Mục tiêu “hai tên một đích” khi áp trần khuyến mãi cho thuê bao di động

VietTimes -- Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) đang làm tốt chức năng quản lý chuyên ngành, khi ban hành 2 thông tư quy định trần khuyến mãi thẻ cào và sàn cước liên mạng. Và về lợi ích kinh tế, 2 thông tư này đang giúp các ông lớn ngành viễn thông ổn định được lợi nhuận hơn trước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai thông tư cùng thời điểm

Ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành hai thông tư: Thông tư 47/2017/TT-BTTTT và Thông tư 48/2017/TT-BTTTT. Nếu vi phạm quy định này, doanh nghiệp viễn thông có thể bị phạt và truy thu thuế đối với các chương trình khuyến mại đó.

Theo đó, Thông tư 47 có hiệu lực từ ngày 1/3, quy định về trần khuyến mãi giá trị thẻ cào cho thuê bao trả trước không quá 20%, thuê bao trả sau không quá 50%.

Thông tư 48 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5, quy định giá cước gọi di động giữa các nhà mạng. Cơ bản, theo thông tư mới này, giá cước cuộc gọi di động giữa các nhà mạng sẽ tiếp tục giảm khoảng 20% so với mức hiện hành.

Mục tiêu quản lý của và đánh giá của các chuyên gia đều đồng nhất ở một điểm, khi 2 thông tư này có hiệu lực, thị trường viễn thông di động sẽ không còn có thể phát triển theo diện rộng như trước nữa.

Lý giải nguyên nhân ban hành 2 thông tư trên, Bộ TT&TT cho biết việc ban hành Thông tư 47 là để hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Đồng thời bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ thông tin di động, bảo đảm an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ. 

Cụ thể, với với việc áp trần khuyến mãi cho thuê bao trả trước, sẽ hạn chế phát triển thuê bao trả trước mới chỉ sử dụng trong thời gian có khuyến mại "khủng", rồi vứt bỏ và lại chuyển sang dùng thuê bao trả trước mới. Mục tiêu nữa là khuyến khích phát triển thuê bao trả sau "trung thành" với nhà mạng.

Được biết, hiện cước nội mạng và ngoại mạng của thuê bao trả sau đang thấp hơn cước nội mạng và ngoại mạng của thuê bao trả trước từ 40-45%. Nhưng do thuê bao trả trước được khuyến mại với giá trị cao hơn và khá thường xuyên, nên thuê bao trả trước vẫn hấp dẫn người tiêu dùng hơn.

Tuy nhiên, với quy định mới, thuê bao trả sau sẽ có mức cước thấp hơn nhiều so với thuê bao trả trước. Người dùng thuê bao trả sau sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi 2 thông tư này được ban hành, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã có phương án xử lý với nạn sim "rác" và đã thu được nhiều kết quả nhất định.

Số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, Việt Nam có trên 121 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 115 triệu thuê bao trả trước. Trong năm 2017, Bộ đã xác định có 28 triệu sim có dấu hiệu nghi vấn, đã thu hồi 24 triệu sim nghi vấn, sim "rác", đã chặn được 214 triệu tin nhắn "rác"…

Nói cách khác, trước khi ban hành các thông tư này, Bộ TT&TT đã có thể quản lý tốt, có kết quả đối với nạn sim "rác".

Tuy nhiên, theo Bộ TT&TT đánh giá, các nhà mạng vẫn tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút thuê bao bằng các chương trình khuyến mại. Và từ đó không chú ý quản lý đăng ký thông tin thuê bao, không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng dùng SIM rác nhắn tin quảng cáo, đe dọa, nhắn tin xấu, độc hại… Trong khi thuê bao trả sau lại ít được chăm sóc…

Lợi ích doanh nghiệp

Hiện nay, phần lớn thị phần thị trường viễn thông Việt Nam nằm trong tay 3 ông lớn là Viettel, Mobifone và VinaPhone..

Trong nhiều năm qua, 3 nhà mạng này đã đua nhau khuyến mãi để tăng duy trì kết quả và gia tăng thị phần của mình, mà có thể phần nào còn dẫn tới....co hẹp biên độ lợi nhuận. Đến nay, các chuyên gia và chính các nhà mạng đều xác nhận thị trường viễn thông di động đang bước vào giai đoạn bão hòa.

Do vậy, để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, các nhà nhà mạng phải tập trung vào việc giữ chân thuê bao, mà phương án tốt nhất để giữ chân là tăng thuê bao trả sau, tăng thêm các dịch vụ chăm sóc khách hàng hiện hữu....

Tuy nhiên, khi dịch vụ gia tăng như cước 3G, 4G, khuyến mại, chăm sóc… của cả 3 nhà mạng lớn nhất đều na ná giống nhau và không chênh lệch lớn, các nhà mạng sẽ trông vào đâu để phát triển?

Câu trả lời nằm trong khả năng liên thủ của 2 thông tư 47 và thông tư 48 vừa được ban hành.

Cụ thể, với việc thông tư 47 ngăn các mạng khuyến mại lớn, và thông tư 48 giảm cước gọi giữa các nhà mạng trả cho nhau (chứ không phải là giảm cước gọi liên mạng của khách hàng) sẽ giúp kéo giảm chi phí sản xuất bình quân cho mỗi phút cuộc gọi của mỗi nhà mạng.

Cụ thể, chi phí cho mỗi cuộc gọi thay vì phải tính thêm 50% chi phí khuyến mại như trước, thì nay chỉ còn gánh không quá 20%. Tương tự, chi phí trả cho nhau của các nhà mạng khi có cuộc gọi liên mạng cũng giảm được 20% khiến chi phí sản xuất của mỗi nhà mạng giảm theo tương ứng.

Chi phí sản xuất giảm đồng nghĩa lợi nhuận trên mỗi sản phẩm tăng lên, quy luật kinh tế này luôn đúng mới mọi doanh nghiệp và các doanh nghiệp viễn thông cũng không là ngoại lệ.

Nói cách khác, việc ngăn khuyến mại lớn, và giảm cước cuộc gọi liên mạng có tác dụng trực tiếp, trước tiên là gia tăng lợi nhuận cho các nhà mạng, trên cơ sở thuê bao chắc chắn không giảm, mà chỉ có tăng lên.

Tính kịp thời của việc ban hành hai thông tư này còn ở chỗ  ngăn được cuộc đua khuyến mãi tranh giành thuê bao chưa có điểm dừng, khiến lợi nhuận của cả 3 nhà mạng bị co hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không có biện pháp cứng ngăn cạnh tranh "cho đến chết", các nhà mạng buộc phải phát triển theo hướng tăng diện phủ làm phương châm phát triển. Nếu nhà mạng nào ngừng khuyến mãi, tương đương với ngừng tăng độ phủ, đương nhiên sẽ bị 2 nhà mạng kia lấn lướt.

Do đó, việc ban hành thông tư 47 và thông tư 48, Bộ TT&TT đang thực hiện tốt chức năng quản lý của mình, khi làm trọng tài chặn cuộc đua khuyến mãi bế tắc, và khiến cuộc đua giữa các của các nhà mạng đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn. Hướng tới dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho thuê bao thực và hiệu quả hơn về lợi nhuận cho các nhà mạng.

Khi chính sách đảm bảo được cả hai mục tiêu này, thì đó là chính sách thành công.