Cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đã tiến hành chiến lược trường kỳ, quy mô lớn nhằm mục đích bá quyền khu vực, Bắc Kinh nhận thấy cần thiết phải kiểm soát được các đảo và quần đảo trên Biển Đông để đảm bảo an ninh cho cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của quốc gia này.
Từ lâu, Trung Quốc đã cố tạo ra những tranh chấp với các quốc gia ven Biển Đông về quyền kiểm soát các đảo và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Nhưng vấn đề làm gia tăng thêm căng thẳng là tầm vóc và tốc độ của chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên quy mô lớn của Bắc Kinh.
Năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố chiến lược tái cân bằng tập trung lực lượng vào khu vực Thái Bình Dương, có thể điều này đã khởi động một giai đoạn mới cho cuộc tấn công địa chính trị giành lại vị thế dẫn đầu của Mỹ trong khu vực. Từ đầu thế kỷ 21, Mỹ bị cuốn vào các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan, điều đó khiến Trung Quốc rảnh tay hành động ở châu Á. Cùng với chiến lược xoay trục của ông Obama, tình hình đã thay đổi rõ rệt.
Đề thực hiện chiến lược thống trị các biển gần, Trung Quốc lên kế hoạch phải có những đảo nổi và vùng nước xung quanh đảo trên Biển Đông. Thực hiện những thay đổi địa chính trị này, Bắc Kinh quyết liệt bồi đắp 7 hòn đảo nhân tạo từ các đảo chìm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa, mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng trên những đảo Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tăng cường lực lượng kiểm soát nhằm chiếm giữ bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Năm 2012, Trung Quốc tiến hành mở rộng diện tích cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm thực hiện quyền kiểm soát hành chính phi pháp đối với các hoạt động trên Biển Đông, củng cố yêu sách vô căn cứ cho rằng các đảo này là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Quan trọng hơn, cơ sở hạ tầng được xây dựng, bao gồm cả đường băng quân sự mà từ đây các lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể tiến hành các hoạt động tuần tra trong khu vực và không phận Biển Đông, củng cố những tuyên bố chủ quyền phi pháp trong lĩnh vực kinh tế và hành chính cùng với sự hiện diện lực lượng quân sự ngày một gia tăng.
Đối với Mỹ, Thái Bình Dương và Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế, quân sự, lợi ích quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ hội nhập sâu hơn nền kinh tế Mỹ với châu Á.
Trên thực tế, Trung Quốc được chia sẻ một phần nguồn lợi nhuận khổng lồ trên Biển Đông với khoảng 60% vận tải thương mại của đại lục đi qua khu vực này. Ý đồ bá quyền khu vực khiến các nước có lợi ích thương mại trên Biển Đông quan ngại.
Trong bối cảnh những biến đổi quan hệ quốc tế, Bắc Kinh có thể sử dụng chính sách kinh tế như một lệnh áp đặt trừng phạt làm gián đoạn dòng chảy thương mại, dễ dàng làm tê liệt các thị trường kinh tế mới nổi. Các nước nhỏ có thể ngày càng cảm thấy bị bó hẹp sự vận động tự do trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Hội nhập kinh tế chặt chẽ có thể khiến cho nguy cơ xung đột giảm thiểu đáng kể, nhất là khi nền kinh tế, chính trị Trung Quốc tích hợp chặt chẽ hơn với nền kinh tế chính trị toàn cầu, nhưng tới một điểm nào đó quan điểm của Trung Quốc sẽ trở thành lợi ích được kiểm soát. Vào thời điểm đó, tiến tới mục đích thống trị khu vực sẽ ít rủi ro hơn đối với Bắc Kinh khi các đối tác tin cậy của Mỹ rơi vào vùng ảnh hưởng kinh tế chính trị của Trung Quốc.
Trung Quốc đã chống lại TPP bằng cách đưa ra tầm nhìn kinh tế của riêng mình, đề xuất Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) tại Bắc Kinh.
Mỹ phản đối cả FTAAP lẫn AIIB, nhưng trên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã có những tín hiệu ủng hộ thận trọng, khuyến khích các cuộc thảo luận về vấn đề FTAAP sẽ củng cố tăng cường hay xung đột với các Hiệp định Thương mai tự do (FTA) khác trong khu vực. Một số đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc và Úc đã mạnh dạn ký Hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của các quốc gia này.
Mỹ phản ứng theo cách từng được chứng minh đã thành công trong quá khứ - bằng sức mạnh quân sự của siêu cường, Washington đã có được bản dự thảo thỏa thuận mà theo đó duy trì vị thế dẫn đầu về năng lực và sự hiện diện quân sự.
Hải quân Mỹ cũng cam kết đưa phần lớn lực lượng đến Thái Bình Dương với kế hoạch tăng cường sức mạnh bằng việc tăng cường thêm một cụm tàu sân bay tấn công chủ lực và 10 tàu tác chiến ven biển (Littoral Combat Ship) thế hệ mới.
Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ cũng có được cơ cấu đóng quân mới ở Úc, ngay cả khi lực lượng bắt đầu quá trình chuyển đổi vị trí đóng quân từ Okinawa đến Guam. Không chịu thua kém, quân đội Mỹ phát triển kế hoạch "Con đường Thái Bình Dương" với ý tưởng duy trì một lực lượng đặc nhiệm trang bị đầy đủ di chuyển vị trí đóng quân giữa các quốc gia ba tháng một lần - bất chấp sự tiêu hao cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật quân sự, nhiều buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ đã tuyên bố là có "điểm đột phá".
Bộ tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương Mỹ cũng tuyên bố rằng sẽ triển khai các nhân tố dân sự hỗ trợ quân sự và các Đội hỗ trợ thông tin quân sự, tức là những đội hoạt động đặc biệt trong các đại sứ quán Mỹ, cũng như triển khai lực lượng đặc biệt thực hiện sứ mệnh tư vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh của các quốc gia đối tác và đồng minh.
Bằng chứng cụ thể nhất về quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì sự thống trị trên Thái Bình Dương là sáng kiến đưa đến các vị trí đóng quân ở châu Á nhiều trang thiết bị hơn. Được sử dụng lâu dài tại Hàn Quốc và Nhật Bản như một lực lượng răn đe với Triều Tiên, quân đội Mỹ đã triển khai trước vào vị trí “hậu cứ tiền duyên” vật tư, vũ khí trang bị để có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu khi triển khai lực lượng.
Phải mất nhiều thời gian để cơ động di chuyển một lữ đoàn và các đơn vị từ Mỹ, trong khi đó lực lượng tác chiến có thể được nhận trang thiết bị đã sẵn sàng chỉ cách hàng trăm chứ không phải hàng ngàn dặm đến các vị trí cần thiết có vũ khí trang bị, cơ sở vật chất với thời gian ít hơn nhiều.
Theo giới quan sát những cơ sở này bề ngoài được cho rằng trang thiết bị chỉ được sử dụng giới hạn trong các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo, mặc dù có rất ít sự tham gia của quân đội trong các sự cố thiên tai thảm họa ở châu Á. Một số kế hoạch đã có hướng đưa các lữ đoàn vũ khí trang bị hạng nặng như xe tăng và pháo binh đến vị trí “hậu cứ tiền duyên”.
Những cơ sở bảo đảm hậu cần, đạn dược, trang thiết bị đang được xem xét triển khai ở Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Bangladesh. Ngoài việc giảm thời gian phản ứng, hoạt động triển khai hậu cứ tiền duyên giúp củng cố thêm mối quan hệ đảm bảo an ninh vững chắc trong khu vực.
Các thỏa thuận an ninh mới của Mỹ với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam có mục đích khẳng định sự cam kết vững chắc của Mỹ đối với sứ mệnh đảm bảo an ninh, ổn định trong khu vực. Cả ba nước này đang chịu tác động tiêu cực từ những động thái chiến lược mang tính khiêu khích của Trung Quốc.
(Còn tiếp)
TTB