Mỹ công bố thương vụ vũ khí 4,2 tỷ USD cho Nhật, Hàn, Hungary, Lithuania và Đan Mạch

VietTimes -- Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/8 đã công bố các thương vụ bán vũ khí có tổng giá trị 4,2 tỷ USD cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Lithuania và Đan Mạch.
Mẫu tên lửa không-đối-không AIM-120 do Mỹ chế tạo (Ảnh: Defense News)
Mẫu tên lửa không-đối-không AIM-120 do Mỹ chế tạo (Ảnh: Defense News)

Các thương vụ vũ khí trên - được công bố trên website của Cơ quan Hợp tác Quốc phòng của Bộ Ngoại giao Mỹ - sẽ nâng tổng giá trị các thương vụ bán vũ khí ra nước ngoài của Mỹ lên 51,9 tỷ USD, khi chỉ còn 5 tuần lễ nữa là bước sang năm tài khóa 2020.

Thương vụ lớn nhất trong số này đến từ Nhật Bản, nước đặt mua 73 tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA, với tổng giá trị 3,295 tỷ USD. Đây là lần thứ ba mà Nhật Bản mua tên lửa SM-3 của Mỹ trong năm tài khóa 2019, tiếp nối thương vụ hồi tháng 11 năm ngoái (trị giá 561 triệu USD) và tháng 4 năm ngoái (trị giá 1,15 tỷ USD). Block IIA là sản phẩm từ sự hợp tác phát triển của Nhật và Mỹ, trong đó tập đoàn Mitsubishi của Nhật chịu trách nhiệm chế tạo một số bộ phận của tên lửa này.

Hungary cũng đang đặt hàng mua 180 tên lửa không-đối-không tầm trung AIM-120C-7 với giá 500 triệu USD từ phía Mỹ. Nhà thầu chính của thương vụ này là hãng Raytheon. Đây cũng là thương vụ tên lửa AIM-120 thứ ba mà Mỹ công bố trong năm tài khóa 2019, tiếp nối 2 đợt chuyển mẫu tên lửa này cho Nhật Bản trước đây. Các tên lửa này dự kiến sẽ được trang bị cho các chiến đấu cơ Gripen của Hungary.

Ngoài ra, Đan Mạch cũng muốn chi 200 triệu USD để mua 9 hệ thống sống âm tần số thấp trên không (ALFS) AN/AQS-22 và 600 phao âm (để phát hiện tàu ngầm) AN/SSQ-36/53/62 để cải thiện khả năng chống ngầm của quân đội. Tuyên bố về thương vụ xuất hiện chỉ vài tháng sau khi Lầu Năm Góc bắt đầu tìm cách tăng sản lượng phao âm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở cả trong nước và các lực lượng đồng minh.

Lithuania cũng có đơn hàng mua 500 xe thiết giáp hạng nhẹ (JLTV) cùng các trang thiết bị, với giá khoảng 170,8 triệu USD. Nhà thầu chính sẽ là Oshkosh Defense.

Cuối cùng, Hàn Quốc cũng có kế hoạch mua 31 ngư lôi hạng nhẹ MK 54 của Mỹ với giá ước tính 72 triệu USD. Raytheon sẽ là nhà thầu chính của thương vụ này. Số ngư lôi trên dự kiến sẽ được trang bị cho các máy bay săn ngầm P-8 của Hàn Quốc.

Trong số các thương vụ trên thì thương vụ của Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là nhạy cảm nhất, bởi nó được công bố trong lúc mà quan hệ quân sự giữa hai nước đang trở nên căng thẳng. Tất cả các thương vụ trên cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn trước khi bước vào vòng đàm phán hợp đồng - trong đó số lượng vũ khí và giá cả có thể thay đổi.

Theo Defense News