Ngày 5/4, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia thông báo hợp tác chế tạo và phát triển tên lửa siêu thanh như một phần của Hiệp ước liên minh an ninh AUKUS được công bố vào tháng 9 năm ngoái.
Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết:
"Trước hành động tấn công vô cớ, phi lý và bất hợp pháp của Nga vào Ukraine, chúng tôi nhắc lại cam kết kiên định của mình đối với một hệ thống quốc tế tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hôm nay chúng tôi cũng cam kết bắt đầu hợp tác 3 bên mới về siêu thanh và phản siêu thanh, khả năng tác chiến điện tử, cũng như mở rộng chia sẻ thông tin và hợp tác sâu sắc hơn về đổi mới quốc phòng".
Động thái này diễn ra ngay sau khi có báo cáo về việc quân đội Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh ở Ukraine và trong bối ảnh lo ngại bước tiến quân sự của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Được biết, tên lửa siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân, tốc độ đạt được nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, nhanh hơn cả tên lửa đạn đạo vì có quỹ đạo thấp trong khí quyển. Đặc biệt, tên lửa siêu thanh có thể điều khiển được.
Trước đây, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên đã từng phóng thử tên lửa siêu thanh. Một số nước như Pháp, Đức hay Nhật Bản, Iran... cũng đang nghiên cứu về công nghệ này.
Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (US Congressional Research Service), Nga hiện là quốc gia tiên tiến nhất trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard của Nga khi được bắn ra, có khả năng nhanh hơn 27 lần tốc độ âm thanh.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển công nghệ này. Tạp chí Financial Times khẳng định trong khi Mỹ mới phóng thử hàng chục tên lửa siêu thanh thì Trung Quốc đã tiến hành đến hàng trăm.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trả lời phỏng vấn từ Bloomberg Television, mô tả những vụ thử tên lửa của Trung Quốc là "sự kiện rất quan trọng của cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu thanh".