Mong manh số phận cựu binh Gạc Ma cuối cùng của Đà Nẵng!

VietTimes -- Tại khu điều trị Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, cơ thể người cựu binh Gạc Ma năm xưa gầy rọp, tóc cắt ngắn và bạc gần hết đầu. Nhưng trong sâu thẳm ánh mắt người cựu binh ấy vẫn sáng rực ý chí của người chiến sĩ Gạc Ma năm xưa.
Nụ cười hiếm hoi của người cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng khi được bên đồng đội
Nụ cười hiếm hoi của người cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng khi được bên đồng đội

Mong manh số phận!

Chiều 1/11, theo chân đồng đội của anh, chúng tôi tìm đến với người cựu binh Dương Văn Dũng (SN 1966, trú số 58 đường Trần Lựu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng)-nhân chứng sống duy nhất còn sót lại trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 ở Đà Nẵng. Anh cũng là một trong số ít người sống sót hy hữu trên con tàu HQ604 định mệnh trong trận hải chiến này khi anh đang vật lộn với cơn bạo bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng.

Trên giường bệnh tại khu điều trị Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, cơ thể người cựu binh Gạc Ma năm xưa gầy tọp, tóc cắt ngắn cũn để lộ mái đầu bạc gần hết, cùng cơ thể tiều tụy bởi di chứng bệnh ung thư quái ác. Nhưng trong sâu thẳm ánh mắt người cựu binh vẫn sáng rực ý chí của người chiến sĩ trận hải chiến không cân sức năm xưa.

Mong manh số phận, nhân chứng, Gạc Ma, cựu binh, Dương Văn Dũng, Trường Sa, Đà Nẵng, VietTimes
Niềm vui của cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng khi được sống trong vòng tay đùm bọc của người thân và đồng đội Trường Sa

Khi được hỏi, anh còn nhớ gì về đồng đội, về trận chiến Gạc Ma năm đó, đôi mắt người cựu binh Dương Văn Dũng như bừng sáng, như cái ký ức ấy luôn bên anh, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh để anh vượt qua những cơn đau thể xác bởi bạo bệnh. "Nhớ chứ, sao quên được, có chết cũng không thể quên được. Nhưng đau lắm. Chỉ ngồi thôi, chẳng nằm được, những lúc đau không nằm được là đi lại vòng quanh cho đỡ đau. Mình vào nằm đây được hơn một tháng rồi, chuyển xuống khoa này được 10 ngày, giờ chỉ biết cầm cự được ngày nào hay ngày đó", cựu binh Dương Văn Dũng nói.

"Khi đau, anh ấy đi lại cả đêm, tội lắm. Các anh đến thế này thì chúng tôi mới biết anh ấy là cựu binh Gạc Ma năm xưa với vòng tròn bất tử trên biển huyền thoại. Lại biết anh ấy là nhân chứng sống cuối cùng của trận hải chiến ấy còn sót lại ở Đà Nẵng. Mong anh ấy được bình phục!", một người nhà bệnh nhân chung phòng chia sẻ.

Chia sẻ với anh em báo chí vào thăm, cựu binh Dương Văn Dũng chỉ về chiếc giường bố xếp cũ, kê bên cạnh chiếc giường bệnh rồi lạc quan nói: "Bệnh viện biết hoàn cảnh mình nên ưu tiên cho cái "giường VIP" kia kìa. Hạnh phúc lắm!".

Vừa chỉ tay về chiếc giường xếp được coi là VIP, anh Dũng tiếp: "VIP là bởi không phải ai cũng được ưu tiên kê giường này nằm ở đây vì quy định bệnh viện là phải nằm giường tiêu chuẩn. Mình nằm giường này không được, nó chèn đau đầu lắm, nên ngồi chiếc giường kia, kê cao đầu đỡ đau hơn. Nhưng những lúc đau quá cũng chẳng nằm được".

Mong manh số phận, nhân chứng, Gạc Ma, cựu binh, Dương Văn Dũng, Trường Sa, Đà Nẵng, VietTimes
Anh em báo chí Đà Nẵng thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền gần 60 triệu đồng đến với người cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng

Như hiểu được nổi đau của người cựu binh năm xưa. Súng đạn đã không làm anh gục ngã, nhưng hoàn cảnh gia đình khiến anh đau đáu chưa yên. "Biết tin Dũng nhập viện, anh em chúng tôi đã liên lạc với nhau đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cùng gia đình chăm sóc Dũng. Đà Nẵng có 10 người thì 9 người đã lần lượt ra đi, còn mỗi Dũng thôi, nên anh em tâm nguyện, giữ được chừng nào giữ", anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa, đoàn E83 giai đoạn 1984-1988 tiếp lời.

"Gia cảnh Dũng khó khăn lắm, sau cái chết của cậu con trai thì Dũng suy sụp, anh em động viên còn 2 cô con gái, ráng mà nuôi dạy nên người. Bây giờ một đứa đang học năm thứ 2 Cao đẳng Mầm non. Đứa còn lại đang học lớp 8. Mong muốn nhìn 2 con trưởng thành, học hành, công việc ổn định, nhưng nỗi lo chưa xong thì bệnh cũ tái phát, kinh tế lại eo hẹp. Nay chưa nói trước được điều gì nên Dũng còn trăn trở lắm. Hôm nay được tin anh em báo chí đến thăm, cùng tấm lòng của các nhà hảo tâm, chúng tôi vui lắm. Thay mặt anh em, thay mặt gia đình Dũng cùng đồng đội, chúng tôi xin ghi ơn các tấm lòng cao cả giành cho những người lính Gạc Ma năm xưa", anh Nguyễn Văn Tấn xúc động nói.

Theo bác sỹ điều trị, tình hình bệnh của anh Dũng đang rất khó tiên liệu do căn bệnh ung thư da đầu đã di căn đến não dù đã được điều trị hơn một năm nay nhưng bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối nên chỉ có thể cầm cự được một thời gian ngắn.

“Trước đó anh Dũng cũng đã mổ, Bệnh viện đã xạ trị nhưng bệnh vẫn tiếp tục tái phát. Ung thư đã di căn vào não, thái dương phải và vùng đỉnh. Nên hiện tại, bệnh viện đang điều trị giảm đau kết hợp chống phù não cho anh ấy”, bác sỹ điều trị cho biết.

Người cựu binh Gạc Ma!

"Cả Đà Nẵng có 10 người thì 9 người đã ngã xuống, còn mỗi Dương Văn Dũng thôi. Nhân chứng sống của Gạc Ma năm xưa là đó...", câu nói gợi nhớ của anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa, đoàn E83 giai đoạn 1984-1988 khiến anh em báo chí tôi không kìm được cẩm xúc. Để rồi những ký ức về trận hải chiến Gạc Ma năm xưa qua người cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng ùa về.

Mong manh số phận, nhân chứng, Gạc Ma, cựu binh, Dương Văn Dũng, Trường Sa, Đà Nẵng, VietTimes
Những ký ức về trận chiến Gạc Ma luôn trong tâm tưởng cựu binh Dương Văn Dũng (ảnh tư liệu)

Năm 1987, cũng như các tân binh cùng trang lứa, anh Dương Văn Dũng cùng 100 tân binh nhập ngũ khi mới 21 tuổi. Rồi như duyên cơ, anh cùng 10 thanh niên đồng hương Quảng Nam, Đà Nẵng có mặt trên con tàu HQ 604 định mệnh ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Nhưng buổi sáng ngày 14/3/1988 định mệnh ấy khiến đồng đội anh nằm lại biển xa với huyền thoại "vòng tròn bất tử". Đạn như mưa, súng nổ rền trời, lửa bao trùm Trường Sa, máu của đồng đội của anh nhuộm đỏ biển khơi,...Chỉ còn anh cùng số ít đồng đội may mắn thoát chết trong gang tấc. Tất cả như định mệnh muốn anh phải sống, để nhớ, để làm nhân chứng cho cuộc chiến không cân sức này.

Sau giây phút sinh tử, cựu binh Dương Văn Dũng lênh đênh trên biển để rồi cùng nhiều đồng đội bị trói chặt, giam nhốt ở Quảng Đông.

Mong manh số phận, nhân chứng, Gạc Ma, cựu binh, Dương Văn Dũng, Trường Sa, Đà Nẵng, VietTimes
Anh Dương Văn Dũng trên "chiếc giường VIP" được bệnh viện kê riêng do anh không thể nằm giường thông thường

Ở nhà, gia đình, họ hàng nhận được giấy báo tử. Ai cũng nghĩ anh đã chết! .Nhưng sau gần 4 năm bị giam nhốt, năm 1991, anh Dũng được Trung Quốc trả về bằng con đường ngoại giao. Như một định mệnh, anh trở về với ký ức nguyên vẹn của cuộc hiến, để hàng năm khi đến ngày 14/3 anh đi đến nhà từng đồng đội cũ của mình để thắp nén nhang tưởng nhớ...

Xuất ngũ, truy lĩnh tiền lương, anh Dũng bắt đầu cuộc sống bằng nghề phụ hồ cùng vợ buôn gánh bán bưng nuôi 3 con ăn học. Kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào gánh bán bưng của vợ do sau thời gian bị giam nhốt, sức khỏe anh bị suy yếu nhiều. Để rồi tai họa ập đến, năm 2011, đứa con trai đầu của anh tử nạn do tai nạn giao thông khi mới vào lớp 12. Đứa con trai duy nhất, lại là cháu đích tôn của dòng họ ra đi khiến anh một lần nữa gần như bị quật ngã.

Nhà cửa đang xây bỏ dở dang, hai vợ chồng anh bỏ nhà về nơi cũ sinh sống như muốn quên đi cái quá khứ đau buồn để nuôi 2 đứa con gái khôn lớn. 

Một lần nữa gượng dậy, anh Dũng cùng vợ chạy vạy, vay mượn để xây vừa xong căn nhà để có chỗ chui ra chui vào thì anh Dũng phát hiện mình bị ung thư da đầu. Sức khỏe tiếp tục giảm sút, nợ nần chồng chất tiếp tục đè nặng lên đôi vai người vợ cho đến ngày hôm nay.

Mong manh số phận, nhân chứng, Gạc Ma, cựu binh, Dương Văn Dũng, Trường Sa, Đà Nẵng, VietTimes
Anh Nguyễn Văn Tấn (bìa phải), Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa, đoàn E83 giai đoạn 1984-1988 và ban liên lạc luôn có mặt khi đồng đội gặp hoạn nạn

Hay tin anh Dương Văn Dũng lâm trọng bệnh, các nhà hảo tâm cùng anh em báo chí Đà Nẵng, đồng đội đã quyên góp hỗ trợ anh Dũng số tiền gần 60 triệu đồng để chữa bệnh và hỗ trợ phần nào kinh tế để vợ anh có thể yên tâm chăm sóc cho anh Dũng. Các bác sỹ bệnh viện thì đang nỗ lực điều trị cho anh, cũng như xin ý kiến Ban Giám đốc để miễn giảm viện phí, thuốc men, như sự sẻ chia đối với người cựu binh Gạc Ma năm xưa.