Mỹ có thể bán và chuyển nhượng công nghệ THAAD cho Nhật Bản?

VietTimes -- Nhật Bản có thể bố trí kinh phí mua sắm THAAD trong giai đoạn 2019 - 2023, có thể được Mỹ chuyển nhượng công nghệ vì thời nay đã khác và Mỹ cũng cần gấp muốn Nhật Bản tăng chi phí "bảo hộ".
Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Mỹ, được Mỹ cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm an ninh của Nhật Bản. Ảnh: Washington Times
Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm Mỹ, được Mỹ cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm an ninh của Nhật Bản. Ảnh: Washington Times

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 22 tháng 2 dẫn báo chí Nhật Bản cho hay sau khi thăm Mỹ trở về, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu cân nhắc chính thức thảo luận "chi vài trăm tỷ Yên" nhập khẩu hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) khi xây dựng "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" giai đoạn 2019 - 2023.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng Nhật Bản có nhập khẩu hệ thống THAAD hay không thì phải nhìn vào ý đồ của Mỹ. Đối với Nhật Bản, nhập khẩu THAAD là cơ hội nhận được công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo. Đối với Mỹ, điều này có thể làm cho Nhật Bản tăng "chi phí bảo hộ".

Sắp tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về việc nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới. Nếu tiến triển thuận lợi, sẽ bố trí kinh phí mua sắm trong "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" tiếp theo.

Trước đó, Nhật Bản còn phao tin cho biết họ có ý định nhập khẩu hệ thống THAAD, có ý định hỗ trợ cho mạng lưới phòng thủ tên lửa THAAD được Mỹ xây dựng ở châu Á - Thái Bình Dương với các cơ sở như Guam, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngày 13 tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada đã đến thăm quan hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ triển khai ở căn cứ Anderson, Guam.

Sau khảo sát, bà Tomomi Inada cho biết Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nhập khẩu hệ thống THAAD, nhưng cũng là "một phương án lựa chọn" để cân nhắc trong tương lai.

Chuyên gia Doãn Trác cho rằng Nhật Bản có nhập khẩu hệ thống THAAD hay không còn phải xem ý đồ của Mỹ. Nhật Bản chỉ là một khách hàng, còn người bán (Mỹ) có bán hay không thì đây vẫn là một ẩn số.

Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Sina.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Sina.

Theo Doãn Trác, ngay từ đầu thế kỷ này, Nhật Bản đã chính thức đề xuất với Mỹ mong muốn nhập khẩu hệ thống THAAD, nhưng khi đó Mỹ đã không đồng ý. THAAD là một loại vũ khí phòng thủ đoạn cuối cao cấp, có hàm lượng công nghệ cao hơn nhiều so với các tên lửa Patriot-2 và Patriot-3.

Hơn nữa, đầu đạn đánh chặn đoạn cuối của THAAD cũng rất tiên tiến, đã bao hàm rất nhiều công nghệ lõi mà Mỹ hoàn toàn không muốn chuyển nhượng cho Nhật Bản.

Doãn Trác còn cho rằng lần này Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục đề xuất nhập khẩu THAAD và Mỹ thực sự có thể cân nhắc bán. Bởi vì, hiện nay Mỹ cần gấp Nhật Bản tăng "phí bảo hộ", nhưng Nhật Bản sẽ rất khó làm được, chỉ có thể thông qua phương thức mua sắm nhiều trang bị hơn để thực hiện.

Mặc dù trước đây Mỹ vẫn "giữ miếng" về công nghệ đối với Nhật Bản, nhưng 10 năm đã qua, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ cởi mở với Nhật Bản một phần công nghệ, cuối cùng cho phép Nhật Bản nhập khẩu THAAD.

Được biết, hệ thống THAAD sắp triển khai ở Hàn Quốc sẽ hoàn toàn do Mỹ điều khiển, Hàn Quốc chỉ cung cấp địa điểm. Nhưng, Nhật Bản hy vọng hoàn toàn nhập khẩu công nghệ này, do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tự điều khiển.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng các nước xung quanh và có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản đều có khả năng tên lửa đạn đạo mạnh hơn Nhật Bản, cho nên Nhật Bản rất muốn có được dự trữ công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong khi đó việc nhập khẩu THAAD chắc chắn la một cơ hội mang tính "đột phá" của Nhật Bản.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3 hiện có của Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot-3 hiện có của Nhật Bản (ảnh tư liệu)