Mua bán nợ xấu: nguy cơ rơi vào cảnh “chợ chiều”

Các công ty quản lý tài sản (AMC) bao gồm cả Công ty VAMC mới đây đã cùng nhau thống nhất sẽ ra mắt Câu lạc bộ AMC vào tháng 9 này, với mục đích chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, kết nối nhà đầu tư, từ đó hướng đến thiết lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam. Đây là giải pháp cần thiết trong việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Tuy vậy, kinh nghiệm từ việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng châu Âu cho thấy, thị trường nợ xấu của Việt Nam rất dễ rơi vào cảnh “chợ chiều”.
Nợ xấu là một trong những rủi ro cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ảnh: THÀNH HOA
Nợ xấu là một trong những rủi ro cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ảnh: THÀNH HOA

Nỗi lo của mọi ngân hàng

Đối với các ngân hàng, nợ xấu là một trong những rủi ro cốt lõi trong hoạt động kinh doanh. Việc trễ hạn hay mất khả năng hoàn trả của bên đi vay ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả ở nhiều góc độ khác nhau.

Thứ nhất, nợ xấu làm giảm lợi nhuận của ngân hàng vì các khoản vay này không tạo hay tạo ít hơn dòng thu nhập như dự kiến. Hơn thế nữa, nó có thể gây ra các khoản thua lỗ và làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu. Thứ hai, nợ xấu đòi hỏi nhiều nguồn lực của ngân hàng, cả vốn và con người, để xử lý từ đó làm phân tán nguồn lực. Giảm khả năng cung cấp tín dụng của các ngân hàng cũng ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Nợ xấu là điều không thể tránh trong hoạt động của ngân hàng, nhưng sẽ là hệ trọng nếu tỷ lệ nợ xấu lên đến một ngưỡng nhất định và không có giải pháp phù hợp để xử lý. Hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và khủng hoảng nợ ở Liên minh châu Âu (EU) từ cuối năm 2009 khiến cho việc xử lý nợ xấu trở thành tâm điểm của nhiều ngân hàng EU và các cơ quan quản lý giám sát. Đây có thể coi như là một điển hình của việc xử lý nợ xấu.

Thành lập sàn giao dịch nợ xấu là một trong các giải pháp cần thiết để giải quyết nợ xấu. Nếu không thực hiện được đồng bộ các giải pháp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết của một sàn đúng nghĩa, thì việc xử lý nợ xấu chẳng khác nào giấu rác dưới tấm thảm, nợ xấu chỉ chạy từ sổ này sang sổ khác.

EU đã đề ra bốn nhóm giải pháp bao gồm các chính sách liên quan đến: i) tăng cường giám sát và quản lý, ii) tiếp tục hoàn thiện tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy thu hồi nợ và thủ tục phá sản, iii) phát triển thị trường thứ cấp cho các loại tài sản đang trong diện bị kiểm soát (distressed assets), và iv) thúc đẩy tái cấu trúc ngân hàng phù hợp và cần thiết.

Tỷ lệ nợ xấu chung của các ngân hàng EU tăng đột biến giai đoạn 2008-2009, từ dưới 3% lên hơn 5% vào cuối năm 2009, và đạt đỉnh hơn 7% vào cuối năm 2012. Số liệu mới nhất của EU cho biết, đến cuối quí 3-2018, tỷ lệ nợ xấu chung là 3,3%, gần quay về mức trước khủng hoảng, trong đó 14 nước thành viên có tỷ lệ dưới 3% và ba thành viên có tỷ lệ trên 10% (Hy Lạp, đảo Síp, và Bồ Đào Nha). Ước tính trong ba năm vừa qua, 112 tỉ euro nợ xấu đã được xử lý trong khi tổng nợ xấu của các ngân hàng EU hiện vào khoảng 786 tỉ euro.

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Để giải quyết nợ xấu, việc hình thành sàn giao dịch là một trong các giải pháp cần thiết trong tổng thể các giải pháp đồng bộ khác có thể tham khảo từ EU. Tuy nhiên, để tránh việc sàn giao dịch rơi vào cảnh chợ chiều thì các yêu cầu về chủng loại hàng hóa, bên mua bên bán, hạ tầng và các dịch vụ bổ trợ cần đạt ở một mức độ nhất định.

Nợ xấu có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ, có tài sản thế chấp hoặc không, là tài sản tiêu dùng hay bất động sản, thậm chí phân loại thành bất động sản thương mại hay bất động sản trú ngụ. Trong khi nợ xấu ở các ngân hàng EU chủ yếu liên quan đến khu vực tư và không tập trung vào bất động sản, thì đây là một câu hỏi lớn chưa được làm rõ ở Việt Nam.

Một cấu thành quan trọng thứ hai của thị trường là sự đa dạng của bên mua và bên bán. Hiện nay ở Việt nam, bên mua chính vẫn chỉ là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong khi nhu cầu bán thì rất nhiều. Việc thiếu bên mua cả trong nước và ngoài nước có lẽ do chất lượng của nợ xấu quá kém, chênh lệch giá mua và bán không đủ bù đắp rủi ro, và thông tin về nợ xấu không đủ minh bạch.

Cuối cùng, sàn giao dịch cần có một trung tâm dữ liệu đầy đủ, minh bạch để các nhà đầu tư có thể tiếp cận. Các thông tin này phải được kiểm tra, công nhận và chuẩn hóa, chẳng hạn như mã số định danh của một tổ chức đi vay. Ngoài ra, các dịch vụ như xếp hạng tín nhiệm, định giá do bên thứ ba cung cấp cần được thúc đẩy để bổ trợ.

Tóm lại, thành lập sàn giao dịch nợ xấu là một trong các giải pháp cần thiết để giải quyết nợ xấu. Nếu không thực hiện được đồng bộ các giải pháp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết của một sàn đúng nghĩa, thì việc xử lý nợ xấu chẳng khác nào giấu rác dưới tấm thảm, nợ xấu chỉ chạy từ sổ này sang sổ khác. Và đó cũng là lý do sau năm năm, nhiều ngân hàng nhận lại các khoản nợ xấu khi các trái phiếu VAMC đáo hạn. Biết đâu, nếu nợ xấu tiếp tục tăng, thì VAMC lại phát hành thêm trái phiếu.   

Theo TBKTSG

Link: https://www.thesaigontimes.vn/293331/mua-ban-no-xau-nguy-co-roi-vao-canh-cho-chieu.html