Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khi trả lời báo chí mới đây về việc triển khai dịch vụ Mobile-Money.
Rút kinh nghiệm triển khai Mobile Money sau 2 năm thí điểm
Lãnh đạo NHNN cho biết, sau khi có Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile Money), NHNN đã nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động này, đó là: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Đại diện NHNN cho rằng, cần thời gian để các doanh nghiệp (DN) hoàn thiện hồ sơ theo đúng Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 26/9/2021, tại hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về chuyển đổi số doanh nghiệp thời COVID-19. Bộ trưởng khẳng định: “Muốn lên môi trường số thì thanh toán điện tử được coi là nền tảng. Cách nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ được toàn dân thì Mobile Money là giải pháp tốt nhất. Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng tạo thành cú hích mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số”.
Ông Đào Minh Tú cho rằng: “Đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định”, do đó sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, NHNN đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an,
“Về cơ bản, chúng tôi cũng đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10 các Bộ sẽ thống nhất hồ sơ. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của các Bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.
Mobile-Money là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng.
Vì thế, lãnh đạo NHNN cho rằng: 3 Bộ cùng phải tham gia quản lý hoạt động này vì “đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán”.
“Đối với việc triển khai thí điểm, lúc đầu dự định triển khai tại một số địa phương, nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc đã cho triển khai đồng bộ trên cả nước, thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá để có cơ sở triển khai chính thức chương trình này” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm.
Ưu tiên triển khai Mobile Money tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Mobile Money tận dụng hạ tầng viễn thông sẵn có để tiết kiệm chi phí xã hội và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếu thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại (như thẻ ngân hàng, ứng dụng mobile banking).
Mạng lưới viễn thông và điểm giao dịch trên toàn quốc đang là lợi thế lớn để các DN triển khai Mobile Money phủ nhanh, rộng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, DN khi triển khai sẽ gặp không ít thách thức như: việc định danh và xác thực khách hàng, thay đổi thói quen người dùng, vấn đề bảo mật, chống rửa tiền…
Bên cạnh đó, các yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi DN thí điểm phải hoàn thiện như: hệ thống đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật hiện hành, hệ thống lưu trữ lịch sử giao dịch Mobile Money phát sinh; bản sao lưu các thông tin lưu trữ nhằm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…
Trong Quyết định 316, Chính phủ cho phép triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó, DN thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.