Ngoài các món thông thường, nhiều quốc gia khác còn nổi tiếng và thịnh hành những loại thức ăn mà người từ xa đến không quen có thể bị nguy hiểm đến tính mạng khi thử.
Cá nóc, Nhật Bản
Những du khách tham quan xứ sở hoa anh đào có thể thấy cá nóc bày bán rất nhiều trong các cửa hàng, chợ, thậm chí là siêu thị. Chúng được sử dụng làm thành phần chế biến Fugu Sushi hay Fugu Sashimi, vốn là món ăn thông dụng, hấp dẫn đông đảo thực khách.
Miếng thịt cá nóc màu trắng trong được thái mỏng, trình bày một cách khéo léo và đẹp mắt. Khi dọn ra bàn, chúng được phục vụ cùng những loại nước chấm làm từ dầu mè, tương, mù tạt, củ cải muối dầm, chanh, ớt....
Để làm món sashimi, đầu bếp phải thái thịt cá nóc thật mỏng, thậm chí như tờ giấy. Ảnh: sotaydulich.
Được coi như một nghệ thuật, khi thưởng thức, thực khách phải nhấp môi, uống một chén rượu nhỏ, sau đó gắp miếng thịt cá nóc sống đi kèm gia vị đưa vào miệng. Cuối cùng là nuốt vào thật chậm để cảm nhận hương vị ngọt ngào xen lẫn cay cay từ những loại gia vị đi kèm.
Tuy vậy, thịt cá nóc sẽ trở thành liều thuốc độc nếu chế biến không đúng cách, có thể làm tê liệt cơ bắp dẫn tới ngạt thở, gây tử vong. Dù mỗi năm, Nhật Bản đều có người nhập viện vì ăn cá nóc, đây vẫn là món được ưa chuộng ở xứ mặt trời mọc.
Phô mai giòi, Italy
Không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức Casu Marzu (phô mai giòi), nhất là khi nhìn thấy những con giòi nhỏ, trắng, bò nhung nhúc trong miếng phô mai. Tuy nhiên, đây lại là món ăn truyền thống của người dân vùng Sardinia , Italy.
Cách chế biến món này cũng khá cầu kỳ. Người làm đặt miếng phô mai ở ngoài với mục đích cho ruồi tới đẻ trứng bên trong. Một con ruồi cái Piophila có thể đẻ hơn 500 trứng cùng lúc. Sau khi trứng nở, ấu trùng sẽ tấn công miếng phô mai, tiêu hóa hết chất béo, tạo nên quá trình lên men. Khi bề mặt trở nên mềm và còn rỉ nước, miếng phô mai có thể ăn được.
Món ăn này được cho là loại thực phẩm kích thích ham muốn tình dục. Ảnh: alwaysfoodie.
Casu Marzu được cho là gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người sử dụng, gây ra dị ứng, ngộ độc và nhiễm trùng đường ruột giả chứng. Tuy nhiên, người dân ở đây cho rằng phải ăn Casu Marzu ngay khi các con giòi còn sống mới không bị nhiễm độc tố. Hiện món này bị cấm nhưng tại một số nơi ở Italy, Casu Marzu vẫn được bày bán.
Bạch tuộc sống, Hàn Quốc
Thưởng thức bạch tuộc khi còn sống là món không phải du khách nào cũng đủ can đảm nếm thử. Ở Hàn Quốc, một món ăn làm từ bạch tuộc có tên Sannakji còn xếp vào hàng những thực phẩm nguy hiểm trên thế giới nhưng vẫn được thực khách lựa chọn.
Hàn Quốc từng có người chết vì ăn món bạch tuộc sống. Ảnh: lfestylepen.
Nguyên liệu chính món này là nakji (một loại bạch tuộc nhỏ), được phục vụ ở các nhà hàng hoặc chợ cá Noryangjin, Seoul. Khi khách gọi, đầu bếp mới chuẩn bị, các xúc tu được cắt, tẩm ướp gia vị và ăn ngay khi chúng vẫn còn giẫy giụa trên đĩa.
Mặc dù được khuyến cáo nhai ngay trước khi xúc tu dính vào vòm họng để đảm bảo an toàn, Hàn Quốc vẫn có người chết vì món ăn này. Nếu đủ can đảm để thưởng thức, bạn hãy nhai kỹ và uống thật nhiều nước. Trường hợp không may bị xúc tu dính vào, thực khách có thể chết vì ngạt thở.
Theo Dân trí