Hàng năm, cứ vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, cả ngành công nghiệp di động toàn cầu lại tụ hội về Barcelona để tham dự sự kiện lớn nhất trong năm.
MWC từng là bệ phóng của những bom tấn làng di động, từng là nơi các nhà sản xuất phô trương những gì tinh túy nhất của họ. Lịch sử MWC đã chứng kiến những sự khởi đầu, phát triển, thăng hoa và rồi cả lụi tàn của các "triều đại" trong thế giới thiết bị cầm tay.
Mọi thứ dần thay đổi theo thời gian, MWC vẫn còn đó nhưng cách nhìn của các nhà sản xuất đối với sự kiện này đã khác trước. Và để thích nghi, MWC cũng dường như đang tự làm mới chính mình.
Các sự kiện riêng lẻ của những hãng công nghệ dần xuất hiện nhiều hơn và diễn ra rải rác trong năm, những sản phẩm chủ chốt, có tính đột phá chưa chắc đã được trình diễn tại MWC.
Chẳng hạn như MWC 2017 lần này, những tên tuổi được kỳ vọng nhất trong năm, bao gồm iPhone thế hệ mới, Galaxy S8, phiên bản kế tiếp của Google Pixel... sẽ không xuất hiện. Thậm chí Samsung, nhà sản xuất smartphone Android hàng đầu thế giới, cũng không có kế hoạch ra mắt một smartphone cao cấp nào tại MWC.
Với những tên tuổi khác, ngoại trừ LG công bố model G6 cao cấp, BlackBerry mang đến một chiếc KeyOne được đánh giá ở phân khúc tầm trung, Nokia gây chú ý hơn cả với tin đồn về một "cục gạch", HTC hoàn toàn im hơi lặng tiếng, Sony sẽ có sự nâng cấp dòng Xperia. Phần còn lại đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, Lenovo...
LG G6 là sản phẩm cao cấp hiếm hoi của các nhà sản xuất danh tiếng có mặt tại MWC 2017. Ảnh:PhoneArena. |
Dường như ngày càng nhiều nhà sản xuất dành "át chủ bài" của mình cho sự kiện riêng, thời điểm mà cả thế giới dõi theo họ, thay vì đưa ra tại MWC 2017 với lịch trình dày đặc sản phẩm đến từ mọi phân khúc.
Vậy làm thế nào MWC lấp đi khoảng trống mà các model cao cấp bỏ lại và tiếp tục duy trì sức hút của mình?
Khi cuộc chiến trên thị trường di động cứ bao quanh việc chạy đua sức mạnh phần cứng, tăng RAM, thêm bộ nhớ, nâng cấp số chấm máy ảnh, thêm các loại bảo mật sinh trắc học... thì việc gom tất cả những smartphone cao cấp đến Barcelona và trưng bày la liệt cũng chưa phải là điều tốt nhất cho MWC.
Sự kiện này đã bắt đầu chuyển mình, tập trung vào những thứ lớn hơn, những xu hướng tác động đến mọi loại thiết bị, dù cho nó chạy trên nền tảng Android hay iOS, dù đến từ Samsung hay một nhà sản xuất vô danh nào đó của Trung Quốc.
Tại MWC 2016, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã để lại ấn tượng mạnh mẽ khi lướt qua khán đài một cách lặng lẽ, xuất hiện trên sân khấu trong sự ngỡ ngàng của hàng nghìn khán giả mà không một ai phát hiện ra. Ông đến để nói về thực tế ảo một cách vô cùng thực tế.
Mark Zuckerberg bước lên sân khấu tại MWC 2016. |
Chính minh họa sinh động của Mark Zuckerberg và bài nói chuyện của ông đã truyền cảm hứng và gây tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực thực tế ảo. Một loạt nhà sản xuất nhảy vào nghiên cứu, sản phẩm liên tiếp ra đời. Trong tương lai, lĩnh vực kinh doanh này sẽ còn tiếp tục phát triển và người ta sẽ còn nhắc đến dấu mốc quan trọng tại MWC 2016.
Năm nay, MWC 2017 sẽ chứng kiến sự xuất hiện của Tổng Giám đốc điều hành Netflix - Reed Hastings - với bài phát biểu vào thứ hai (theo giờ Tây Ban Nha). Ngày thứ ba, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, Ajit Pai sẽ đăng đàn để nói về công nghệ mạng 5G, một tương lai của kết nối di động toàn cầu.
Không có bất kỳ một sản phẩm cụ thể nào xuất hiện tại các sự kiện này nhưng nó lại hứa hẹn sự tác động sâu rộng đến ngành công nghiệp di động trong tương lai.
Có lẽ chúng ta nên dần thay đổi cách nhìn đối với MWC. Đại hội thế giới di động không chỉ dừng lại ở một cuộc triển lãm có nhiều thiết bị di động hơn CES. Đây là nơi khởi đầu cho xu hướng, cho công nghệ và cho tương lai của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị cầm tay. Ngoài những chiếc điện thoại, máy tính bảng, những thiết bị cụ thể, hữu hình, MWC còn là nơi để chúng ta nói về những điều lớn lao hơn, những thứ dành cho tất cả mọi thiết bị.
Theo Zing