Mỹ cảnh cáo “sẽ có hậu quả” nếu Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

VietTimes -- Trung Quốc chịu sức ép lớn từ Mỹ và các cường quốc châu Á về việc phải kiềm chế các hành động của nước này ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hối thúc Bắc Kinh tham gia hợp tác khu vực hoặc chịu nguy cơ dựng “bức trường thành tự cô lập”, Reuteurs ngày 4/6 đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu tại Shangri-La 2016 sáng 4/6/2016 (ảnh Reuters).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu tại Shangri-La 2016 sáng 4/6/2016 (ảnh Reuters).

Báo cáo đáng chú ý của Reuters phản ánh về sự kiện Đối thoại an ninh Shangri-La 2016 đang diễn ra ở Singapore dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tuân thủ các nguyên tắc an ninh chung ở châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng tự tin khi nói rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ là siêu cường mạnh nhất thế giới đồng thời là người đảm bảo an ninh chính yếu ở khu vực châu Á trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Phát biểu tại Đối thoại an ninh Shangri-La 2016, ông Ash Carter nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ tiếp cận khu vực châu Á Thái Bình Dương với cam kết, sức mạnh và hoạch định rõ ràng.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng những căng thẳng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tìm các củng cố các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của mình bằng việc cố tình xây dựng đảo nhân tạo hay chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy đã khiến cho hòa bình của khu vực bị ảnh hưởng, thách thức.

Chính vì vậy, ông Ash Carter cho rằng cần thiết phải thúc đẩy những tuyên bố có tính chất xây dựng, thấu đáo, trong khi đó, các nhà lãnh đạo ở khu vực phải cùng nhau đảm bảo rằng châu Á Thái Bình Dương phải có được một tương lai quy củ, vận hành theo các nguyên tắc chung, tích cực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết Mỹ và các quốc gia châu Á đang thúc đẩy hợp tác an ninh để đảm bảo các quốc gia có thể tự lựa chọn, tránh xa cưỡng bức và dọa nạt.

"Mỹ sẽ vẫn là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới và là người đảm bảo an ninh cho khu vực châu Á trong nhiều thập kỷ nữa. Các mối quan hệ song phương của Mỹ đang phát triển chứng minh rằng các quốc gia trong khu vực được cam kết để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở khu vực".

Theo ông Carter, một số hành động có tính chất bành trướng và không mong đợi từ phía Trung Quốc chủ yếu là do Bắc Kinh đang hiện thực hóa các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền ở Viển Đông, điều này được Trung Quốc tiến hành ngay trên không gian mạng, trên không, trên biển và đã gây ra những quan ngại về ý định chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc thúc giục Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an ninh chung nếu không sẽ tự đối đầu với "Bức Vạn lý trường thành cô lập".

"Mỹ mong muốn sự trỗi dậy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc, nhưng phải là nước có trách nhiệm với hệ thống an ninh có nguyên tắc của khu vực. Chúng tôi biết rằng Trung Quốc cũng nhiều lần công khai nguyện vọng có trách nhiệm xây dựng khu vực thịnh vượng, an ninh và ổn định", ông Carter nói.

Ông Carter khuyến khích Trung Quốc tham gia vào một hệ thống nguyên tắc an ninh cho châu Á nhằm giúp trấn an những lo ngại về những ý đồ chiến lược của Bắc Kinh tiếp sau những hành động thái quá và chưa có tiền lệ ở Biển Đông.

Ông tuyên bố Mỹ sẽ vẫn là nhân tố chính yếu duy trì an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ sắp tới và cảnh cáo Trung Quốc về thái độ hung hăng. Bất cứ hành động bồi lấp, cải tạo đảo nào tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông cũng đều sẽ phải hứng chịu hậu quả, ông Carter khẳng định.

“Tôi hy vọng rằng việc này sẽ không diễn ra, vì nó sẽ dẫn tới hệ quả Mỹ và các nước khác trong khu vực buộc phải hành động, mà hậu quả không chỉ gia tăng căng thẳng mà còn cô lập Trung Quốc”, ông chủ Lầu Năm Góc nói.

Biển Đông đã trở thành điểm nóng giữa Mỹ, nước đã tập trung sang châu Á-Thái Bình Dương theo chiến lược “xoay trục” dưới thời Tổng thống Obama và Trung Quốc đang bành trướng chưa từng có sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự tại khu vực, Reuteurs nhận xét.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nêu rõ Biển Đông tiếp tục được quan sát với sự lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng nhấn mạnh Tokyo sẽ giúp các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh để đối phó với điều mà ông gọi là những hành động hăm dọa và nguy hiểm ở Biển Đông.

“Tại Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến việc bồi lấp, cải tạo đảo quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng vào mục đích quân sự. Không nước nào có thể là người ngoài cuộc trong vấn đề này”, Ông Nakatani tuyên bố nhưng không nêu đích danh Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter quả quyết Mỹ và nhiều nước châu Á đang tăng cường hợp tác an ninh để đảm bảo có thể có sự tự do chọn lựa chứ không phải đe dọa và bắt nạt.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter khi phát biểu tại Đối thoại thường niên Shangri-La 2016 cũng đã lại một lần nữa nhấn mạnh rằng việc Mỹ cải thiện, mở rộng, tăng cường với các quốc gia trong khu vực châu Á trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Australia là một phần quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama.