Mỹ đối mặt với nguy cơ ‘dã tràng xe cát” ở Iraq

Theo báo Foreign Affairs, chính quyền Iraq rất thất vọng về Mỹ và liên quân trong chiến dịch chống tổ chức khủng bố IS và có quan điểm coi Nga như đối tác chủ chốt trong cuộc chiến chống “nhà nước Hồi giáo”. Bagdad đã thể hiện thái độ hoan nghênh nếu Nga triển khai không kích ở Iraq.
Mỹ đối mặt với nguy cơ ‘dã tràng xe cát” ở Iraq

Quân đội Iraq thông báo đã thành lập Trung tâm trao đổi thông tin tình báo với Iran, Nga và Syria. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố rằng ông hoan nghênh quan điểm Nga tiến hành không kích IS tại Iraq. Nhà lãnh đạo tinh thần (ayatollah) Ali al-Sistani có ảnh hưởng rất lớn ở Iraq kêu gọi triển khai một chiến dịch quốc tế có quy mô rộng hơn chống IS, ám chỉ rằng ông hoan nghênh sự hỗ trợ của Nga.

Hãng tin cho biết, Iraq ngày càng thường xuyên ưu tiên làm việc với Nga hơn là với Mỹ. Một nguồn tin là viên chức Bộ ngoại giao Iraq trong cuộc nói chuyện với Foreign Affairs đã thừa nhận, Mỹ khi cung cấp vũ khí cho Iraq đã đưa ra quá nhiều điều kiện khó khăn. Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi trong chuyến thăm Moscow đầu năm nay cho rằng "vũ khí Nga đã chứng minh rằng nó thật sự hiệu quả", điều mà vũ khí Mỹ không thể hiện được ở đây.

Người Shiite Iraq rất tích cực ủng hộ chiến dịch của Nga ở Syria. Đại diện phong trào "Badr" rất có ảnh hưởng với người Shiite tuyên bố họ hoàn toàn ủng hộ Nga không kích lực lượng khủng bố IS ở Iraq và vị thế của Nga ngày càng tăng trong khu vực do Mỹ không “thực sự nghiêm túc” khi tiến hành cuộc chiến chống IS.   

"Người dân chỉ quan tâm đến việc đuổi Dayesh (tên gọi Ả rập của IS) ra khỏi Iraq. Hiện nay họ cảm thấy Nga hành động nghiêm túc và mạnh mẽ hơn Mỹ” – đại biểu quốc hội Iraq Ibrahim al-Bahr Ulum nói với báo New York Times.

Nhớ lại chiến dịch khổng lồ quy mô lớn với sức mạnh ồ ạt của Washington chống chính quyền Saddam Hussein, người Iraq tự hỏi, tại sao Mỹ lại quá chậm chạp trong cuộc chiến chống IS, New York Times nhận định. “Mỹ có tất cả sức mạnh và công nghệ, họ có thể tìm được nước trên sao Hỏa, tại sao họ không thể thắng được IS?” giáo sư Đại học Kufinskogo Ahmed Naji đặt câu hỏi.

Nga can thiệp quân sự vào Syria khiến người A rập dòng Sunni trong khu vực giận dữ vì từ lâu muốn lật đổ tổng thống Assad. Tuy nhiên, đông đảo người Iraq dòng Shiite lại xem chính phủ của ông Assad như bức tường thành chống Hồi giáo Sunni cực đoan đã vô cùng phấn khởi khi Nga và Iran can thiệp ủng hộ chính quyền Syria.

Tại một cuộc hội thảo của các nhà báo và lãnh đạo dân sự tuần trước, ông Faris Hammam, lãnh đạo của liên đoàn ký giả địa phương đã hỏi có bao nhiêu người tham dự vui mừng về việc quân đội Nga không kích tại Syria. Tuyệt đại đa số đều giơ tay. “Sự can thiệp của Nga được hoan nghênh, không phải vì họ thích sự can thiệp mà là bởi Mỹ đã thất bại”, ông Hamman nhận định.

Theo QPAN