Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam: Phải thể chế bằng luật pháp

Trong một phát biểu vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã bày tỏ mong muốn là tiếng Anh cần sớm trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam để thuận lợi cho hội nhập quốc tế. Xung quanh vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Trước hết, ông có bình luận gì về mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng để tiếng Anh sớm trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai ở Việt Nam?

Mong muốn đó thực ra cũng xuất phát từ một thái độ thiện chí thôi vì chúng ta phải hướng tới hội nhập quốc tế. Tiếng Anh hiện là một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất của thế giới nhưng để trở thành ngôn ngữ thứ hai với chúng ta thì lại là câu chuyện vì nó liên quan đến chính sách ngôn ngữ. Điều đó phải được đưa vào những văn bản mang tính pháp quy của nhà nước. Ngoài ngôn ngữ chính thức có thể sử dụng những ngôn ngữ khác trong những trường hợp tương đối đặc biệt.

Thí dụ ở nước Bỉ, hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp và tiếng Hà Lan vì đó là tiếng mẹ đẻ của hai cộng đồng dân cư của họ. Cùng với hai ngôn ngữ đó, nước Bỉ cũng sử dụng cả tiếng Anh nữa để dung hòa giữa hai ngôn ngữ nói trên. Điều này được thể chế thành luật ở nước Bỉ.

Còn với Việt Nam, tiếng Việt (Kinh) là ngôn ngữ chính thức và mọi người dân đều nói tiếng Việt, ngay cả người dân tộc. Còn với ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số, đó là bản ngữ của họ. Còn nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam thì người dân tộc lại phải biết thêm ngôn ngữ này và điều đó là khó khả thi.

Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì tôi nghĩ nhiều người không coi đó là việc lạ lắm và cũng không ai cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã quá "bốc đồng". Tuy nhiên, liệu đó có tính khả thi hay không thì lại là câu chuyện.

Việt Nam đang có dân số trên 90 triệu người và việc phổ cập tiếng Anh đến mức độ nào thì mới thực thi được việc đó. Hiện tại, số người học và tiếp cận được tiếng Anh của chúng ta cũng không có nhiều lắm đâu. Đội ngũ giáo viên, hệ thống giáo trình, môi trường sinh ngữ và nhiều yếu tố khác chưa đảm bảo cho chúng ta hướng tới khả năng phổ cập hóa tiếng Anh như Singapore, Ấn Độ, Nam Phi, Malaysia… vì họ có những tiền đề và điều kiện thuận lợi nhất định.

Tôi cũng xin đề cập đến một câu chuyện khác để so sánh với việc phổ cập tiếng Anh là cách mạng công nghiệp 4.0 thì thực chất chúng ta cũng chỉ đang hô hào còn mới chỉ đang hướng tới. Liệu Việt Nam có đủ điều kiện để hòa vào dòng chảy 4.0 hay không thì đó là rất khó vì còn rất nhiều trở ngại về nhận thức, trình độ…  Vì thế, mong muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai cũng chỉ là một ý tưởng thôi. Còn để trở thành hiện thực trong tương lai gần là hơi khó.

Học tiếng Anh đang là một trào lưu ở Việt Nam nhưng để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì phải mất hàng thế hệ.
Học tiếng Anh đang là một trào lưu ở Việt Nam nhưng để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì phải mất hàng thế hệ.

Để phổ cập hóa tiếng Anh, chúng ta phải đầu tư cho những vấn đề mang tính tiền đề. Với hàng chục triệu học sinh, sinh viên hiện nay, chúng ta cần một đội ngũ giáo viên tiếng Anh vô cùng lớn. Đã vậy, có một thực tế ở Việt Nam lại chưa có môi trường sinh ngữ tiếng Anh theo đúng nghĩa. Môi trường tiếng Anh của chúng ta mới chủ yếu là ở học đường  còn nếu ra ngoài xã hội hay các lĩnh vực chuyên môn thì còn rất hạn chế.

Tiếng Anh chuyên ngành và tiếng Anh giao tiếp khác nhau rất nhiều. Để sử dụng tiếng Anh chuyên ngành là cả một vấn đề không đơn giản. Đơn giải như việc dịch mục lục cho một tờ tạp chí khoa học chuyên ngành cũng không hề dễ. Nhiều người nói rất thạo tiếng Anh cũng chưa chắc làm tốt việc này. Không phải vì họ kém trình độ mà vì không hiểu biết các thuật ngữ chuyên môn. Vì thế, nguyện vọng là một chuyện nhưng nếu chúng ta không nhìn vào tính khả thi thì sẽ sa vào ảo tưởng.

Thực tế của một nước như Thái Lan chưa từng là thuộc địa của Anh nhưng họ đã sử dụng rất tốt tiếng Anh trong nhiều lĩnh vực. Qua kinh nghiệm của Thái Lan, theo ông thì chúng ta nên học tập như thế nào?

Đi ngược dòng lịch sử, có thể thấy Thái Lan có rất nhiều điều kiện. Họ khác chúng ta rất nhiều và vừa duy trì được độc lập, không bị đô hộ như các nước trong khu vực nhưng vẫn mở cửa, hội nhập với các nước phương Tây.

Trong suối cả thời kỳ Việt Nam còn chìm đắm trong hai cuộc chiến trành giành độc lập và thống nhất thì Thái Lan đã chủ động tiếp cận với thế giới. Họ đã có nhiều giao lưu kinh tế và văn hóa với phương Tây. Chính điều này đã giúp cho các ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh có cơ hội phát triển. Vì thế, cứ dần dần họ thực hiện được việc đưa tiếng Anh vào hệ thống nhà trường cùng các môi trường làm việc thực tế một cách bài bản và có hiệu quả.

Còn với Việt Nam chúng ta, có những thực tế khá lôm côm và không bài bản với không riêng ngoại ngữ. Ngay cả với học văn, học toán và nhiều môn khác ở các cấp học phổ thông cũng có nhiều vấn đề tồn tại. Chính những cái khó đã bó cái không cùng nhiều trở ngại trong giáo dục của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải từng bước gỡ thôi một cách bình tĩnh chứ không thể lên giọng hô hào để thay đổi nhanh chóng.  Điều này có khi phải mất nhiều thế hệ mới làm được và kể cả có đổ ra rất nhiều tiền cũng không dễ.

Cuối cùng, xin ông cho biết quan điểm của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho vấn đề này!

Như nhiều người đã biết, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cùng với các cơ quan nhà nước xúc tiến xây dựng Luật Ngôn ngữ. Trong số rất nhiều luật đang được xây dựng thì Luật Ngôn ngữ là rất cần thiết. Thực tế là rất nhiều nước đã có Luật Ngôn ngữ và đó là tiền đề để thực thi công cụ giao tiếp xã hội. Chính từ Luật Ngôn ngữ, chúng ta sẽ tính đến chuyện ngôn ngữ thứ hai. Ở nhiều nước, mọi công dân được quyền lựa chọn ngôn ngữ thứ hai cho riêng mình và không thể bắt buộc người dân phải lựa chọn, sử dụng một ngôn ngữ thứ hai như nhau.

Chúng ta chỉ có thể đặt vấn đề với người dân ở đô thị sử dụng ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh. Còn với các dân tộc thiểu số thì ngôn ngữ thứ hai chính là ngôn ngữ của chính họ. Còn sau đó, nếu họ thích tiếng Anh đó là quyền của họ. Những vấn đề này phải được thể chế bằng luật chứ không chỉ có chuyện thích mà được. Có Luật Ngôn ngữ, chúng ta mới bàn tiếp được các chính sách ngôn ngữ như thế nào cho phù hợp.

Xin cám ơn ông!