Mỹ chuẩn bị giáng đòn trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ

VietTimes - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng tay đối với Thổ Nhĩ Kỳ do động thái tấn công vào miền Bắc Syria mới đây của Ankara, bất chấp những lời đe dọa và cấm vận từ các nước phương Tây.
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ dùng biện pháp trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ dùng biện pháp trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này sẽ chỉ sử dụng các đòn trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ thay vì tấn công vũ trang. Do đó, Mỹ sẽ không bao giờ đưa quân đội vào ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ cũng như để bảo vệ lực lượng đồng minh người Kurd ở Syria.

Vào ngày 13/10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cũng đã ra lệnh yêu cầu Lầu Năm Góc rút toàn bộ quân đội khỏi miền bắc Syria để tránh những thiệt hại xấu có thể xảy ra.

Hiện tại, ông Trump đang lắng nghe các ý kiến từ Quốc hội Mỹ, nơi 2 đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đang thảo luận và lên kế hoạch chi tiết về các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày 13/10, ông Trump viết trên Twitter: "Bộ Tài chính đã sẵn sàng, còn một số vấn đề pháp lý cần phải bổ sung nhưng tất cả đang có sự đồng thuận lớn về vấn đề này. Hãy theo dõi!". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định Mỹ đã sẵn sàng để khởi động các lệnh trừng phạt bất kỳ lúc nào nhằm "xóa sổ" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters, động thái trừng phạt khẩn cấp này của ông Trump cũng nhằm dập tắt những trỉ trích gay gắt nhắm vào vị Tống thống 73 tuổi này. Nhiều thành viên của đảng Cộng Hòa cho rằng việc quyết định rút một số lượng nhỏ quân đội Hoa Kỳ ra khỏi khu vực biên giới Syria vào cuối tuần qua của ông Trump tạo điều kiện thuận lợi cho Ankara tấn công vào người Kurd khi lực lượng này đã không còn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Mỹ.

Cuộc tấn công mới đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm mục đích vô hiệu hóa lực lượng dân quân YPG người Kurd, thành phần chính của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và được Ankara coi là một nhóm khủng bố liên kết với phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, SDF cũng là đồng minh chủ chốt của Washington, trong cuộc chiến đã triệt hạ Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Quyết định trừng phạt đánh vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thay vì tấn công quân đội của ông Trump bắt nguồn từ mục tiêu đã được tuyên bố từ lâu của ông là đưa Hoa Kỳ ra khỏi những cuộc chiến vô nghĩa không hồi kết. Bên cạnh việc áp đặt các lệnh trừng phạt - công cụ răn đe mạnh mẽ nhất, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng đang cân nhắc về việc ban hành lệnh cấm bán vũ khí và đe dọa truy tố tội phạm chiến tranh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp trả những thông tin về việc Mỹ sẽ ban hành lệnh trực phạt kinh tế, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ hành động cũng như quốc gia bên ngoài nào ngăn cản nỗ lực chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, vào năm ngoái chính quyền của Tổng thống Erdogan đã miễn cưỡng phải trao trả lại một mục sư người Mỹ bị xét xử vì tội khủng bố sau các lệnh trừng phạt về thuế quan của Mỹ.

Theo nguồn tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc tấn công quốc gia này bước đầu đã giành thắng lợi. Quân đội của công Erdogan đã tiến vào và kiểm soát trung tâm Ras al-Ayn, một thị trấn chiến lược của người Kurd ở đông bắc Syria. Đây cũng là thắng lợi lớn đầu tiên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi tấn công các nhóm người Kurd ở Syria. Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giành quyền kiểm soát các thị trấn chiến lược Ras al-Ayn và Tal Abyad từ tay lực lượng người Kurd.

Trong khi đó, lực lượng người Kurd xác nhận, quân đội Syria sẽ triển khai dọc theo chiều dài biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận mới nhất mà chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al Assad và người Kurd đã đạt được nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters