Mua Su-35 của Nga: Ai Cập đang thách thức Mỹ khởi động CAATSA?

VietTimes -- Theo các nhà phân tích chính trị và quân sự Ai Cập, việc mua lại các máy bay tiêm kích hạng nặng Su-35 (được NATO định danh Flanker E+) do Nga sản xuất là cần thiết cho Ai Cập để duy trì cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ lợi ích và bảo vệ cho lưu thông hàng hải quốc tế tại Kênh đào Suez và Biển Đỏ.
Tiêm kích đa năng Su-35 của Nga (Ảnh: Sputnik)
Tiêm kích đa năng Su-35 của Nga (Ảnh: Sputnik)

Nagui Shohoud, một tướng quân đội Ai Cập đã nghỉ hưu cho hay, Ai Cập là một cường quốc trong khu vực. Do đó, cần phải tiếp tục giữ vai trò của mình và sự cân bằng trong thời điểm đang có nhiều hỗn loạn.

“Ai Cập đã đặt mua những chiếc máy bay siêu cơ động từ Nga vào năm 2018, trong một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD. Moscow dự kiến sẽ giao 20 chiếc máy bay vào năm 2020 và 2021” –  tờ Kommersant của Nga đưa tin.

Rõ ràng việc Ai Cập mua máy bay của Nga là để phản ứng với việc Mỹ từ chối bán dòng máy bay thế hệ thứ 5 - F-35 cho Cairo. Động thái này của Ai Cập bị Mỹ phản đối và cho biết thỏa thuận này sẽ khiến Cairo có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Ngày 18/11, R. Clarke Cooper – trợ lý thư ký của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Cục Các vấn đề chính trị - quân sự - cho biết Ai Cập đã mạo hiểm để đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ nếu mua máy bay chiến đấu của Nga.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ nói về các biện pháp trừng phạt. Tháng 4 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ai Cập nếu vẫn cố mua Su-35. Đồng thời cảnh báo thêm rằng, nếu điều đó xảy ra, thì Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) sẽ có thể được khởi động, như với Iran, Bắc Triều Tiên và Nga.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tương lai của mối quan hệ giữa Ai Cập và Mỹ.

Theo GS Tarek Fahmi, chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Cairo, đó có thể sẽ không phải là vấn đề dễ dàng đối với Mỹ bởi đây không phải là lần đầu tiên Ai Cập ký thỏa thuận mua vũ khí với Nga.

Trong năm năm qua, Ai Cập đã mua một loạt các khí tài quân sự của Nga, và Moscow chỉ là một phần trong danh sách dài các nhà cung cấp: Pháp, Trung Quốc, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italy.

Ai Cập cho biết họ muốn đa dạng hóa các nguồn vũ khí của mình, sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Mỹ. Năm 2013, Ai Cập đã học được bài học về sự phụ thuộc này khi Washington từ chối viện trợ quân sự và tài chính bởi nhiều lý do liên quan đến chính trị ở Cairo.

Với khoảng 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm, Ai Cập là nước nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ sau Israel. Do đó, không ngoại trừ kịch bản năm 2013 sẽ lặp lại những gì Washington đã làm nếu Cairo vẫn quyết tâm sở hữu Su-35. Ngoài việc giữ lại một phần hoặc tất cả viện trợ quân sự - và có thể là viện trợ kinh tế - Mỹ cũng có thể có thể tạm dừng huấn luyện quân sự chung với quân đội Ai Cập, các nhà phân tích cho biết.

Quân đội Ai Cập và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung mang tên Ngôi sao Sáng từ năm 1980. Cuộc tập trận trên đã bị hủy bỏ vào năm 2011 vì các cuộc biểu tình “Mùa xuân Arab” ở Ai Cập nhưng đã được tổ chức lại vào năm 2018.

Cairo và Moscow rõ ràng đang có kế hoạch hợp tác lớn. Và phải khẳng định, Nga đang tìm cách duy trì sức mạnh Ai Cập cũng giống như là một phần của việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông và châu Phi.

Hồi tháng 8, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết hợp tác chiến lược. Nga đang xây dựng một khu công nghiệp ở khu vực Suez và sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập. Cùng với đó là kế hoạch xây dựng nhà xưởng để duy trì các thiết bị quân sự của Nga ở Ai Cập.

Theo Arab Weekly