Mỹ định ngày rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung INF

VietTimes -- Mỹ gọi là vòng đàm phán mới nhất nhằm duy trì Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Liên Xô là đáng “thất vọng”. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ phớt lờ những đề xuất mang tính xây dựng của Moscow, kiên quyết giữ vững quan điểm đã chuẩn bị sẵn trên cơ sở tối hậu thư.
Hệ thống tên lửa tầm trung MGM-31 Pershing II của Mỹ trước khi bị phá hủy theo hiệp ược INF. Ảnh: The National Interest.
Hệ thống tên lửa tầm trung MGM-31 Pershing II của Mỹ trước khi bị phá hủy theo hiệp ược INF. Ảnh: The National Interest.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ, chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson tuyên bố, Mỹ đang lên kế hoạch bắt đầu rút ra khỏi Hiệp ước INF kể từ ngày 02.02.2019, dựa trên lý do Nga không tuân thủ các điều khoản của hiệp ước này. 

Quá trình rút khỏi hiệp ước song phương dự kiến sẽ cần 6 tháng để hoàn thành. Nga cũng sẽ có cùng thời gian (khi Mỹ bắt đầu đình chỉ tuân theo các điều khoản trong hiệp ước) để chứng minh rằng Moscow sẽ tạm dừng các hành động vi phạm.

Bà Thompson nói thêm rằng không có tiến triển nào trong vấn đề giải quyết những “vi phạm hiệp ước” do phía Mỹ nêu ra được thực hiện trong cuộc hội đàm với đoàn đại biểu ngoại giao Nga tại Geneva. Moscow không đưa ra những biện pháp khả thi mà phía Mỹ có thể kiểm chứng được để duy trì Hiệp ước INF. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng rằng, Nga sẽ có kế hoạch giải quyết những “vi phạm” và tuân thủ hiệp ước tại cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga tuần tới.

Bà Thompson nhấn mạnh, sau khi rút hoàn toàn khỏi nghĩa vụ và trách nhiệm, Mỹ sẽ tự do tiến hành nghiên cứu và phát triển những loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước INF.

Các bên tại trong những cuộc đàm phán gần đây ở Geneva về tương lai của INF đều không hài lòng với kết quả đạt được. Phía Nga lên án các đại diện ngoại giao Mỹ đã tham gia các cuộc đàm phán với những quan điểm áp đặt được dự tính trước, điều đó khiến Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov chính thức đưa ra tuyên bố: Mỹ đang vi phạm hiệp ước INF chứ không phải là nước Nga.

Theo bà Thompson, Mỹ đã đưa ra một danh sách các điều kiện mà Nga phải thực hiện để duy trì INF. Theo đó, Moscow phải hiểu rằng điều kiện chính để duy trì Hiệp định INF là phá hủy hệ thống tên lửa Iskander 9M729. Đồng thời, bà thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Washington không thích lựa chọn sửa đổi tên lửa, do không thể kiểm chứng được, vì vậy chỉ có phá hủy hoàn toàn hệ thống tên lửa, Mỹ mới có thể chấp nhận. 

Ông cho biết thêm, phía Nga trình bày các đề nghị mang tính xây dựng và bảo vệ hiệp ước với Mỹ, tiếp tục giải thích tên lửa Iskander 9M729 là gì. Hệ thống tên lửa mặt đất Iskander được Washington viện dẫn như một lý do cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước năm 1987.

Đầu tháng 12.2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ đình chỉ tuân thủ hiệp ước INF trong vòng 60 ngày, ngoại  trừ tình huống phía Nga tiếp tục tuân thủ đầy đủ hiệp ước. Sự “tuân thủ” ở đây được hiểu là Nga phải vô hiệu hóa tất cả các tổ hợp tên lửa Iskander. Moscow liên tục bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ liên quan đến thỏa thuận năm 1987, khẳng định rằng hệ thống tên lửa Iskandêr 9M729 mà Mỹ yêu cầu Nga vô hiệu hóa nằm trong phạm vi được phép theo các điều khoản của INF.

Những tuyên bố được đưa ra từ phía bà Thomsol cho thấy một quyết tâm của Nhà Trắng, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF dưới bất cứ tình huống nào.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với tờ Politika Serbia nhấn mạnh rằng, Moscow sẵn sàng đàm phán về Hiệp ước INF, mặc dù Mỹ quyết rút khỏi thỏa thuận. Theo ông, tháng 12.2018, Liên bang Nga đã gửi các đề xuất cụ thể cho đồng nghiệp Mỹ về vấn đề này. Ngoài ra, Nga cũng sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về toàn bộ chương trình cân bằng chiến lược giữa các quốc gia. 

Tổng thống Putin nhận xét, hành động từ phía Mỹ là nhằm phá hủy hệ thống kiểm soát vũ khí. Hệ thống này đã gây trở ngại cho Nhà Trắng phát triển năng lực quân sự. Ý định rời khỏi Hiệp ước INF có nguyên nhân như vậy, nhưng hậu quả của chính sách này sẽ rất tiêu cực.

Ông Putin nói thêm: Moscow không nhắm mắt khi NATO triển khai các hệ thống tên lửa đe dọa trực tiếp cho Nga và buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa. Nhưng Nga "là một quốc gia có trí tuệ và trách nhiệm", không quan tâm và không bị lôi cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang. 

Thực tế, quyết định rút khỏi hiệp ước INF không phụ thuộc vào việc Nga có sở hữu Iskander hay Trung Quốc không bị ngăn chặn phát triển các tên lửa tầm trung, nhà phân tích địa chính trị Julia Gureeva của trang Rusvesna nhận xét. Đây là một kế hoạch lớn nhằm tống tiền các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Trong tình huống rút hoàn toàn khỏi INF, Mỹ có thể phát triển các hệ thống tên lửa có sẵn để triển khai gần sát biên giới Nga và Trung Quốc trên những căn cứ quân sự thuộc quyền kiểm soát của mình và hình thành mối đe dọa mới đối với các cường quốc hạt nhân. Tất nhiên không bao giờ Mỹ dám tấn công Nga và Trung Quốc, vì điều đó sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

Trong tình huống này, Nga và Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn và đẩy mạnh phát triển các tên lửa tầm trung nhằm vào các quốc gia đồng minh của Washington. Nhà Trắng sẽ thúc đẩy các biện pháp liên quan đến an ninh, chống tên lửa và tên lửa tầm trung, tầm gần. Trong tình huống này, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ buộc các quốc gia đồng minh phải trả thêm tiền để được Mỹ bảo vệ. Hơn thế nữa, các tập đoàn vũ khí sẽ có được lợi nhuận từ các hợp đồng cung cấp vũ khí, trang bị phòng không, được triển khai khi có những lời kêu gọi bảo vệ nước Mỹ và đồng minh trước đe dọa từ Nga và Trung Quốc, điều mà Nhà Trắng vẫn làm thường xuyên.

Những lý do trên khiến việc Mỹ rút khỏi INF là một việc làm hiển nhiên, rõ ràng từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và đó chỉ còn là vấn đề thời gian.