Một số thành viên Nhóm điều tra WHO bày tỏ không đồng tình với Trung Quốc về nguồn gốc SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 21/2, Ken Maeda, thành viên Nhóm chuyên gia WHO tuyên bố hoài nghi quan điểm Trung Quốc về nguồn gốc virus. Cố vấn ANQG Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc không cung cấp đủ dữ liệu gốc về dịch bệnh.
Ông Ken Maeda (phải) cùng các thành viên trong nhóm chuyên gia quốc tế của WHO ở Vũ Hán (Ảnh: komonews).
Ông Ken Maeda (phải) cùng các thành viên trong nhóm chuyên gia quốc tế của WHO ở Vũ Hán (Ảnh: komonews).

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản ngày 21/2 đưa tin, ông Ken Maeda, thành viên người Nhật trong nhóm chuyên gia quốc tế về truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố rằng, liên quan đến cách nói của Bắc Kinh rằng SARS-CoV-2 được nhập vào Trung Quốc từ nước ngoài qua chuỗi sản phẩm đông lạnh, ý kiến ​​của nhóm chuyên gia bất đồng với ý kiến ​​của phía Trung Quốc, cho rằng virus không phải được nhập vào Trung Quốc qua chuổi sản phẩm đông lạnh và cần phải tiến hành khởi động càng sớm càng tốt các cuộc điều tra thêm. Nhóm chuyên gia từng đề xuất mong nắm được tình hình buôn bán các loài thú sống có thể trở thành vật chủ trung gian, nhưng phía Trung Quốc cho rằng kết quả điều tra cho thấy khi đó trong chợ không có động vật có vú sống, nhưng lại thừa nhận trong chợ có bán thịt thỏ và chồn.

Ông Maeda nói rằng khi bắt đầu cuộc điều tra đã không thu thập được các dữ liệu cần thiết và “thời gian rất vội”. Ông cũng nói, “Vẫn còn nhiều điều chúng tôi muốn biết và vẫn còn những vấn đề khác”.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews), ông Peter Embarek, thành viên của Nhóm Điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 18/2 tuyên bố rằng WHO đã không mở một cuộc điều tra tiếp theo ý kiến của Trung Quốc cho rằng SARS-CoV-2 có thể truyền vào Vũ Hán Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh của nước ngoài.

Ông Embarek trong cuộc họp báo hôm 9/2 (Ảnh: AP).

Ông Embarek trong cuộc họp báo hôm 9/2 (Ảnh: AP).

Nhóm chuyên gia điều tra của WHO đã kết luận công việc truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 của họ ở Trung Quốc vào ngày 9/2. Ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm điều tra chuyên gia chung của phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo được tổ chức cùng ngày đã giải thích thêm về giả thuyết rằng SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua thực phẩm đông lạnh. Đồng thời, ông nói rằng nhiều ca bệnh ban đầu có liên quan đến Chợ Thủy sản Hoa Nam, điều này chỉ có thể chứng minh rằng chợ là một trong những điểm lây lan của virus và các dữ liệu hiện tại không thể xác định được SARS-CoV-2 được lan truyền vào Chợ Thủy sản Hoa Nam như thế nào.

Ông Embarek cho biết, nghiên cứu sơ bộ của nhóm chuyên gia cho rằng SARS-CoV-2 có thể lây sang người thông qua vật chủ trung gian, hoặc có thể truyền sang người qua thực phẩm đông lạnh, nhưng họ cần phải nghiên cứu thêm mới có thể xác định.

Theo báo cáo từ Hãng thông tấn Đức DPA ngày 18/2, ông Embarek mới đây đã tuyên bố rằng SARS-CoV-2 có thể sẽ lại xâm nhập vào Trung Quốc vào năm 2020 thông qua thực phẩm đông lạnh, nhưng con đường lây truyền này rất bất thường. Sau khi điều tra nhiều loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, các nhà khoa học Trung Quốc chỉ tìm thấy dấu vết của SARS-CoV-2 trong một số lượng rất nhỏ thực phẩm đông lạnh.

Embarek chỉ ra rằng trong năm 2019, SARS-CoV-2 đã không lây lan trên toàn thế giới và không có trường hợp quy mô lớn nào nhiễm SARS-CoV-2 trong các nhà máy chế biến thực phẩm bên ngoài Trung Quốc. Từ đó xác định rằng giả thuyết SARS-CoV-2 được nhập vào Trung Quốc qua con đường này là không có cơ sở, “chúng tôi đang tìm kiếm các con đường lây truyền khác có thể”.

Hãng thông tấn DPA chỉ ra rằng tuyên bố của ông Embarek đồng nghĩa với việc phủ nhận quan điểm trước đây của Trung Quốc.

Trước đó, một thành viên khác của nhóm điều tra, là ông Peter Daszak, hôm 14/2 tuyên bố rằng con đường lây truyền nhiều khả năng nhất của SARS-CoV-2 là qua loài dơi ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á truyền đến Chợ Thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Ngoài ra, ông cũng nói rằng các thành viên của nhóm chuyên gia phần lớn phủ nhận rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm, và cho rằng khả năng này không đáng được nghiên cứu thêm.

Theo Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ngày 21/2 một lần nữa tuyên bố, chính phủ Mỹ “quan ngại” về các dữ liệu do Trung Quốc cung cấp cho WHO về nguồn gốc của loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2).

Ông Jake Sullivan nghi ngờ Trung Quốc che giấu thông tin về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Ông Jake Sullivan nghi ngờ Trung Quốc che giấu thông tin về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Ông Sullivan nói: “Chúng ta cần một cuộc điều tra quốc tế đáng tin cậy, công khai và minh bạch dưới sự lãnh đạo của WHO. Chính phủ Joe Biden nghi ngờ về báo cáo của WHO”. Sau đó, ông tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, tuyên bố ông không cho rằng “Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ dữ liệu gốc (nguyên thủy) về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, cả Trung Quốc và WHO đều cần tiến thêm một bước về vấn đề này”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Sullivan bày tỏ “lo lắng” về công việc của WHO ở Trung Quốc. Vào ngày 13/2, ông cho biết rằng báo cáo của nhóm chuyên gia phải độc lập và Trung Quốc cần phải cung cấp tất cả các dữ liệu gốc khi bắt đầu có dịch.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã nói rằng “một số chính trị gia phương Tây đã luôn miệng nói về độc lập, nhưng độc lập không có nghĩa là tuân theo ‘sự suy đoán theo hướng có tội’ của phương Tây đối với Trung Quốc. Chỉ bằng cách tôn trọng khoa học và dựa trên thực tế, mới có thể đưa ra được báo cáo độc lập và rút ra kết luận khoa học. Tuyên bố của cá biệt chính trị gia chỉ là một ví dụ về sự can thiệp của chính trị vào khoa học”.