Mỹ có "tha" cho các công ty công nghệ Trung Quốc khi đạt được thỏa thuận thương mại?

VietTimes – Các chuyên gia phân tích cho rằng việc chính quyền Trump gây áp lực với các công ty công nghệ Trung Quốc là do những lo ngại về an ninh quốc gia, về mối đe dọa cạnh tranh với các công ty Mỹ và nó cũng là quân cờ trong các cuộc đàm phán thương mại.

Mỹ đang gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc và đó có thể là một chiến lược dài hạn ngay cả khi Mỹ - Trung đạt được một thỏa thuận thương mại – một chuyên gia về kinh tế nhận định khi trả lời phỏng vấn CNBC.

TikTok là công ty mới nhất của Trung Quốc lọt vào “tầm ngắm” của chính phủ Mỹ.

Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) – cơ quan điều tiết chính sách thương mại của Mỹ – đã liên hệ với công ty mẹ của TikTok là Bytedance vì lo ngại rằng việc công ty này mua lại Music.ly năm 2017 có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ.

Một chuyên gia nói với CNBC rằng sự quan tâm của chính quyền Tổng thống Trump với những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc là do những lo ngại về an ninh quốc gia, về sự cạnh tranh với các công ty Mỹ, cũng như đó là một quân cờ để đàm phán thương mại. Nhưng ngay cả khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận, “số phận” của các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn không rõ ràng.    

Đầu năm nay, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei đã bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Huawei bị hạn chế tiếp cận công nghệ của các công ty Mỹ. Washington giữ quan điểm rằng Huawei là một nguy cơ cho an ninh quốc gia vì thiết bị mạng của họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách thuyết phục các quốc gia khác không ký hợp đồng với Huawei khi xây dựng mạng 5G. Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc của Mỹ.

Washington cũng đã ép Đài Loan để nước này yêu cầu công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC không bán chip cho Huawei, theo một nguồn tin được Financial Times đăng tải hôm thứ Hai (4/11). Tuy nhiên, người phát ngôn của TSMC nói với CNBC rằng công ty này không nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ chính phủ Hoa Kỳ hoặc Đài Loan để dừng bán chip cho Huawei.

Tháng trước, Washington đã mở rộng thêm bản danh sách đen của mình, bổ sung một số công ty sản xuất thiết bị giám sát của Trung Quốc trong đó có Hikvision.

QUÂN CỜ TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI?

Cuộc chiến thương mại của Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nổ ra và công nghệ đã trở thành một phần quan trọng trong đó. Các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ đang được thảo luận trong các cuộc đàm phán. Các chuyên gia nhận thấy rằng chính quyền Trump sẵn sàng có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa khi họ nhận thấy việc trừng phạt Huawei sẽ là cách để làm chậm quá trình công nghệ Trung Quốc xâm chiếm thế giới.

Một số người cũng cho rằng Huawei có thể được sử dụng như một quân cờ để đảm bảo một thỏa thuận thương mại có lợi cho phía Mỹ.

“Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump đã có những bước đi cho chúng ta thấy ông ấy sẵn sàng sử dụng những biện pháp phi truyền thống để chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc”, nhà phân tích Dan Wang thuộc hãng nghiên cứu Gavekal nói với CNBC.

Trung Quốc và Mỹ đang tiến tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại Giai đoạn một. Những động thái chống lại công nghệ Trung Quốc là một phần của trò chơi dài hạn, ngay cả khi cuộc chiến thương mại kết thúc.

“Những lo ngại về công nghệ Trung Quốc – từ quan điểm an ninh quốc gia, nhân quyền và cạnh tranh công nghệ – sẽ tiếp tục diễn ra cho dù hai bên đạt được thỏa thuận thương mại. Sự leo thang dường như là một phần của áp lực kéo dài đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ”, ông Adam Segal, hãng bảo mật Ira A. Lipman nói với CNBC.

MỐI ĐE DỌA CẠNH TRANH

Các chuyên gia nói với CNBC rằng mối đe dọa cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc đối với các tập đoàn Mỹ cũng có thể là một lý do đằng sau áp lực gia tăng gần đây của Washington.

“Mỹ lo ngại khả năng bị Trung Quốc vượt qua trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Câu chuyện Huawei/5G ngày nay cần được đặt vào bối cảnh ngày Liên Xô phóng vệ tinh Spunik, cái ngày mà Mỹ nhận ra rằng họ đã tụt lại phía sau”, Nigel Inkster, cố vấn cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, nói với CNBC.

Trở lại với ứng dụng mạng xã hội TikTok. Nó đang phải đối mặt với những chỉ trích rằng các nội dung nhạy cảm khi đưa lên TikTok sẽ bị Bắc Kinh kiểm duyệt, cũng như những lo ngại về việc thu thập dữ liệu người dùng.

Đằng sau sức ép của Mỹ với TikTok chính là lá chắn để Facebook và Snapchat tránh khỏi sự cạnh tranh mà TikTok tạo ra.

“Chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đang có những công ty công nghệ phát triển một cách ấn tượng tại Mỹ và các nước phương Tây”, ông Neil Campling, Giám đốc nghiên cứu mảng Công nghệ và Truyền thông của hãng Mirabaud Securities nói với CNBC.

Ông Campling cũng nhấn mạnh rằng Huawei đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông số một thế giới, trong khi Hikvision là công ty sản xuất thiết bị giám sát hàng đầu, TikTok thì có lượt tải xuống kỷ lục. Hai công ty đầu tiên đã bị “cấm vận”, và bây giờ thì TikTok đang trong tầm ngắm. “Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên?” – Campling nói.