|
Ảnh minh họa |
Một là, dự thảo Luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng có thể thấy, việc cân đối các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính. Việc xây dựng một nhà nước kiến tạo, nhà nước phụng sự, phục vụ người dân, doanh nghiệp như cải cách về luật pháp, thể chế, cải cách thủ tục hành chính, luôn hỗ trợ, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, là chỗ dựa tin cậy cho doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi họ "đem chuông đi đấm nước người" vẫn chưa thay thế được phương pháp tiếp cận mang nhiều tính chất trợ cấp, bảo hộ.
Ví dụ cụ thể như, việc Luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vẻ hợp lý, tuy vậy sau đó thì nhà nước lại phải hỗ trợ, ưu đãi cho các ngân hàng, bởi nếu không thì họ cũng không có nguồn lực ở đâu ra mà hỗ trợ DNNVV, bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Chính phủ sẽ phải quy định chi tiết các ưu đãi đó, có thể là các biện pháp như tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chiết khấu, tái cấp vốn; khoanh nợ và xử lý rủi ro; trích lập dự phòng.... Những quy định những ưu đãi như vậy rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong Luật Các tổ chức tín dụng.
Hay việc, trong bối cảnh nhiều loại quỹ hoạt động không hiệu quả lâu nay, việc dự thảo Luật cũng nêu ra việc lập một số quỹ như quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng cần được tính toán, đánh giá tác động, hiệu quả kỹ càng.
Hai là, Luật không thể có phân biệt đối xử với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn FDI, tuy vậy rõ ràng, việc xác định những ngành nghề, lĩnh vực mà Việt Nam hiện nay chưa cam kết đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện còn có rào cản kỹ thuật đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chúng ta lại chủ đích muốn hỗ trợ thì là việc nên làm. Nghĩa là việc hỗ trợ đúng đối tượng “yếu” là các doanh nghiệp trong nước, không ngại việc hỗ trợ chảy vào FDI vì hiện đã có rào cản kỹ thuật. Đến thời điểm các hàng rào kỹ thuật đó được bỏ đi mà các doanh nghiệp trong nước vẫn không lớn được thì cũng đành phải chấp nhận cuộc chơi, cạnh tranh sòng phẳng.
Ba là, ở một góc nhìn khác, việc Việt Nam muốn là một quốc gia có thế mạnh, cạnh tranh quốc gia thực sự ở lĩnh vực nào trong tương lai phụ thuộc vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, điều này có liên quan đến việc hoạch định, triển khai chính sách hỗ trợ có chủ đích dài hạn của quốc gia. Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu và thiếu mọi bề, chúng tôi đề nghị một số lĩnh vực đề nghị tập trung hỗ trợ như: áp dụng công nghiệp cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; phần mềm; du lịch và dịch vụ du lịch gắn với văn hoá truyền thống; dịch vụ du lịch - khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục và dịch vụ giáo dục… Điều 26 dự thảo Luật nêu hai nhóm ngành được hỗ trợ là chế biến nông, lâm, thủy sản và dệt may, da giày. Tuy vậy cơ sở của việc lựa chọn hai ngành này và lý do tại sao chỉ đưa hai ngành này vào trong luật cũng không rõ. Trong khi đó, một số nhóm ngành khác lại phải chờ Chính phủ điều chỉnh trong từng thời kỳ?
Việc xác định được đâu là các ngành, nghề lĩnh vực ưu tiên của quốc gia trong một giai đoạn nhất định là cực kỳ quan trọng, định hướng cho cả một quốc gia, đòi hỏi có tầm nhìn, xác định rõ cơ sở, lý do lựa chọn; điều này sẽ thống nhất tất cả các điều khoản hỗ trợ của Luật.
Bốn là, có thể do thời gian gấp gáp nên các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV nêu trong Luật chưa có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các DNNVV. Khi thiết kế các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV cần có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các DNNVV để vừa đảm bảo tính khả thi, vừa tuân thủ những cam kết trong các hiệp định FTA đã và sẽ ký nhằm tránh được các vụ kiện có thể có sau này.
Ví dụ, cần phải xem lại tính khả thi cũng như tính tuân thủ các cam kết của khoản 1, điều 16 dự thảo Luật nêu là: Cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV sản xuất, cung ứng.
Năm là, Luật cần thiết kế để tránh mâu thuẫn vì các bộ, ngành, nhất là các địa phương hiện nay đều có xu hướng tận thu từ doanh nghiệp; cần có con số cụ thể phục vụ cho việc hỗ trợ, ưu đãi được tính theo quy mô kinh tế địa phương để thấy được việc triển khai có ý nghĩa thật trong thực tế. Tránh tình trạng chỉ có mấy chính sách hỗ trợ rõ ràng như chính sách hỗ trợ về thuế thì bắt buộc các địa phương phải chấp hành, còn lại những chính sách khác ít phát huy tác dụng trong thực tế. Luật phải thiết kế sao để gắn quyền lợi và trách nhiệm của địa phương vào hiệu quả phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ: việc cấp ngân sách địa phương tỷ lệ thuận với: lượng hạ tầng giao thông và đất sạch phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập và hoạt động hiệu quả từ 3 năm trở lên, v.v…
Sáu là, về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (điều 5 Dự thảo): Nhất trí lấy tiêu chí doanh thu, tuy vậy để sát với thực tế thì nên chia doanh thu của các doanh nghiệp theo ba lĩnh vực ngành nghề (công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại và dịch vụ) theo các tỷ lệ khác nhau. Ví dụ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có thể để cao nhất với doanh thu 100 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại dịch vụ doanh thu 50 tỷ…
Bẩy là, về nghĩa vụ của doanh nghiệp (khoản 2, điều 7 dự thảo), đề nghị bỏ mục c “Hoạt động đúng quy định của pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội” vì đương nhiên doanh nghiệp nào cũng phải có nghĩa vụ này, thay vào đó là “Phải hoàn trả những hỗ trợ, ưu đãi đã được hưởng nếu vi phạm khoản a, mục 2 điều này”. Việc này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng vì như thế sẽ tránh được việc lợi dụng chính sách để được nhận hỗ trợ không đúng đối tượng, hoặc mãi muốn nhỏ, không muốn lớn.
Tám là, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ theo kiểu nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó mà phải là doanh nghiệp cần cái gì thì hỗ trợ cái đó. Để làm được điều đó thì những người xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ phải có mặt nhiều doanh nhân dày dạn kinh nghiệm (cả trong và ngoài nước), nhất là các chương trình như hỗ trợ chuẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, chương trình hội nhập… Nhiều chương trình hỗ trợ thất bại bởi những người đi hỗ trợ chưa từng kinh doanh bao giờ thì không hiểu được nghiệp kinh doanh, nó cũng giống người không biết bơi đi tư vấn cho người khác bơi. Điều này nói nên rằng, Hội đồng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia không nên có tổ chức giống như các cơ quan hành chính nhà nước, nặng về các quan chức các cấp mà trái lại, đó là nơi tập hợp của các chuyên gia, doanh nhân uy tín trong và ngoài nước được thuê để thực hiện công việc này. Rất hoan nghênh dự thảo Luật đã nhắc đến điều này, nhưng đề nghị rõ nét hơn, mạnh hơn.
Chín là, về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong dự thảo Luật. Một trong những yếu điểm "chết người" của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp là không có hoặc thiếu kinh nghiệm thương trường, thiếu hiểu biết pháp luật... nên rất cần phải được hỗ trợ một cách bài bản, thường xuyên, liên tục. Vì vậy cần nghiên cứu để bổ sung vào điều 37 dự thảo Luật một số bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án… Đồng thời, trong mọi trường hợp, việc thông tin, tuyên truyền cho sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất cần vai trò của báo chí, phát thanh, truyền hình, của công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử .v.v., vì vậy đề nghị bổ sung thêm Bộ Thông tin, truyền thông…
Mười là, chúng tôi tiếp tục đề nghị nghiên cứu thêm đối tượng là các hộ kinh doanh, từ tư cách pháp lý của loại hình này đến tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động, đất đai… Khi tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp 2014, đã có nhiều ý kiến đưa đối tượng kinh doanh này vào nhưng khi đó "hẹn" để đưa vào Luật khác (có thể là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), do đó lại được tiếp tục "tạm thời" quy định ở Nghị định (Nghị định 78/2015/NĐ-CP), tuy vậy đến dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì vẫn không thấy có mặt đối tượng kinh doanh có số lượng gấp đến 8 lần số lượng doanh nghiệp này.
Lê Xuân Hiền
Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh- Sở KH&ĐT Hải Dương
Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Theo Chính phủ