Mỹ cắt 2 tỷ USD viện trợ, Pakistan quay sang Trung Quốc, Nga

VietTimes -- Một cựu phi công Pakistan cho rằng Mỹ đang triển khai chiến lược trong khu vực nhằm đối phó với Trung Quốc, chứ không phải là đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Pakistan sẽ ngả về phía Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Forbes.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Forbes.

Gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Pakistan trở nên căng thẳng, nguyên nhân chính là Mỹ không còn coi trọng Pakistan trong chiến lược Nam Á mới, hơn nữa còn chỉ trích mạnh mẽ Pakistan không hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ chỉ trích Pakistan vẫn giúp đỡ các phần tử Taliban.

Tuy nhiên, theo giới phân tích phương Tây, Tổng thống Mỹ phê phán các nước, trong đó có Pakistan có một phần là để làm dịu thái độ trong nội bộ Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng từng đưa ra những lời "đe dọa" đối với NATO, Liên Hợp quốc và Nhật Bản. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn cắt khoản viện trợ quân sự khoảng 2 tỷ USD cho Pakistan.

Những năm gần đây, hoạt động viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Pakistan từng bước giảm xuống. Nếu Mỹ chấm dứt viện trợ cho Pakistan, Pakistan sẽ chuyển sang tìm kiếm viện trợ từ Trung Quốc hoặc Nga.

Theo tờ The Financial Times Anh ngày 12/1, Pakistan đã chấm dứt chia sẻ các tin tức tình báo quan trọng với Mỹ. Quan chức Pakistan cho hay Pakistan sẽ không tiếp tục chia sẻ với Mỹ về những tin tức tình báo đến từ những người bản địa ở khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Điều này buộc Mỹ phải dựa vào trinh sát trên không và thông tin chặn thu được.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan ngày 9/1 cho biết một phần hành động chia sẻ tình báo với Mỹ sẽ chấm dứt. Nhưng điều hiện còn chưa rõ là sẽ chấm dứt những hành động cụ thể nào. Báo chí Ấn Độ cho rằng phát biểu này đã cho thấy quan hệ Mỹ - Pakistan đã đi xuống đến mức thấp nhất mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan. Ảnh: India Today.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan. Ảnh: India Today.

Ông Khurram Dastgir Khan cho hay Pakistan vẫn đang cân nhắc các phương án cấp tiến hơn - không để Mỹ lấy Pakistan làm tuyến đường trên bộ để tiến vào Afghanistan. Một phương án lựa chọn khác sẽ là tăng chi phí khi Mỹ lấy Pakistan làm "con đường", từ đó bù lại khoản viện trợ quân sự đã mất.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho biết, những năm gần đây họ đã mở ra được những tuyến đường cung cấp thay thế không dựa vào Pakistan, nhưng thừa nhận những tuyến đường này không thuận lợi lắm.

Một quan chức ngoại giao cho hay Mỹ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về chấm dứt hợp tác của phía Pakistan. Nhưng để phản hồi sự lo ngại Pakistan có thể hạn chế chia sẻ tình báo sau khi viện trợ quân sự bị cắt đứt, một số thành viên trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hành động này không nhất thiết mang tính lâu dài.

Một hậu quả từ việc Mỹ cắt đứt viện trợ quân sự có lẽ là thúc đẩy Pakistan xích lại gần hơn với Trung Quốc. Vừa qua, quan chức cấp cao Pakistan cho biết Trung Quốc "đáng tin cậy", là "người bạn đã trải qua nhiều thử thách". Nhà lãnh đạo quân đội Pakistan cho biết họ đang cân nhắc mua sắm máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Pakistan nói: "Trong nhiều năm, người Mỹ luôn quy sự thất bại trong cuộc chiến tranh Afghanistan của họ cho chúng tôi. Nếu chúng tôi không tìm cách đa dạng hóa nguồn cung trang bị quân sự thì chúng tôi sẽ trở thành kẻ ngốc lớn nhất".

Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif gần đây cho biết trọng điểm của Pakistan là phải tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và Nga, dựa vào Mỹ là một nhận thức sai lầm. Có tin trong giới ngoại giao Islamabad cho hay Pakistan cũng không hài lòng với kế hoạch tấn công đồng bộ đối với Taliban của Mỹ ở Afghanistan.

Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif. Ảnh: The Express Tribune.
Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif. Ảnh: The Express Tribune.

Theo nhà phân tích Kaiser Tufail, cựu phi công không quân Pakistan, thực ra, Mỹ triển khai các hành động hiện nay là để đối phó với Trung Quốc chứ không phải đối phó chủ nghĩa khủng bố. Ở khu vực này, Mỹ cho rằng họ đã gặp khó khăn trong việc đóng quân lâu dài ở Afghanistan để đối phó với vai trò ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Kaiser Tufail cho rằng Mỹ muốn Pakistan phản đối tất cả các thế lực chính trị ở Afghanistan muốn quân đội Mỹ rút khỏi nước này. Những thế lực này bị Mỹ gọi là phần tử khủng bố, còn Pakistan bị Mỹ chỉ trích là ủng hộ những thế lực này.

Về căn bản, Washington muốn Islamabad ủng hộ những tổ chức ở Afghanistan được Mỹ ủng hộ.

Theo tờ Defence News Mỹ ngày 8/1, mặc dù quan hệ Mỹ - Pakistan luôn không ổn định, nhưng quân đội Pakistan sẽ không sẵn sàng với việc "làm suy yếu quan hệ quân sự với Mỹ, bởi vì họ đã nhiều năm được lợi từ mối quan hệ này".

Nhìn vào tình hình hiện nay, Mỹ sẽ khó có thể bàn giao các máy bay trực thăng vũ trang AH-1Z hoặc tàu hộ vệ hạng nhẹ cho Pakistan. Ngoài ra, Pakistan cũng sẽ buộc phải tìm cách có nguồn cung cấp động cơ thay thế của máy bay trực thăng vũ trang T129.