Muốn thể dục thể thao nước nhà phát triển thì Hội Khoa học Thể dục Thể thao cần làm gì?

VietTimes – Nền thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam muốn phát triển thì Khoa học Công nghệ (KHCN) là không thể thiếu và hết sức quan trọng. Vậy ngành TDTT đã và sẽ làm gì để ứng dụng KHCN trong đó có CNTT?. Nhân ngày TDTT Việt Nam 27/3/2020, Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Lê Quý Phượng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Chủ tịch Hội Khoa học TDTT Việt Nam đã có những tâm tư với bạn đọc VietTimes.
NGND GS TS Lê Quý Phượng tại Đại hội thành lập Hội Khoa học TDTT Việt Nam năm 2017. Ảnh: NVCC
NGND GS TS Lê Quý Phượng tại Đại hội thành lập Hội Khoa học TDTT Việt Nam năm 2017. Ảnh: NVCC

PV: Xin ông cho biết tổng quan về vai trò của KHCN trong các hoạt động TDTT?

ông Lê Quý Phượng: Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của KHCN trong mọi mặt đời sống xã hội nói chung và thể dục thể thao nói riêng là cực kỳ quan trọng. KHCN có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của ngành TDTT từ công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội đối với các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên các cấp, công tác huấn luyện và thi đấu TDTT, công tác truyền thông, tiếp thị, tài trợ TDTT…

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành TDTT đã triển khai nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp bộ, rất nhiều đề tài cấp bộ và cấp cơ sở, tiêu biểu như: “Chương trình quốc gia nâng cao tầm vóc, thể trạng người Việt Nam góp phần phát triển giống nòi và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, “Nghiên cứu sự phát triển thể chất của học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 12, thời điểm 2002 - 2014”, “Nghiên cứu xây dựng mô hình vận động viên cấp cao một số môn thể thao olympic hướng tới ASIAD và Olympic”…

Hiện nay, ngành TDTT đang triển khai các đề tài NCKH như: “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với phát triển TDTT ở Việt Nam hiện nay”, “Xây dựng quy chuẩn quốc gia cho các đối tượng sản phẩm hàng hóa TDTT”, “Đề án khảo sát thể chất người Việt Nam theo tiêu chí ASEAN”… Các kết quả NCKH từng bước được ứng dụng vào thực tiễn và đã mang lại những thành tựu nhất định. Thể thao Việt Nam đã có Huy chương vàng Olympic đầu tiên của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Thể thao Việt Nam vững vàng ở top đầu Đông Nam Á, Bóng đá nam và nữ của nước ta đã giành vị trí cao nhất trong khu vực ASEAN.

PV: Ông nghĩ gì về ứng dụng CNTT và tự động hóa trong hoạt động TDTT?

ông Lê Quý Phượng: Trong thời đại ngày nay, CNTT và tự động hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn TDTT nước nhà phát triển nhanh và bền vững, thì việc ứng dụng CNTT là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo tôi, việc ứng dụng CNTT cần triển khai ở tất cả mọi lĩnh vực từ Công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu, đo kiểm thành tích, dinh dưỡng, hồi phục cho vận động viên, công tác tuyển chọn và tập huấn vận động viên các đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội tuyển quốc gia, công tác truyền thông, công tác thể thao quần chúng, thể thao học đường, thể thao trong các lực lượng vũ trang…Ngành TDTT không được chậm trễ trong thời kỳ CNTT, Internet và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.

PV: Theo chúng tôi được biết, mặc dù Việt Nam đã thành công về ứng dụng CNTT cho SEA Games 22 nhưng suốt từ đó đến nay chưa có quy định bắt buộc về chuyện này với thể thao trong nước. Vậy, Hội Khoa học TDTT Việt Nam sẽ làm gì cho thực tế đang tồn tại này?

ông Lê Quý Phượng: Đây là một thực tế rất đáng quan tâm. Tuy nhiên để làm được điều này chúng ta cần nguồn lực rất lớn cả về kinh phí và đội ngũ cán bộ.

Hội Khoa học TDTT Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 4350/QĐ-BNV ngày 23/12/2016. Hội có chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ TDTT dưới các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và các hoạt động liên quan khác nhằm huy động tiềm năng của hội viên góp phần đem lại hiệu quả trong các hoạt động TDTT.

Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham gia giám sát độc lập đối với các đề án, dự án khi được yêu cầu, góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, các chương trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước về phát triển TDTT, phát triển KHCN trong TDTT theo quy định của pháp luật.

Trong một tương lai gần, ứng dụng CNTT sẽ là tiêu chuẩn bắt buộc để đo kiểm thành tích thi đấu
Trong một tương lai gần, ứng dụng CNTT sẽ là tiêu chuẩn bắt buộc để đo kiểm thành tích thi đấu

Do vậy, Hội Khoa học TDTT Việt Nam cùng với Trung tâm Thông tin TDTT sẽ tích cực tư vấn cho Lãnh đạo Ngành TDTT thấy rõ vai trò của ứng dụng CNTT và việc này từng bước phải trở thành quy định bắt buộc đối với các hoạt động thi đấu thể thao trong nước, trước hết ở các giải thể thao tầm cỡ quốc gia.

Xin cảm ơn ông!