Mối đe dọa lớn với nước Mỹ mà chính quyền Trump bỏ lỡ

VietTimes -- Chiến lược Chống khủng bố Quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi tuyên bố rằng nước Mỹ "từ lâu đã đối diện với mối đe dọa dai dẳng từ những kẻ khủng bố trong nước, những kẻ không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng hệ Hồi giáo mà bởi nhiều hình thức bạo lực cực đoan khác".
Người dân El Paso tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng (Ảnh: Getty)
Người dân El Paso tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng (Ảnh: Getty)

Vụ xả súng đẫm máu xảy ra ở El Paso, Texas hôm thứ Bảy tuần trước, hiện được chính quyền liên bang Mỹ coi như một vụ khủng bố trong nước, là lời cảnh tỉnh về lịch sử bạo lực súng đạn và hiện là một mối đe dọa đối với nước Mỹ.

Để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự xảy ra, nước Mỹ cần phải tăng cường hoạt động của lực lượng hành pháp để chống lại chủ nghĩa khủng bố cánh hữu, và Tổng thống Trump cần phải công nhận rằng mối đe dọa gây nên bởi những kẻ khủng bố cực hữu tương tự như mối đe dọa từ những kẻ khủng bố thánh chiến. Ông Trump cũng cần lên án thứ hệ tư tưởng đang tạo nền móng cho tình trạng bạo lực cánh hữu, thay vì khuyến khích nó.

Hôm thứ Bảy tuần trước, theo chính quyền các cấp, một người đàn ông da trắng 21 tuổi đã xả súng và giết hại 20 người tại một siêu thị Walmart ở El Paso, bang Texas. Vài phút trước khi vụ tấn công xảy ra, cảnh sát tin rằng nghi phạm đã đăng tải một bản "tuyên ngôn" trên 8chan - một trang tin thường xuyên xuất hiện các bài viết mang nội dung phân biệt chủng tộc - nói rằng hắn ủng hộ kẻ khủng bố đã sát hại 50 người tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand hồi tháng 3 năm nay.

Cũng giống như trong những vụ xả súng trường học khi những kẻ xả súng thường học theo nhau, và giờ những kẻ khủng bố cũng học theo những kẻ khủng bố khác. Đáng chú ý, kẻ khủng bố thực hiện vụ tấn công ở Christchurch cũng từng đăng tải "tuyên ngôn" của hắn lên 8chan ngay trước khi thực hiện vụ xả súng tại các nhà thờ Hồi giáo.

Bản "tuyên ngôn" của kẻ xả súng ở El Paso - một tài liệu dài 4 trang - còn nhắc tới "cuộc xâm lược của những người gốc Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha (Hispanic)" ở bang Texas như lý do chính để thực hiện một vụ tấn công khủng bố ở El Paso.

Tổng thống Trump cũng từng mô tả việc những người nhập cư trái phép đổ dồn tới đường biên giới phía Nam như một "cuộc xâm lược". Tuy nhiên, kẻ xả súng nói rằng quan điểm về của hắn về người nhập cư đã được hình thành từ trước khi ông Trump trở thành Tổng thống.

Vụ xả súng ở El Paso, nếu được chứng minh là hành động của một kẻ da trắng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, sẽ là một vụ tấn công cực hữu nghiêm trọng bậc nhất trong những năm gần đây. Kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9. những kẻ khủng bố có tư tưởng cực hữu - bao gồm chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng", chống chính phủ và chống nạo phá thai - đã giết hại 107 người ở nước Mỹ; theo nghiên cứu của hãng New America. Trong khi đó, những tay phiến quân thánh chiến giết hại 104 người ở Mỹ.

Nói cách khác, trên đất Mỹ, những kẻ khủng bố cực hữu giết hại số người tương đương những kẻ khủng bố thánh chiến trong vòng 18 năm qua.

Thêm vào đó, theo dữ liệu của New America, các vụ tấn công khủng bố cực hữu nhất kể từ sự kiện ngày 11/9 chỉ gây ra con số người thiệt mạng khá nhỏ. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, những kẻ khủng bố cực hữu đã thực hiện nhiều vụ tấn công quy mô lớn. Và nếu được xác nhận là một vụ tấn công xuất phát từ tư tưởng cực hữu, vụ xả súng ở El Paso sẽ trở thành vụ khủng bố cực hữu đẫm máu nhất kể từ sau sự kiện 11/9.

Cách đây chưa đầy 1 năm, một tay súng tin vào các thuyết âm mưu chống người nhập cư đã sát hại 11 người trong một nhà thờ Do Thái ở Pittsburgh, vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào cộng đồng người Do Thái trong lịch sử nước Mỹ.

Trong hàng loạt các hệ tư tưởng và tín ngưỡng, bạo lực khủng bố đang trỗi dậy ở nước Mỹ. Ví dụ, những kẻ khủng bố có tư tưởng sợ phụ nữ đã giết hại 8 người ở Mỹ trong những năm gần đây. Một kẻ xả súng giết hại 6 người ở Isla Vista, California vào năm 2014 chỉ với lý do thù ghét phụ nữ. Và trong năm ngoái, một tay súng giết hại 2 người phụ nữ trong một phòng tập Yoga ở Tallahassee, Florida với động cơ tương tự. Và trong vòng 3 năm qua, những kẻ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa người da đen đã sát hại 8 người ở nước Mỹ.

Trong khi đó, kể từ sự kiện ngày 11/9, không có tổ chức khủng bố nước ngoài nào thực hiện một vụ tấn công chết chóc ở nước Mỹ. Cần nhắc lại rằng, tất cả trong số 13 kẻ khủng bố đã giết hại 104 người ở nước Mỹ kể từ sau sự kiện ngày 11/9 đều là công dân Mỹ hoặc là người thường trú hợp pháp.

Thế nhưng, chính quyền Trump vẫn không công nhận bản chất thực sự của mối đe dọa khủng bố ở nước Mỹ. Cách phản ứng của họ trước chủ nghĩa khủng bố chỉ là ngăn chặn công dân của các nước Hồi giáo đến nước Mỹ, nhưng lại không ngăn chặn được các vụ khủng bố xảy ra sau sự kiện 11/9.

Hiện nay, các lực lượng hành pháp đang tích cực điều tra về những mối đe dọa khủng bố cực hữu. Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, chỉ tính riêng trong năm nay đã có khoảng 100 vụ bắt giữ liên quan tới chủ nghĩa khủng bố trong nước.

Điều này cho thấy nước Mỹ cần phải nỗ lực nhiều hơn, như một tuyên bố chung mà 6 vị cựu quan chức chống khủng bố dưới thời các Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Trump công bố trong hôm Chủ nhật vừa qua. Tuyên bố có đoạn: "Nhiều tháng qua đã cho thấy một điều rõ ràng là chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn các hành động bạo lực bắt nguồn từ các quan điểm cực đoan đủ dạng, trong đó có hành động của chủ nghĩa khủng bố trong nước. Chúng tôi kêu gọi chính phủ coi việc ngăn chặn hình thức chủ nghĩa khủng bố này như ưu tiên ngang với công tác chống khủng bố quốc tế sau sự kiện 11/9... Đơn giản là chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa".

Theo CNN