Ảnh: CNBC
Giám đốc FBI Christopher Wray (bên phải) khẳng định sẽ sẽ không dung thứ cho các doanh nghiệp tham nhũng, vi phạm luật pháp và ngăn các công ty Mỹ phát triển. Ảnh: CNBC

Những cáo buộc nói trên được đưa ra trong bối cảnh nhà cung cấp smartphone đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Samsung, bị điều tra kỹ lưỡng. Nhiều quốc gia đang xem xét lệnh cấm, yêu cầu các nhà mạng ngừng sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei, và Mỹ là quốc gia đầu tiên cấm bán các sản phẩm của Huawei.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc và Huawei phản bác rằng việc hạn chế hoạt động của công ty tại một số thị trường sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghệ 5G trên toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc là hai nước đang dẫn đâu trong cuộc đua tới thế hệ mạng viễn thông thứ 5, hứa hẹn đem đến tốc độ vượt trội và lượng băng thông đáp ứng cho số lượng lớn thiết bị kết nối. Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro trên các thiết bị của Huawei, và mối quan hệ "mờ ám" của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến với chính phủ Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Mark Warner cảnh báo: “Tồn tại nhiều bằng chứng cho thấy không có bất kỳ công ty lớn nào tại Trung Quốc lại không có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Và Huawei không phải là một ngoại lệ”.

Trang CNET đã gửi yêu cầu phản hồi tới Huawei và T-Mobile nhưng chưa nhận được câu trả lời từ cả 2 công ty.

Hai cáo trạng chống lại Huawei

T-Mobile tiết lộ công ty đã đầu tư 5 tỷ USD với 70.000 nhân lực cho quá trình nghiên cứu và phát triển robot kiểm tra chất lượng điện thoại Tappy. Ảnh: SeattleTimes
T-Mobile tiết lộ công ty đã đầu tư 5 tỷ USD với 70.000 nhân lực cho quá trình nghiên cứu và phát triển robot kiểm tra chất lượng điện thoại Tappy. Ảnh: SeattleTimes

Theo bộ cáo trạng đầu tiên, Huawei bắt đầu đánh cắp thông tin về Tappy, robot thử nghiệm điện thoại của T-Mobile từ năm 2012. Các kỹ sư của Huawei bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận bảo mật vì đã ghi lại hình ảnh, số liệu và đánh cắp các thành phần của robot. Khi vụ việc bị phơi bày và T-Mobile đe dọa sẽ tiến hành khởi kiện thì Huawei đổ hoàn toàn trách nhiệm cho các cá nhân trực tiếp liên quan.

Vụ việc cuối cùng vẫn đựa T-Mobile đệ trình lên Toàn án Liên bang Mỹ. Năm 2017, tòa xét xử nhà mạng Mỹ thắng kiện và yêu cầu Huawei phải bồi thưởng khoản phí 4,8 triệu USD.

Mặc dù Huawei khẳng định hành động trộm cắp bí mật thương mại từ T-Mobile này không liên quan đến, nhưng Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết đang giữ một số e-mail, có được trong quá trình điều tra, chứng minh điều ngược lại.

Huawei có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5 triệu USD hoặc gấp ba lần giá trị bí mật công nghệ robot Tappy, vì công ty đã âm mưu đánh cắp bí mật thương mại. Ngoài ra, công ty cũng có thể phải chi trả khoản phạt trị giá 500.000 USD vì lừa đảo qua phương tiện hữu tuyến và cản trở thực thi công lý.

CFO Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada theo lệnh của Bộ Tư Pháp Mỹ hồi tháng 12.2018. Ảnh: AP
CFO Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada theo lệnh của Bộ Tư Pháp Mỹ hồi tháng 12.2018. Ảnh: AP

Trong bản cáo trạng thứ hai, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị buộc tội gian lận ngân hàng, lừa đảo qua phương tiện hữu tuyến và âm mưu phạm tội.

Huawei và chi nhánh Huawei tại Mỹ bị buộc tội âm mưu cản trở thực thi công lý. Đồng thời, Huawei và Skycom cũng bị buộc tội gian lận ngân hàng, lừa đảo qua phương tiện hữu tuyến và âm mưu phạm tội. Hai công ty đã vi phạm nghiêm trọng Đạo luật Quốc tế về Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA), âm mưu vi phạm IEEPA và âm mưu rửa tiền.

Các cáo buộc được đưa ra dựa trên nỗ lực của Huawei nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tháng 12.2018, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt giữ tại Canada theo lệnh của Bộ Tư pháp Mỹ vì cáo buộc nói trên.

Theo Bloomberg, CFO Huawei đã tiếp tục bị một thành viên của Bộ Tư pháp Canada cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt trong phiên tòa thỏa thuận bảo lãnh tại ngoại ở thành phố Vancouver.

Con gái của nhà sáng lập Huawei

Bà Mạnh Vãn Châu và ông Nhậm Chính Phi (áo hồng), cùng các giám đốc tài chính cấp cao của Huawei. Ảnh: Huawei
 Bà Mạnh Vãn Châu và ông Nhậm Chính Phi (áo hồng), cùng các giám đốc tài chính cấp cao của Huawei. Ảnh: Huawei

Điều đáng chú ý là bà Mạnh Vãn Châu không chỉ là Giám đốc tài chính Huawei mà còn là con gái cả của người sáng lập và Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi. Vụ bắt giữ không những làm rúng động cả giới công nghệ, mà còn làm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hơn nữa, sự cố của Huawei đã vượt ra khỏi ranh giới thương mại, một số nước đang coi Huawei là hiểm họa an ninh quốc gia.

Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Mark Warner nói: “Đã có những thời điểm Huawei gây ra mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc gia của chúng ta và tôi hoan nghênh Chính quyền Trump đã tiến hành các bước để cuối cùng buộc công ty này phải chịu trách nhiệm”.

Huawei vẫn liên tục phủ nhận mọi hành động trái phép của bà Mạnh Vãn Châu. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Chủ tịch và Giám đốc tài chính tạm quyền của Huawei Liang Hua đã kêu gọi giải quyết nhanh chóng vụ việc và trả tự do cho bà Châu.

Nhà mạng Bristish Telecom của Anh cho biết sẽ ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong thành phần cốt lõi của mạng 4G và trong quá trình triển khai mạng 5G tương lai. Ảnh: Vox
Nhà mạng Bristish Telecom của Anh cho biết sẽ ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong thành phần cốt lõi của mạng 4G và trong quá trình triển khai mạng 5G tương lai. Ảnh: Vox

Chỉ trong vài tháng qua, Huawei đã phải chịu một làn sóng tẩy chay trên toàn cầu. Nhà mạng Bristish Telecom của Anh cho biết sẽ ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong thành phần cốt lõi của mạng 4G và trong quá trình triển khai mạng 5G tương lai. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm các nhà mạng tiến hành giao dịch với Huawei.

Tháng trước, Reuters đưa tin Giám đốc công nghệ của Liên minh Châu Âu (EU) Andrus Ansip cũng lên tiếng cảnh báo Huawei và các công ty Trung Quốc khác là nguy cơ tiềm ẩn với ngành công nghiệp và an ninh của Châu Âu.

Tất cả tạo ra ảnh hưởng không nhỏ tới người khổng lồ Trung Quốc. Nhà phân tích của Lopez Research, Maribel Lopez nhận định: “Vụ việc khiến mọi khía cạnh kinh doanh của Huawei đứng trước nguy hiểm ở Mỹ và EU”. Bà Lopez nói thêm: “Thay vì được biết tới về sự đổi mới trong công nghệ, công ty đang được định vị như một kẻ tội phạm”.

Theo CNET