Mối họa từ 'tiền đồn Trung Quốc' ở biển Đông

Việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Trường Sa đặt ra nguy cơ với nhiều nước trong khu vực và cả Mỹ.

Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của VN trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong vài tuần qua, sau khi xuất hiện nhiều hình ảnh và phân tích cho thấy Bắc Kinh đang cấp tập biến những bãi đá tại đây thành pháo đài quân sự. Mới đây nhất, trong cuộc điều trần đặc biệt về các điểm nóng an ninh toàn cầu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper tố cáo Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn ở biển Đông nhằm phục vụ “mưu đồ hung hăng áp đặt chủ quyền trong khu vực”. Lời cảnh báo của ông Clapper một lần nữa nhấn mạnh nguy cơ đặt ra đối với các quốc gia trong khu vực từ hoạt động phi pháp của Bắc Kinh. 

Khống chế tuyến hàng hải

Theo Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ trong năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 242 ha đất ở Trường Sa. Các cơ sở hạ tầng như sân bay và căn cứ hậu cần có thể đi vào hoạt động trong năm nay, cho phép Bắc Kinh thiết lập chỗ đứng vững vàng tại vùng biển ở khu vực Đông Nam Á.  

Tờ The Washington Free Beacon dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ John Tkacik nhận xét chiến lược của Bắc Kinh giành quyền kiểm soát biển Đông là một mục tiêu dài hạn của giới lãnh đạo Trung Quốc. “Trong 15 năm qua, phía Trung Quốc đã tiến hành chiến lược mới về việc xây dựng ồ ạt trên những bãi đá chìm và hiện ở vào vị thế không chỉ có thể thực thi yêu sách với chính những bãi đá mà còn với cả toàn bộ hàng triệu dặm vuông ở biển Đông”, ông Tkacik nói và nhận định việc xây dựng là một phần chiến lược được tính toán tỉ mỉ với mục đích kiểm soát toàn bộ hoạt động giao thông quốc tế trên biển và trên không ở vùng biển này. Trong một bài viết đăng trên website của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhà nghiên cứu về chính sách ngoại giao và quốc phòng Michael Mazza cũng đưa ra nhận xét tương tự.

Theo ông Mazza, bằng cách xây dựng những pháo đài trên biển ở Trường Sa, Bắc Kinh có thể bố trí lực lượng hải quân và không quân để ngăn chặn lực lượng đối địch tiếp cận bờ biển Trung Quốc từ phía nam và phía tây. Một đường băng trên đá Chữ Thập sẽ rút ngắn khoảng cách đối với Eo Malacca, cho phép Bắc Kinh kháng cự việc phong tỏa tuyến hàng hải từ xa hoặc tạo điều kiện cho chính Trung Quốc đe dọa tuyến đường chiến lược này.

Theo Reuters, một số chuyên gia quân sự tin rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các cơ sở trực thăng trên các hòn đảo để phục vụ hoạt động săn tàu ngầm. “Việc Trung Quốc cải thiện khả năng phòng thủ từ xa sẽ khiến nước này càng trở nên hung hăng hơn trong cách hành xử với các nước láng giềng”, nhà nghiên cứu Michael Mazza nhận định.

Động cơ xây dựng tiền đồn ở Trường Sa không đơn thuần chỉ có mục đích phòng thủ. Các đường băng, bãi đáp trực thăng, ụ pháo, kho chứa và bến tàu ở cách bờ biển cả ngàn km sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai lực lượng. Vì vậy, việc xây dựng các hòn đảo ở biển Đông làm nơi trú đóng của lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ tạo ra thách thức mới cho các nhà hoạch định quân sự ở các nước ven biển Đông cũng như Ấn Độ, Úc và Mỹ, theo ông Mazza.

Chúng cũng đặt ra thách thức đối với Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc, vốn phụ thuộc vào sự tự do và an toàn của tuyến đường vận chuyển hàng hóa qua biển Đông. Trung Quốc từ lâu đã lo lắng về việc bị phong tỏa, song nước này hiện ở vị thế thuận lợi hơn để quấy nhiễu tuyến đường biển có vai trò quan trọng với những nước khác, qua đó áp đặt những tổn thất kinh tế đối với Đài Bắc, Tokyo và Seoul bằng cách buộc những tàu hàng phải chọn con đường vòng tránh xa hơn. 

“Kế hoạch cuối cùng của Trung Quốc đối với các hòn đảo vẫn chưa rõ ràng nhưng các dự án bồi đắp đó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc. Việc đạt được một giải pháp hòa bình thực sự cho tranh chấp biển Đông hiện trở nên khó khăn hơn”, ông Mazza viết. 

“Làm luật” ở biển Đông

   Trong một bài viết đăng trên trang Real Clear Defense ngày 27.2, Giáo sư James Holmes thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, cũng cảnh báo những nguy cơ từ hoạt động hung hăng của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc xây dựng tiền đồn ở biển Đông sẽ cho phép họ triển khai ồ ạt lực lượng hải cảnh, hải quân và không quân, với ý đồ “làm luật” ở biển Đông, phục vụ cho mưu đồ xa hơn là hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Điều này sẽ đe dọa quyền tự do hàng hải ở khu vực.

“Một nguyên tắc đang lâm nguy. Các lãnh đạo ở Mỹ và ở châu Á phải tự hỏi mình: các ngài có sẵn sàng từ bỏ quyền tự do biển cả - nguyên tắc nền tảng vốn là rường cột cho trật tự tự do trên biển mà sự thịnh vượng của toàn cầu phụ thuộc vào - để đổi lấy tình hữu nghị đối với Bắc Kinh”, ông Holmes viết. Giáo sư người Mỹ này cũng kêu gọi Washington hãy đáp trả mưu đồ của Bắc Kinh. “Washington phải lĩnh hội được điều gì đang lâm nguy ở Đông Nam Á, định rõ mình xem trọng quyền tự do trên biển và quan hệ với các đồng minh khu vực đến mức nào, và phân bổ nguồn lực để bảo vệ lợi ích và các chủ định của mình”, ông viết.

Cũng với thái độ tương tự, theo tờ The Washington Free Beacon, hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực và triển khai lực lượng thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đã kêu gọi Lầu Năm Góc tái xem xét chương trình trao đổi với quân đội Trung Quốc. “Xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông nhằm đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ đơn giản là sự tiếp nối của việc Trung Quốc xem thường và cự tuyệt giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách có trách nhiệm”, ông nói và thúc giục: “Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng cần nhanh chóng đánh giá các kế hoạch trao đổi quân sự song phương trong tương lai với Bắc Kinh trước những hành động khiêu khích trong khu vực của Trung Quốc”.

Theo Thanh Niên