|
Các quy hoạch của Việt Nam chưa có tính liên kết- (Ảnh minh họa). |
Thông tin trên được Bộ KHĐT cho biết, Bộ này còn cho biết thêm năm 2015 thì ít hơn, nhưng cũng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt mỗi tháng.
Theo Bộ KHĐT, kế hoạch lập quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch của các bộ ngành, trung ương và địa phương trên cả nước có gần 19.300 quy hoạch nhưng đến hết năm 2014 các cấp, các ngành mới triển khai được 12.860 quy hoạch (chiếm 67% dự kiến). Như vậy, sau 3 năm, số quy hoạch được lập trên cả nước là gần 4.300 quy hoạch/năm và gần 358 quy hoạch/tháng.
Trong đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội là 800 quy hoạch, quy hoạch xây dựng nhiều nhất với 7.180 (52% tổng số quy hoạch thời kỳ 2011 -2020), quy hoạch sử dụng đất hơn 2.250, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm là 3.500 quy hoạch.
Tuy nhiên, hiện quy hoạch của các ngành và địa phương rất chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Cùng một đơn vị hành chính, cùng một ngành nhưng có nhiều quy hoạch được lập, mỗi quy hoạch lại đề ra một chỉ tiêu khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều quy hoạch có nội dung và cấp phê duyệt trùng lặp được thực hiện trên cùng lãnh thổ.
Riêng ngành Dược đã có hai quy hoạch cùng đề cập đến phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, chiết xuất của ngành dược dẫn đến phát triển không thống nhất. Cụ thể, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển ngành dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được phê duyệt.
Hay quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt năm 2005 nhu cầu xi măng đến năm 2010 là 46,8 triệu tấn/năm với 66 dây chuyền xi măng. Tuy nhiên, đến năm 2010 cả nước đã có 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế 65 triệu tấn/năm, nguồn cung xi măng năm 2010 vượt cầu khoảng 3 triệu tấn, năm 2011 dư thừa 7 triệu tấn xi măng.
Như vậy, mâu thuẫn trong quy hoạch phát triển tất yếu dẫn đến mâu thuẫn trong các quyết định đầu tư và là nguyên nhân gây ra tranh chấp giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.
Đặc biệt, trong quá trình lập quy hoạch, việc dự báo quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, vì dự báo càng chính xác thì quy hoạch càng hiệu quả và có tính khả thi càng cao. Nhưng đây lại là khâu yếu kém nhất hiện nay ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng quy hoạch xa rời thực tế và thường xuyên phải điều chỉnh một cách bị động.